6 vi phạm của TikTok tại Việt Nam
Tại buổi họp báo cung cấp thông tin mới đây, ông Lê Quang Tự Do - Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT) cho biết, trước đây, nền tảng TikTok có nội dung thuần túy về giải trí, nhưng từ năm 2022 trở lại đây, trên nền tảng này xuất hiện nhiều nội dung chống phá Đảng, Nhà nước. Cùng với đó là nhiều nội dung độc hại, phản cảm, thông tin sai sự thật hay truyền bá mê tín dị đoan xuất hiện mạnh mẽ trên TikTok, gây ảnh hưởng đến người dùng đặc biệt là trẻ em.
Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cũng chỉ ra 6 vi phạm của TikTok tại Việt Nam, được đánh giá là gây ra nhiều hệ lụy với đời sống, kinh tế, văn hóa, xã hội.
Thứ nhất, TikTok không có biện pháp kiểm soát hiệu quả những nội dung vi phạm liên quan đến chính trị, chống phá Đảng, Nhà nước; tin giả; nội dung nhảm nhí, độc hại, thậm chí là gây nguy hiểm với trẻ em.
Thứ hai, TikTok sử dụng thuật toán phân phối nội dung tự động để tạo xu hướng, từ đó phát tán những nội dung giật tít, câu view bất chấp đó là nội dung phản cảm, độc hại, gây ảnh hưởng xấu đến cộng đồng, giới trẻ.
Thứ ba, TikTok không có biện pháp kiểm soát, ngăn chặn kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng nhái, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc, thuốc kích dục...
Thứ tư, TikTok không quản lý hoạt động của các idol (thần tượng) dẫn đến nhiều người có xu hướng sản xuất nội dung nhảm nhí, thiếu văn hóa, nhắm vào sự hiếu kỳ của người xem, tạo xu hướng để thu lợi nhuận từ những nội dung này.
Thứ năm, TikTok không có biện pháp quản lý các nội dung vi phạm bản quyền, đặc biệt các nội dung trích từ phim ảnh.
Thứ sáu, TikTok không có biện pháp quản lý để người dùng tự ý sử dụng hình ảnh riêng tư, cá nhân của người khác để tung tin giả, hoặc bôi nhọ, xúc phạm người khác. Những vi phạm này của TikTok đã gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng, ảnh hưởng tới người dùng như tạo môi trường thuận lợi cho tin giả phát tán...
Tỉnh táo khi tiếp nhận các nội dung trên mạng xã hội
Trao đổi với Báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối cho biết, Điều 8 Luật An ninh mạng quy định về các hành vi bị cấm trên không gian mạng, trong đó có hành vi: “Thông tin sai sự thật gây hoang mang trong Nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác”.
Ngoài ra, Điều 9, Luật An ninh mạng cũng quy định: “Người nào có hành vi vi phạm quy định của Luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”.
Hiến pháp và pháp luật cho phép tổ chức, cá nhân được quyền tự do thể hiện chính kiến nhưng phải trong khuôn khổ pháp luật cho phép, không được lợi dụng quyền này để làm phương hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác, đặc biệt chống phá Nhà nước.
Việc chia sẻ, đăng tải, phát ngôn thông tin trên không gian mạng là quyền tự do của mỗi công dân. Tuy nhiên, khi hoạt động trên không gian mạng mỗi công dân, đặc biệt là những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội phải ý thức, có trách nhiệm về thông tin mình đăng tải.
Hiện nay, TikTok đang là nền tảng được sử dụng nhiều nhất, đặc biệt là thế hệ trẻ, tuy nhiên lại đang thiếu đi sự quản lý, các biện pháp, chính sách kiểm duyệt nội dung nên nền tảng này bên cạnh những nội dung có ý nghĩa cho cộng đồng thì vẫn tồn tại những nội dung xuyên tạc, nhảm nhí, độc hại gây nguy hiểm cho người dùng, đặc biệt là trẻ em.
“Chính vì vậy, mỗi người dùng tại thời điểm này luôn cần phải tỉnh táo khi tiếp nhận các nội dung trên mạng xã hội nói chung và TikTok nói riêng, không nên chia sẻ các nội dung mập mờ, dễ gây nhầm lẫn, thiếu tính xác thực và có dấu hiệu lừa đảo. Nếu phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật cần liên hệ với cơ quan chức năng để được hỗ trợ và xử lý kịp thời” - luật sư Nguyễn Ngọc Hùng nêu quan điểm.