"Mạo danh cơ quan y tế, lợi dụng tình hình dịch bệnh khó khăn và tâm lý hoang mang lo sợ của người dân để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản là việc làm rất đáng lên án. Người dân phải sống trong các vùng dịch có cuộc sống khó khăn, công việc và thu nhập không ổn định mà một số đối tượng vẫn tìm cách chiếm đoạt tài sản của họ. Do đó, cần phải xử lý thật nghiêm minh những cá nhân có hành vi như trên." - Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối - luật sư Nguyễn Ngọc Hùng Công an TP Hà Nội khuyến cáo người dùng internet có thể trực tiếp gửi các đường link, tình huống lừa đảo trực tuyến hoặc nghi ngờ là lừa đảo đến địa chỉ: Đường dây nóng 113 và Facebook của Công an TP Hà Nội (www.facebook.com/ConganThuDo); đường dây nóng Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao: 069.219.4053; Địa chỉ https://canhbao.ncsc.gov.vn/ của Trang Cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam. |
Cảnh giác chiêu lừa mạo danh cán bộ phòng, chống dịch
Kinhtedothi - Lợi dụng tâm lý hoang mang, lo sợ lây nhiễm Covid-19, các đối tượng xấu đã mạo danh y bác sĩ, cán bộ phòng, chống dịch, sử dụng các phương thức lừa đảo để chiếm đoạt tài sản của người dân.
Đa dạng các chiêu trò lừa đảo
Mới đây, ngày 25/7, Công an TP Hà Nội thông tin: Thời gian qua, lợi dụng diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, trên địa bàn cả nước đã xảy ra một số vụ đối tượng giả mạo các tổ chức y tế để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, chiếm đoạt thông tin cá nhân của người dân.
Đáng chú ý, các vụ lừa đảo này đều sử dụng nhiều thủ đoạn đa dạng, lợi dụng nội dung, thông tin dịch bệnh, đánh vào tâm lý hoang mang, lo sợ lây nhiễm Covid-19, làm cho người dân mất cảnh giác và mắc bẫy.
Các đối tượng mạo danh là nhân viên y tế của Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC), hay của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) gửi thư điện tử cho nạn nhân với tập tin đính kèm, hoặc các liên kết dẫn đến các nội dung cập nhật tình hình lây nhiễm Covid-19 trên thế giới và ở Việt Nam.
Ngoài ra, có một số đối tượng còn sử dụng các bẫy lừa đảo đầu tư, điển hình như sử dụng chiêu trò hứa hẹn nhà đầu tư sẽ nhận được lợi nhuận cao khi đầu tư vào công ty cung cấp sản phẩm hay dịch vụ liên quan đến phòng chống, xét nghiệm, chữa trị Covid-19. Chúng tạo ra các phần mềm ứng dụng cho điện thoại, thoạt nhìn giống như các ứng dụng phổ biến dùng để theo dõi diễn biến lây lan của dịch Covid-19. Khi mở các tập tin đính kèm hay nhấp vào các liên kết này, người dùng sẽ bị tấn công bởi các mã độc nhằm lấy thông tin cá nhân, thông tin bảo mật, hay chi tiết tài khoản ngân hàng/ thẻ tín dụng của nạn nhân.
Đánh vào tâm lý lo sợ lây nhiễm Covid-19, các đối tượng sử dụng mạng xã hội và các diễn đàn trực tuyến để quảng bá các sản phẩm, phương thuốc có thể phòng ngừa virus như tác dụng của vaccine để lừa nạn nhân. Trong khi trên thực tế, các sản phẩm này đều chưa từng được kiểm chứng.
Không những vậy, các đối tượng còn giả làm bác sĩ hoặc nhân viên bệnh viện, mạo nhận là đã điều trị cho bạn bè hay người thân của nạn nhân khỏi Covid-19 và yêu cầu nạn nhân thanh toán phí cho quá trình điều trị đó. Có đối tượng lập nên các website bán hàng trực tuyến vật tư y tế như khẩu trang y tế, nước rửa tay, sau khi nhận tiền của người mua hàng, đối tượng liền ngắt liên lạc và không giao hàng như đã thỏa thuận...
Vừa qua, Công an thị xã Tân Uyên (tỉnh Bình Dương) cũng thông tin, trên địa bàn xuất hiện hình thức lừa đảo mới qua tin nhắn điện thoại. Cụ thể, người dân nhận được tin nhắn thông báo từ một đầu số lạ “Ông/bà hiện đang nằm trong danh sách phải cách ly phòng chống dịch bệnh Covid-19 tập trung, mã số cách ly là: xxxx; đề nghị ông/bà liên hệ lại số điện thoại xxxxx”. Thông tin này với mục đích xấu, có thể làm ảnh hưởng đến tinh thần sức khỏe và tài sản người dân.
Theo quy định, nếu nằm trong diện phải thực hiện cách ly tập trung hoặc tại nhà, chính quyền địa phương, nhân viên y tế sẽ làm việc trực tiếp với người liên quan. Sau đó, người bị cách ly nhận được quyết định cách ly từ chính quyền địa phương.
Nêu cao tinh thần cảnh giác
Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối cho biết, trong tình hình dịch bệnh diễn biến căng thẳng như hiện nay, toàn xã hội đang dồn sức cho công cuộc đẩy lùi làn sóng lây lan của dịch bệnh, tất cả mọi người đều mong muốn dịch bệnh sớm qua đi để cuộc sống trở lại bình thường.
Tuy nhiên, có những trường hợp lợi dụng tâm lý hoang mang lo lắng của người dân, lợi dụng hoàn cảnh khó khăn mà mọi người không có tinh thần cảnh giác để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cụ thể, chúng mạo danh cán bộ phòng dịch để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của tổ chức cá nhân.
Các đối tượng này mặc đồ bảo hộ chuyên dụng đến tận nhà người dân yêu cầu phun khử khuẩn, cấp phát thuốc rồi yêu cầu người dân phải trả tiền hay thậm chí là đề nghị đặt cọc tiền để được tiêm vaccine…Các đối tượng này còn tìm gặp hoặc gọi điện cho người nhà các bệnh nhân đang điều trị hoặc cách ly, mạo danh cơ quan y tế để yêu cầu thanh toán tiền điều trị cách ly; vận động quyên góp tiền vào công tác phòng chống dịch bệnh, vào quỹ vaccine.
Nếu ai nhẹ dạ cả tin sẽ chuyển tiền cho các đối tượng này. Việc mạo danh các nhân viên y tế, cán bộ phòng dịch để cung cấp thông tin sai sự thật nhằm chiếm đoạt tài sản của người dân. Đây là những hành vi rất đáng lên án, thể hiện sự coi thường pháp luật cũng như sức khỏe tính mạng của mọi người, đồng thời, gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch bệnh.Trong khi đó, theo luật sư Đào Nguyên Thuật - Đoàn Luật sư TP Hà Nội, về quy định của pháp luật, những đối tượng có hành vi lừa đảo như trên có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Theo đó, người phạm tội này dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác với giá trị từ 2 triệu đồng trở lên hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc kết án về các hành vi chiếm đoạt tài sản chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh xã hội. Với tình tiết lợi dụng danh nghĩa của cơ quan, tổ chức thì ít nhất là thuộc khung hình phạt thứ hai với mức hình phạt thấp nhất là phạt tù đến 2 năm.
Mặt khác, nếu các đối tượng này có hành vi sản xuất buôn bán thuốc chữa bệnh Covid-19 giả, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Sản xuất buôn bán hàng giả là thuốc phòng bệnh, thuốc chữa bệnh” theo quy định tại Điều 194 Bộ luật Hình sự. Nếu để lại hậu quả chết người, người phạm tội này có thể bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.Cơ quan công an khuyến cáo, mỗi người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác trước các trường hợp giả mạo nhân viên y tế lừa đảo nhằm mục đích xấu; đồng thời, thường xuyên theo dõi thông tin chính thức từ ngành y tế của địa phương nơi cư trú để nắm bắt thông tin chính xác trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Khi phát hiện các thủ đoạn giả nhân viên y tế, hoặc các hành vi nghi vấn, người dân cần nhanh chóng báo ngay cho công an xã, phường nơi gần nhất.