Tử vong do sốc nhiệt
Những ngày gần đây, thời tiết nắng nóng gay gắt đã khiến 2 người đàn ông tại huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh bị sốc nhiệt, tử vong sau khi đi ngoài đường. 2 nạn nhân được xác định cùng ở xã Kim Song Trường là ông N.H.O. (80 tuổi, trú tại thôn Đình Hồ) và ông N.H.T. (70 tuổi, ngụ tại thôn Phúc Yên).
Sáng 28/4, ông N.H.O. đi xe đạp sang nhà người thân ở cùng xã chơi. Trưa về, do tuổi cao sức yếu cùng với thời tiết nắng nóng hơn 40 độ C khiến ông O. bị say nắng, ngất xỉu. Nạn nhân được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện nhưng đã tử vong do bị sốc nhiệt.
Tương tự, trưa 27/4, ông N.H.T. đi bộ từ nhà con ở cùng thôn về nhà với quãng đường chỉ 500 m cũng bị sốc nhiệt ngất xỉu nằm ra đường và tử vong sau đó.
Trước đó, nhiều bệnh viện liên tục tiếp nhận bệnh nhân bị sốc nhiệt, đột quỵ do thời tiết nắng nóng gay gắt. Đơn cử, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tiếp nhận nam thanh niên (29 tuổi) chuyển từ Bệnh viện huyện Thạch Thất, Hà Nội với chẩn đoán sốc nhiệt có tổn thương nội tạng (gan, thận, huyết học) sau khi chạy bộ khoảng 5km vào lúc 17 giờ chiều.
Trong quá trình điều trị, bệnh nhân được kiểm soát thân nhiệt, truyền dịch, bù điện giải và các phương pháp điều trị nội khoa tích cực khác, nhờ đó, cải thiện chức năng các tạng, không để lại di chứng.
Tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội) vừa tiếp nhận bệnh nhân V.V.C. (55 tuổi, ở Hoàng Mai, Hà Nội) cấp cứu trong tình trạng có biểu hiện đột quỵ, khó nói, méo miệng. Ông C. là bảo vệ, thường xuyên phải làm việc ngoài trời. Do thời tiết nắng nóng nên bệnh nhân bị kiệt sức, người uể oải và ngã quỵ. May mắn, ông được cấp cứu trong thời gian vàng.
Cũng có nhiều bệnh nhân bị đột quỵ do nắng nóng nhưng nhập viện muộn, khiến việc hồi phục trở nên khó khăn. Điển hình như ông T. (là thợ xây, ở Gia Lâm, Hà Nội), khi đang làm việc trên giàn giáo, bất ngờ cảm thấy tối sầm mặt, loạng choạng, hoa mắt. Ông T. nhập viện muộn sau khi đã qua giờ vàng điều trị nên bị biến chứng nặng nề.
Sốc nhiệt, say nắng là hiện tượng nhiều người lo ngại khi miền Bắc đang bước vào những ngày Hè nắng nóng gay gắt ngay từ đầu mùa.
Bác sĩ Nguyễn Văn Học - Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho biết, nắng nóng gây cơ thể mất nước, muối nếu người bệnh không bổ sung nước kịp thời sẽ khiến máu bị lưu thông kém. Hậu quả là làm tăng huyết áp, dễ hình thành cục máu đông gây tắc nghẽn mạch máu, từ đó tăng nguy cơ sốc nhiệt và đột quỵ.
Say nắng và sốc nhiệt đều dẫn đến tình trạng tăng thân nhiệt và triệu chứng tổn thương thần kinh trung ương. Triệu chứng kinh điển của tình trạng này là tăng thân nhiệt trên 40 độ C và suy chức năng thần kinh xảy ra đột ngột ở 80% các trường hợp. Trong đó, những người có bệnh lý nền thường có nguy cơ gặp phải hậu quả nghiêm trọng hơn.
Sơ cứu người bị sốc nhiệt
Đề cập đến vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Văn Chi - Trung tâm Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai cho hay, sốc nhiệt có thể xảy ra với bất kỳ ai nhưng trẻ nhỏ và người lớn tuổi có nguy cơ cao gặp phải tình trạng này. Thanh thiếu niên khỏe mạnh có tham gia tập luyện thể thao hoặc tắm nắng dưới nhiệt độ nóng cũng có nguy cơ bị sốc nhiệt.
Thông thường, những người trẻ, khỏe không nhận thấy được các triệu chứng ban đầu của sốc nhiệt cũng như không mấy chú tâm đến chúng, hoặc họ có thể cảm thấy ngại khi than phiền về việc cảm thấy khó chịu trong quá trình luyện tập thể thao.
PGS.TS Nguyễn Văn Chi khuyến cáo, người dân nếu phải ở lâu ngoài trời, cố gắng tránh thời điểm từ 11 giờ trưa đến 15 giờ chiều là thời điểm cường độ nắng nóng cao nhất.
Mỗi người dân phải có các biện pháp bảo vệ cơ thể như mặc quần áo bảo hộ lao động chống nắng, làm thông thoáng, che chắn, khi làm việc ngoài trời. Đặc biệt cần lưu ý uống đủ nước để phòng mất nước. Nếu phải lưu thông trên đường thì cần đội mũ nón, che ô, mặc đồ chống nắng.
Người lao động ngoài trời ngoài việc có đầy đủ phương tiện dụng cụ chống nắng thì cứ sau 1 khoảng thời gian phải vào chỗ mát tạm nghỉ 10 - 15 phút để cơ thể hạ nhiệt và bổ sung thêm nước cho cơ thể. Trung bình một người nên uống từ 2,5 -3 lít nước/ngày trong những ngày nắng nóng.
Cục Quản lý Môi trường Y tế, Bộ Y tế lưu ý, khi gặp vấn đề sức khỏe do nắng nóng, tùy theo mức độ biểu hiện mà cần nhanh chóng áp dụng những biện pháp xử trí phù hợp.
Ở mức độ nhẹ, chuyển nạn nhân vào chỗ mát, thoáng gió, nới lỏng hoặc cởi bỏ bớt quần áo bên ngoài. Sau đó, lau cơ thể nạn nhân bằng khăn mát hoặc có thể dội nước mát vào cơ thể nạn nhân rồi lau khô. Đặt khăn thấm nước mát hoặc nước đá tại các vị trí như vùng nách, vùng bẹn, hai bên cổ để giúp nhanh chóng giảm nhiệt độ cơ thể.
Nếu nạn nhân uống được nước, cho uống từng ngụm nhỏ nước mát. Tốt nhất là uống nước có bổ sung muối và khoáng chất như nước Oresol pha đúng liều lượng theo hướng dẫn sử dụng.
Nếu nạn nhân bị chuột rút, cần xoa bóp nhẹ nhàng vùng cơ bị chuột rút. Lưu ý không để nhiều người vây quanh nạn nhân. Sau khoảng 10 - 15 phút, các biểu hiện sẽ giảm dần. Nếu nạn nhân có các biểu hiện ở mức độ nặng, cần gọi ngay cấp cứu 115 hoặc nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất.