Cảnh báo rủi ro từ mạng xã hội đối với giới trẻ tại Tây Ban Nha
Kinhtedothi - Mạng xã hội tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với giới trẻ, từ bắt nạt, quấy rối đến lạm dụng và tổn thương tâm lý sâu sắc.
Tổ chức ANAR, đơn vị hỗ trợ trẻ em và thanh thiếu niên có nguy cơ tại Tây Ban Nha, mới đây đã công bố một báo cáo cho thấy công nghệ kỹ thuật số đang ngày càng làm trầm trọng thêm các vấn đề tâm lý và xã hội mà giới trẻ phải đối mặt.
Trong tổng số hơn 11.000 trường hợp được ghi nhận từ tháng 6/2023 đến tháng 6/2024, có tới 56% cho thấy công nghệ kỹ thuật số đóng vai trò trực tiếp hoặc làm gia tăng mức độ nghiêm trọng của vấn đề mà trẻ em và thanh thiếu niên gặp phải.
Đáng chú ý, trong các vụ việc liên quan đến bạo lực trên cơ sở giới, yếu tố công nghệ hiện diện trong 77% trường hợp. Mạng xã hội, ứng dụng nhắn tin và các nền tảng trực tuyến tuy là công cụ kết nối hiệu quả, nhưng cũng đang dần trở thành môi trường tiềm ẩn nhiều nguy cơ, nơi các hành vi bắt nạt, quấy rối và xâm hại tinh thần dễ dàng diễn ra mà không được kiểm soát kịp thời.
Báo cáo của ANAR nêu rõ nhiều vấn đề phổ biến mà trẻ em và thanh thiếu niên đang phải đối mặt, bao gồm bắt nạt trên mạng, nghiện thiết bị điện tử, quấy rối tình dục qua mạng và phát tán trái phép hình ảnh nhạy cảm. Đáng lo ngại hơn, yếu tố kỹ thuật số cũng góp mặt trong nhiều tình huống nghiêm trọng khác như việc trẻ bị đuổi khỏi nhà (chiếm 64% các trường hợp) hoặc bị lạm dụng tâm lý (61%).

Đáng chú ý, trong các trường hợp có ý định hoặc hành vi tự tử, yếu tố công nghệ xuất hiện ở 62% trường hợp. Những nội dung độc hại, sự cô lập xã hội, và áp lực vô hình từ mạng xã hội có thể khiến trẻ cảm thấy bế tắc, thậm chí rơi vào trầm cảm.
Phân tích từ ANAR cũng cho thấy, các bé gái có xu hướng bị ảnh hưởng nhiều hơn, chiếm 63,8% tổng số trường hợp. Tuy nhiên, riêng vấn đề nghiện thiết bị điện tử, tỷ lệ bé trai lại cao hơn, chiếm 55%. Độ tuổi dễ bị tác động nhất là 14, thời điểm các em nhạy cảm với hình ảnh cá nhân, mối quan hệ xã hội và áp lực bạn bè.
Diana Díaz, Giám đốc đường dây trợ giúp của ANAR, cho biết khối lượng công việc hiện nay đang trở nên ngày càng phức tạp, với gần ba phần tư trường hợp cần được hỗ trợ cùng lúc về tâm lý, pháp lý và xã hội. Điều khiến bà đặc biệt lo ngại là có tới 55% trẻ em và thanh thiếu niên tìm đến ANAR trong tình trạng không hề nhận được bất kỳ sự trợ giúp chuyên nghiệp nào trước đó, buộc các em phải tự mình đối mặt với những khủng hoảng nghiêm trọng trong cô lập và thiếu thốn sự đồng hành.
“Chúng tôi đang chứng kiến nhiều em phải đối mặt với khủng hoảng một mình, không có người lớn hỗ trợ, không có định hướng đúng đắn khi sử dụng công nghệ, và thậm chí không biết cách tìm kiếm sự giúp đỡ” - bà nói.
Theo ông Benjamín Ballesteros, Giám đốc và người phát ngôn của ANAR, công nghệ kỹ thuật số là một phần không thể thiếu của cuộc sống hiện đại, nhưng việc sử dụng sai mục đích đang dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng.
“Chúng ta không thể để trẻ em tiếp cận các thiết bị kết nối internet mà không có bất kỳ hướng dẫn, giới hạn hay giám sát nào. Công nghệ nên được sử dụng như công cụ hỗ trợ phát triển chứ không thể trở thành nguyên nhân gây ra tổn thương” - ông nhấn mạnh.
Báo cáo của ANAR được công bố trong bối cảnh Tây Ban Nha đang chuẩn bị thông qua một dự luật nhằm siết chặt quản lý không gian mạng. Nếu được Quốc hội thông qua, luật mới sẽ nâng độ tuổi tối thiểu để sử dụng mạng xã hội từ 14 lên 16, đồng thời tăng hình phạt đối với hành vi dụ dỗ trẻ em trực tuyến và lạm dụng công nghệ deepfake.
Đồng thời, loạt phim tài liệu "Adolescence" trên Netflix cũng đang làm dấy lên nhiều tranh cãi về việc có nên cấm điện thoại thông minh với thanh thiếu niên hay không. Bộ phim mô tả chân thực ảnh hưởng của mạng xã hội đến tâm lý trẻ, khiến nhiều chuyên gia và phụ huynh phải suy ngẫm.
Sonsoles Bartolomé, Giám đốc pháp lý của ANAR, kêu gọi hành động toàn diện, từ giáo dục trong trường học, hỗ trợ từ gia đình, đến trách nhiệm của các nền tảng công nghệ. “Quyền trẻ em cần được bảo vệ cả trong đời thực và không gian số” - bà nói, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết của hơn 100 khuyến nghị mà ANAR đã đưa ra.
Đọc thêm: Trung Quốc đạt bước đột phá lớn về công nghệ bán dẫn
Báo cáo kết luận các công ty công nghệ cần có trách nhiệm hơn trong việc thiết kế nền tảng và nội dung, nhằm giảm thiểu rủi ro cho người dùng trẻ tuổi. Bên cạnh đó, các gia đình cũng nên thiết lập quy tắc sử dụng công nghệ một cách rõ ràng, duy trì giao tiếp cởi mở và tích cực đồng hành cùng con em trong thế giới trực tuyến. Việc này không chỉ nhằm mục đích kiểm soát, mà còn để bảo vệ và định hướng cho trẻ sử dụng công nghệ một cách an toàn và lành mạnh.

Cảnh báo thủ đoạn lợi dụng công nghệ Deepfake để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản
Công an TP Hà Nội khuyến cáo người dân khi nhận được tin nhắn hoặc cuộc gọi yêu cầu vay, mượn tiền, phải luôn bình tĩnh xác minh, nhất là các cuộc gọi có nội dung cần tiền gấp.

Trung Quốc đạt bước đột phá lớn về công nghệ bán dẫn
Kinhtedothi - Các nhà khoa học Trung Quốc tại Phòng thí nghiệm Jiufengshan (JFS), Vũ Hán, vừa chế tạo thành công tấm bán dẫn GaN phân cực N kích thước 8 inch – lớn nhất thế giới hiện nay.

Hé lộ thủ đoạn chiếm đoạt tiền từ dịch vụ taxi công nghệ
Kinhtedothi - Ngày 1/4, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Nam Định cho biết đơn vị vừa phối hợp với các phòng nghiệp vụ Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) điều tra, làm rõ 3 đối tượng về hành vi lợi dụng hình thức thanh toán trực tuyến trên dịch vụ taxi để trục lợi, chiếm đoạt tài sản.