Chiêu trò mới từ các cuộc gọi
Những hình thức mạo danh lừa đảo qua điện thoại, mạng xã hội liên tục gây nhức nhối dư luận trong thời gian dài vừa qua khiến nhiều nạn nhân sập bẫy. Nắm bắt được sự cảnh giác của người dân với các phương thức cũ, nhiều đối tượng lừa đảo tiếp tục tung ra chiêu trò mới để moi tiền nạn nhân.
Mới đây, chị N.T.H. ở Hà Nội nhận được tin nhắn messenger của đồng nghiệp nhờ vay tiền. Vì số tiền mượn lên đến 20 triệu đồng nên chị H. cẩn thận gọi điện video call để kiểm tra lại. Đầu dây bên kia bắt máy có hiện hình ảnh của chủ tài khoản, nhưng chỉ 3 - 4 giây sau cuộc điện thoại bị tắt phụt với lý do mạng kém.
Nghĩ rằng, mình đã gọi điện cho chính chủ, chị H. không ngần ngại chuyển khoản luôn theo thông tin người gửi. Đến tối về thấy tài khoản mạng xã hội của bạn mình có đăng thông tin đã bị kẻ gian hack facebook, gọi điện lại cho bạn, chị H. mới biết mình bị lừa.
Trường hợp tương tự, chị Hoàng Thị C. trú ở huyện Quỳnh Phụ (tỉnh Thái Bình) nhận được tin nhắn trên messenger của người em họ, hiện đang định cư tại Cộng hòa Séc.
Sau khi hỏi thăm nhau được vài dòng qua lại, chị C. nhận được lời đề nghị: “Em gọi video call nhé”? Ngay sau khi chị nhắn tin đồng ý thì nhận được cuộc gọi video call từ chính facebook của em họ. Chị C. cho biết, nhìn video, em họ chị nói vài giây nhưng tiếng nói không ổn định rồi bị ngắt. Ngay sau cuộc gọi đó, đầu dây bên kia bấm gọi tiếp, lúc này chị bấm nghe thì không được. Sau đó, chị nhận tin nhắn trên messenger: “Chị ơi, mạng bên em yếu quá. Em gọi có chút việc ở Việt Nam định nhờ chị mà mạng yếu quá. Em cần tiền gửi về Việt Nam để xử lý chút việc, mà gửi tiền về Việt Nam 2 ngày mới nhận được. Nhờ chị chuyển giúp tiền cho người ta để xử lý công việc trước …”. Nghĩ đến em họ ở bên nước ngoài có việc cần nhờ vả, nên chị C đã chuyển số tiền 10 triệu đồng vào tài khoản em họ gửi.
Một vụ việc khác, chị N.T.H.Y. (29 tuổi, huyện Phúc Thọ, Hà Nội) bất ngờ nhận được tin nhắn của anh họ trên Messenger với nội dung cần vay tiền gấp để mua nồi chiên không dầu với số tiền 5 triệu đồng và hứa trả trong vòng 3 ngày. Do nghi ngờ anh trai bị “hack nick”, chị Y. lập tức gọi video call để kiểm tra, tuy nhiên bị từ chối với lý do đang bận công việc.
Mấy phút sau, tài khoản này thực hiện cuộc gọi video chưa đầy 5 giây với đúng hình ảnh anh trai chị Y. nhưng hình ảnh bị xước, âm thanh chập chờn giống như đang lỗi mạng. Tiếp đến, tài khoản này nhanh chóng tắt máy rồi nhắn tin “Mạng chỗ anh kém, em chuyển tiền cho nhân viên bán hàng luôn giúp anh nhé”. Thấy nghi ngờ, chị Y. lập tức gọi điện thoại cho anh trai thì mới biết nick Facebook này đã bị “hack”.
Thêm vào đó, 2 người bạn thân của anh cũng bị lừa với tổng số tiền lên đến 10 triệu đồng.
Đây chỉ là những vụ việc điển hình được ghi nhận. Thời gian qua liên tục ghi nhận tình trạng lừa đảo thông qua hình thức vay tiền, chuyển tiền từ những cuộc gọi video call trên Facebook, Zalo… giả mạo. Số tiền từ vài triệu đồng lên đến vài chục triệu đồng từ sự mất cảnh giác của người dân.
Không nên để lộ nhiều thông tin cá nhân trên mạng xã hội
Theo các chuyên gia công nghệ, từ các hình ảnh có sẵn của người dân đăng tải trên trang cá nhân với sự hỗ trợ của các ứng dụng cắt ghép, chỉnh sửa ảnh, tạo video clip đang xuất hiện tràn lan trên không gian mạng. Chỉ qua vài thao tác, thủ thuật đơn giản, các đối tượng đã có thể tạo ra những hình ảnh cử động rất biểu cảm, sống động. Nếu chỉ nhìn thoáng qua, nhiều người không thể nhận biết được đó là những hình ảnh do phần mềm máy tính tạo ra...
Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Đặng Thị Vân Thịnh (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết, hành vi giả video call lừa tiền là hành vi vi phạm pháp luật, tùy vào mức độ và tính chất sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Các đối tượng có thể bị xử phạt về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017. Hoặc bị phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng đối với hành vi dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản. Mặc dù, đây không phải là thủ đoạn mới, nhưng có thể thấy các chiêu thức của các đối tượng ngày một tinh vi.
Chính vì vậy, người dân cần nâng cao cảnh giác với các cuộc gọi hỏi vay mượn tiền, tránh việc xác nhận qua video call, nên xác thực lại thông tin bằng cách gọi điện thoại hoặc có thể gặp trực tiếp để hỏi cho chính xác trước khi chuyển tiền.
“Bên cạnh đó, chúng ta không nên để lộ quá nhiều thông tin cá nhân trên mạng xã hội. Đây cũng là kẽ hở để kẻ gian dễ dàng xây dựng những kịch bản lừa đảo ngày càng tinh vi. Ngay khi nhận thấy bản thân có dấu hiệu bị lừa đảo, rơi vào bẫy của các đối tượng, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an để được giải quyết và điều tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật” - luật sư Đặng Thị Vân Thịnh chia sẻ.
Theo cơ quan công an, mạng xã hội chưa kiểm soát chặt chẽ việc khai báo thông tin cá nhân. Do đó, xuất hiện tình trạng có 2 hoặc nhiều tài khoản Facebook, Zalo… giống nhau về tên đăng nhập hoặc các thông tin khác. Lợi dụng điều này, nhiều đối tượng đã giả mạo tài khoản mạng xã hội của người khác để thực hiện hành vi lừa đảo.