Do không gian kín, lượng oxy bên trong xe giảm dần, trong khi nhiệt độ lại tăng lên, nên người ngủ trên xe dễ bị ngạt khí, thân nhiệt tăng cao, lịm dần rồi tử vong.
Theo các chuyên gia, nếu nhiệt độ ngoài trời là 20oC, thì nhiệt độ bên trong xe có thể tăng lên tới 60oC, 75% sự gia tăng nhiệt độ xảy ra trong 5 phút đầu tiên. Nếu ngày nóng thì hệ lụy còn tồi tệ hơn. Nếu ngoài trời là 30oC thì đóng kín xe chỉ một lúc trong xe sẽ tăng lên 70oC. Điều này rất nguy hiểm cho tính mạng trẻ thơ, chưa kể khí độc tích tụ bên trong.
Mặt khác, do ở trong xe một mình nên trẻ dễ bị hoảng loạn về mặt tâm lý, khi đó việc tiêu thụ năng lượng sẽ tăng lên. Nhiệt độ tăng cao và ảnh hưởng tới chuyển hóa của cơ thể, nếu thân nhiệt vượt trên ngưỡng 41,5oC, nguy cơ tử vong có thể xảy ra dựa trên cơ chế toát mồ hôi, sau đó đến cạn nước, hạ huyết áp, tim ngừng đập nếu không được cấp cứu kịp thời.
Giới y khoa nhấn mạnh dù làm gì, bận việc tới đâu, các bậc phụ huynh, người lớn cần nhớ rằng tính mạng con người là trên hết. Cần quan tâm đến các biện pháp bảo đảm an toàn cho trẻ khi ngồi trên ô tô.
Trước tiên xe phải có ghế ngồi trên xe và móc chốt an toàn, không để trẻ ngồi trên ghế ô tô quá lâu. Đặc biệt, cố gắng đưa trẻ ra khỏi ghế ô tô sau mỗi giờ chạy xe. Lý do, thân nhiệt của trẻ em có thể tăng nhanh hơn gấp 3 - 5 lần so với người lớn. Sốc nhiệt xảy ra khi thân nhiệt vượt quá 40oC và càng cao càng nguy hiểm.
Khi cho trẻ đi trên xe các bậc cha mẹ cần kiểm tra toàn bộ xe trước khi khóa cửa. Nên để đồ chơi lên ghế trước, trong tầm mắt nhìn để nhắc nhở đang có trẻ nhỏ trong xe. Xe chở trẻ cần có biển báo cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt (Baby in car - Trong xe có trẻ).
Sau khi xuống xe, việc cần làm đầu tiên là kiểm tra trẻ. Nên sử dụng xe có tính năng cảnh báo nguy hiểm để xe phát tín hiệu nguy hiểm, như xe GM có tính năng “nhắc nhở ghế sau” bằng âm thanh và đèn hiệu, nhắc nhở tài xế kiểm tra trước khi rời xe.
Khi xe chở trẻ nhỏ, nên để cửa kính mở hờ, giúp lưu thông không khí. Nên đỗ xe dưới bóng râm, không nên để con trẻ trong ô tô một mình dù trời mát bởi oxy trong xe sẽ giảm dần, gây bất lợi cho sức khỏe trẻ.
Tuyệt đối không ngủ trên xe đỗ trong không gian chật hẹp và dưới trời nắng nóng, vì trong trường hợp này ngay cả khi mở hết cửa xe, người ngồi trong xe vẫn có thể bị thiếu oxy, sốc nhiệt, hoặc ngộ độc khi thải động cơ. Nếu vì lý do nào đó phải ngủ trong xe cần để mở kính để thông khí và đặt báo thức để tránh nguy cơ người ngủ lịm, mất kiểm soát.
Về phía trẻ, nên trang bị những kiến thức sơ đẳng, như giữ bình tĩnh, chỉ cho trẻ biết vị trí còi xe và cách bấm còi bởi một số loại xe đời mới, máy tắt nhưng còi vẫn hoạt động.
Dạy trẻ cách bấm nút hạ cửa sổ, đứng gần kính ra hiệu để tìm sự giúp đỡ, cách bật đèn khẩn cấp có hình tam giác, dùng búa thoát hiểm trong trường hợp khẩn cấp.
Giống như trường hợp trẻ bị động kinh, các bậc phụ huynh cần chủ động giải cứu trẻ, không phải chờ lái xe, hãy gọi cấp cứu hoặc cứu hỏa. Nếu trẻ bất tỉnh, hãy tìm cách nhanh chóng giúp trẻ ra khỏi xe, và đưa vào chỗ râm mát, thoáng đãng. Cởi bỏ hay nới lỏng quần áo trẻ để giảm thân nhiệt, dùng khăn mát lau người trẻ.