Do đó, nhiều ý kiến cho rằng để tránh nguy cơ gây ra tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, môi trường sống và sức khỏe con người, hoạt động này cần phải được quản lý chặt chẽ từ đầu ra.
Quản lý còn lỏng lẻo
Ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị tại dự án Chỉnh trang vỉa hè đường N13 đi N6 trên địa bàn huyện Đan Phượng ngày 20/12, xe tải cỡ nhỏ mang BKS 29C-299.XX chở theo vật liệu bê tông, gạch, đất thải bốc dỡ từ dự án rồi đi đổ tại ô đất cây xanh thuộc khu giãn dân Đồng Phung, xã Hạ Mỗ. Thông tin từ UBND xã Hạ Mỗ cho biết, vị trí chiếc xe tải đổ phế liệu xây dựng không được sử dụng làm điểm tập kết, khu vực này cũng không có vị trí nào được quy hoạch.
Trao đổi với phóng viên, Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư và Xây dựng (BQL dự án) huyện Đan Phượng Bùi Thái Sơn cho biết, dự án đã có điểm tập kết tại khu Đồng Sậy. Do khu vực này là giáp ranh giữa xã Đan Phượng và Thị trấn Phùng nên phóng viên đề nghị làm rõ vị trí cụ thể, thế nhưng ông Bùi Thái Sơn bày tỏ không nắm rõ. Mặt khác, Giám đốc BQL dự án cho rằng trường hợp trên có thể chỉ là cá biệt, do các hộ dân có nhu cầu san lấp xin từ công trình.
Tại xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, trước đó phóng viên ghi nhận được tình trạng người dân tự ý vận chuyển, san gạt đất vào ao cá, sân bóng thôn Văn Khê gây ảnh hưởng đến môi trường và phản ánh tới UBND xã. Sau khi nhận được thông tin, Chủ tịch UBND xã Tam Hưng Lê Huy Chung đã trực tiếp kiểm tra, lập biên bản hiện trạng đối với hành vi đổ đất trái phép nhưng không xác định được người vi phạm. Về nguồn gốc đất san lấp, UBND xã Tam Hưng cũng chưa thể làm rõ. “Đất mua của ô tô tập kết ở đầu làng rồi chở vào” - Chủ tịch UBND xã Tam Hưng Lê Huy Chung thông tin ngắn gọn.
Những ví dụ nêu trên cho thấy một thực tế, hiện nay công tác kiểm soát nguồn phế thải, vật liệu san lấp ở một số địa phương còn dễ dãi, lỏng lẻo. Thông thường, các cơ quan quản lý địa phương chỉ xử lý khi những vi phạm đã hình thành. Còn nếu không kịp thời phát hiện, hàng tấn rác thải phế liệu sẽ bị nèn chặt và ngày càng phình to. Như ghi nhận của phóng viên tại ngõ 2 đường Phan Bá Vành, phường Phú Diễn, quận Nam Từ Liêm, một bãi phế liệu xây dựng khổng lồ cao hơn nền đất đến 3m do đã tồn tại suốt thời gian dài.
Trong khi đó, các loại chất thải rắn như phế liệu xây dựng, đất thải sẽ mang theo nhiều hệ lụy gây ảnh hưởng đến môi trường sống của con người và những hệ lụy lâu dài. Chính vì vậy, không ít ý kiến bày tỏ lo ngại, nếu chỉ xử lý phần ngọn như hiện nay, vấn nạn san lấp bằng đủ thứ vật liệu nguy hại môi trường sẽ không được giải quyết.
Xử lý, ngăn chặn từ gốc
Riêng về quản lý phế thải xây dựng, nhiều chuyên gia đóng góp ý kiến, rằng các cơ quan quản lý địa phương, lực lượng chức năng cần kiểm soát nghiêm ngặt, đặc biệt là những nơi có dự án, có nguồn phát sinh phế liệu xây dựng, vật liệu thải bỏ. Kiểm soát khối lượng ở cả nơi đi, nơi đến của chất thải cũng như trong quá trình vận chuyển theo Nghị định số 38/2015/NĐ-CP về Quản lý chất thải và phế liệu; Thông tư số 08/2017/TT- BXD quy định về quản lý chất thải rắn xây dựng của Bộ Xây dựng.
Trong đó, quy định chất thải xây dựng phải được thu gom, vận chuyển đến điểm tập kết, trạm trung chuyển và cơ sở xử lý được đầu tư xây dựng theo quy hoạch xây dựng được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc cơ sở tái chế, công trình khác để tái chế, tái sử dụng; tránh tình trạng chất thải rắn bị sử dụng làm vật liệu san lấp hoặc bị đem đổ trộm.
Đồng thời, các địa phương cần tăng cường ghi nhận ý kiến, phản ánh của cử tri, xử lý triệt để khi có dư luận xã hội về vấn đề tồn đọng trong xử lý chất thải rắn, rác thải ở những bãi chôn lấp, tồn ứ rác thải ở các đô thị, đầu tư xây dựng rác thải ở các địa phương.
Từ các hộ các gia đình, hoạt động sinh hoạt của cơ sở sản xuất, hay hoạt động xây dựng là nguồn phát sinh tuồn ra môi trường chất thải điện tử, chất thải có thể tích lớn, pin, dầu thải... Do vậy, Th.S Nguyễn Thành Yên cho rằng cần sớm đưa Luật BVMT năm 2020, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật vào thực tiễn cuộc sống để kiểm soát, phân loại chất thải tại nguồn, dần hạn chế chôn lấp trực tiếp chất thải.