Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cảnh giác thủ đoạn giả danh công an để lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Phương Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, trên cả nước xuất hiện nhiều vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức giả danh các cán bộ công an yêu cầu người bị hại chuyển tiền vào tài khoản để điều tra và chiếm đoạt.

Ngày 25/3, Công an quận Long Biên cho biết đang phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh, điều tra vụ giả danh cán bộ công an, lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền gần 3 tỷ đồng. Theo đó, vào ngày 21/3, Công an phường Bồ Đề, quận Long Biên tiếp nhận đơn trình báo của chị V (sinh năm 1987; trú tại quận Long Biên) về việc nhận được một cuộc điện thoại từ một đối tượng tự xưng là công an.

Người này thông báo chị V có liên quan đến đường dây mua bán ma túy, rửa tiền và yêu cầu chị V cung cấp thông tin để phục vụ điều tra. Chị V đã thực hiện theo yêu cầu của đối tượng, cung cấp thông tin và tài khoản ngân hàng. Sau đó chị V phát hiện tài khoản bị mất gần 3 tỷ đồng, nên đã đến cơ quan công an trình báo.

Cảnh giác thủ đoạn giả danh công an để lừa đảo chiếm đoạt tài sản - Ảnh 1

Trước đó, ngày 9/3, Công an TP Hà Nội thông tin, thời gian qua, cơ quan công an đã cảnh báo rất nhiều về thủ đoạn mạo danh công an để lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhưng nhiều người vẫn bị “sập bẫy” của các đối tượng lừa đảo. Trong đó, ngày 8/3, các đối tượng đã gọi điện đến số máy cố định nhà bà T.T.Th. (sinh năm 1947, trú tại phường Lê Lợi, thị xã Sơn Tây) với thủ đoạn giả danh công an đang điều tra vụ án ma túy, rửa tiền, yêu cầu bà Th. khai thông tin cá nhân và số tiền tiết kiệm. Bà T.T.Th. nói đang có 150 triệu đồng gửi tại ngân hàng.

Sau đó, đối tượng yêu cầu bà Th. không được nói với ai và ra ngay ngân hàng rút tiết kiệm, chuyển vào tài khoản của đối tượng, để cơ quan công an giữ hộ, sau khi điều tra xong, nếu chứng minh bà không tham gia vụ án ma túy, sẽ hoàn trả bà số tiền trên. Do lo sợ bị mất tài sản và liên quan đến pháp luật, bà T.T.Th. đã mang sổ tiết kiệm ra ngân hàng để rút tiền chuyển cho các đối tượng. Tuy nhiên, khi đến cửa ngân hàng, bà T.T.Th. thấy nghi ngờ và đến Công an phường Lê Lợi (thị xã Sơn Tây) trình báo sự việc, nên đã không bị mất 150 triệu đồng.

Theo Công an TP Hà Nội, thời gian qua, mặc dù đã có rất nhiều cảnh báo về thủ đoạn giả danh cơ quan công an để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhưng vẫn còn có người sập bẫy của các đối tượng phạm tội. Nạn nhân phần nhiều là những người ít cập nhật thông tin xã hội, báo chí. Khi xảy ra vụ việc, nạn nhân lo sợ bị mất uy tín nên có trường hợp không trình báo với cơ quan công an, gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý.

Công an TP Hà Nội khuyến cáo người dân cần cảnh giác, tuyên truyền đến người thân, bạn bè về các thủ đoạn trên, tránh mắc bẫy của đối tượng xấu. Để làm việc với người dân, cơ quan công an sẽ trực tiếp gửi giấy mời, giấy triệu tập hoặc gửi qua công an địa phương; tuyệt đối không yêu cầu công dân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng. Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo như trên, nhân dân cần báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất.

Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, luật sư Nguyễn Hữu Toại - Giám đốc Công ty Luật Hừng Đông cho  biết, khi nhận được các cuộc điện thoại thế này, nhiều người không đủ bình tĩnh, không am hiểu pháp luật để có thể đánh giá đây là hành vi lừa đảo của tội phạm. Do đó, người dân cần phải đề cao cảnh giác bọn lừa đảo nhân danh các cơ quan tố tụng.

Để phòng tránh, không bị “sập bẫy” các đối tượng lừa đảo, trả lời báo chí, Trung tướng Tô Ân Xô - Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an khuyến cáo, người dân cần đề cao cảnh giác khi nhận các cuộc gọi đến bằng số điện thoại cố định, người gọi tự xưng là cán bộ các cơ quan Nhà nước, đặc biệt là lực lượng công an để thông báo, yêu cầu điều tra vụ án qua điện thoại.

Người dân không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, địa chỉ nhà ở… cho bất kỳ đối tượng nào khi chưa rõ nhân thân và lai lịch của người đó; đặc biệt không nghe lời của các đối tượng chuyển tiền vào các tài khoản được chỉ định. Lực lượng chức năng, nhất là lực lượng công an, viện kiểm sát, tòa án nếu làm việc với người dân sẽ có giấy mời, giấy triệu tập gửi cho người đó và làm việc trực tiếp tại các trụ sở cơ quan, không làm việc online qua mạng.