Cảnh giác nhân viên ngân hàng tiếp tay mua bán thông tin trái phép

Phương Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Liên quan đến vụ hàng chục nhân viên ngân hàng tiếp tay cho một người mua bán tài khoản ngân hàng, theo các chuyên gia pháp lý, người thực hiện hành vi này không chỉ vi phạm đạo đức nghề nghiệp mà còn vi phạm pháp luật nghiêm trọng, có thể phải ngồi tù tới 7 năm.

Hàng chục nhân viên ngân hàng có liên quan

Mới đây, Công an TP Đà Nẵng đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự liên quan đến việc thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng.

Hồ sơ của đối tượng bị tình nghi là H.Đ.N (30 tuổi, quê Lào Cai) đã được chuyển tới Cơ quan Cảnh sát điều tra để tiếp tục xác minh, làm rõ hành vi phạm tội. Ngoài ra, hàng chục nhân viên ngân hàng có liên quan cũng bị triệu tập để điều tra.

Bước đầu, N khai nhận, khoảng tháng 10/2022, N đã tham gia nhóm trao đổi, mua bán thông tin tài khoản ngân hàng của người khác để thu lợi. N đã sử dụng tài khoản Facebook, Zalo, Telegram của mình và bạn gái để đăng bài quảng cáo nhận làm dịch vụ tra soát thông tin tài khoản ngân hàng.

Khi có khách liên hệ mua thông tin tài khoản ngân hàng (thông tin chủ tài khoản, số CCCD hoặc CMND, địa chỉ, số điện thoại…), N liên hệ các đầu mối trên mạng và các nhân viên đang làm việc tại các ngân hàng trên cả nước để tra soát, thu thập, mua thông tin rồi bán lại cho khách hàng.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tùy vào từng ngân hàng, N bán thông tin tài khoản ngân hàng với giá khác nhau, từ 300.000 - 2,2 triệu đồng/1 thông tin. Sau đó, N trả tiền cho người đã tra soát, cung cấp, bán thông tin tài khoản ngân hàng từ 200.000 - 1,9 triệu đồng, số chênh lệch còn lại N hưởng lợi. Đến thời điểm bị phát hiện, N đã trao đổi, mua bán thông tin của hơn 200 tài khoản ngân hàng và thu về hơn 400 triệu đồng.

Ngoài ra, cơ quan công an đã xác định, triệu tập làm việc với hàng chục nhân viên của 13 ngân hàng ở các tỉnh, thành liên quan việc tra soát, cung cấp, bán thông tin tài khoản ngân hàng cho N. N còn khai nhận đã gửi thông tin cá nhân của người khác (đa số là thông tin giả) để đăng ký mở gần 400 tài khoản nhằm bán thông tin tài khoản cho người khác, thu lợi bất chính 700 triệu đồng.

Có thể phải ngồi tù tới 7 năm

Thông tin tài khoản ngân hàng của khách hàng cũng là một trong những thông tin quan trọng cần phải bảo mật trong hệ thống ngân hàng, các ngân hàng phải có trách nhiệm bảo mật và bảo vệ tối đa quyền lợi của khách hàng.

Hành vi sao chép, thu thập, bán thông tin khách hàng của các nhân viên ngân hàng không chỉ vi phạm đạo đức nghề nghiệp mà còn vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng.

Hành vi này xâm phạm trực tiếp đến bí mật đời tư, bí mật cá nhân của khách hàng, đồng thời còn có thể là hành vi tiếp tay cho tội phạm và gây khó khăn cho cơ quan điều tra trong quá trình xác minh, xử lý đối với tội phạm công nghệ cao. Bởi vậy, việc phát hiện, xử lý các đối tượng này là cần thiết.

Theo luật sư Đặng Văn Cường, trong vụ việc này, tùy vào tính chất mức độ hành vi, nhận thức mà các đối tượng sẽ bị xử lý bằng các chế tài khác nhau. Cụ thể, nếu các đối tượng biết rõ là đối tượng mua tài khoản ngân hàng để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhưng vẫn bán tài khoản ngân hàng của khách hàng, đây là hành vi giúp sức cho hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Vì thế, trong trường hợp này cơ quan điều tra có thể khởi tố người bán tài khoản ngân hàng về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản với vai trò đồng phạm theo Điều 174 Bộ luật hình sự.

Còn trường hợp cơ quan điều tra không chứng minh được giữa đối tượng bán tài khoản ngân hàng với đối tượng mua có biết về động cơ, mục đích để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì có thể xử lý các đối tượng về tội Thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng quy định tại Điều 291 Bộ luật Hình sự. Mức hình phạt có thể tới 7 năm tù.