Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cảnh giác với chiêu lừa “việc nhẹ, lương cao”

Phương Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Việc nhẹ lương cao” là chiêu trò lừa đảo phổ biến, được cảnh báo nhiều, nhưng đến nay vẫn có nhiều nạn nhân “sập bẫy”.

Chiêu trò của các đối tượng lừa đảo

Bộ Công an vừa đưa ra cảnh báo, người dân cần cảnh giác trước các lời mời gọi qua Campuchia làm “việc nhẹ, lương cao”, không mất chi phí đi lại. Theo đó, nhiều người đã bị lừa sang Campuchia bán cho các tổ chức đánh bạc, kinh doanh tiền ảo, bị bóc lột sức lao động, muốn về phải nộp 3.000 - 30.000 USD. Nạn nhân chủ yếu 18 - 35 tuổi, đang có nhu cầu tìm kiếm việc làm thông qua mạng xã hội.

Một nạn nhân kể lại sự việc khi bị lừa bán sang Campuchia. Nguồn: Bộ Công an
Một nạn nhân kể lại sự việc khi bị lừa bán sang Campuchia. Nguồn: Bộ Công an

Sau khi qua Campuchia, họ phải làm việc cho các tổ chức lừa đảo như đánh bạc trực tuyến, kinh doanh tiền ảo... trên mạng, bị cưỡng ép làm việc 12 - 16 tiếng/ngày, không cho ra khỏi cơ sở. Khi bị vắt kiệt sức, nạn nhân lại bị bán sang tổ chức khác.

Người nào muốn được về phải gọi điện cho người thân ở Việt Nam nộp tiền chuộc. Một số trường hợp bỏ trốn bị các ông chủ đánh đập, ngược đãi, bán sang cơ sở khác. Kẻ cầm đầu các ổ nhóm này được xác định là người Trung Quốc, dưới sự giúp sức của người Việt Nam đang sống tại Campuchia. Theo Bộ Công an, 6 tháng đầu năm, cơ quan công an phối hợp với phía Campuchia giải cứu hơn 250 trường hợp bị lừa đi lao động trái phép…

Thêm trường hợp “việc nhẹ, lương cao” mà cơ quan công an các tỉnh, TP cảnh báo tới người dân, đó là hình thức phát tán tin nhắn rác lừa đảo tuyển dụng việc làm. Theo đó, thời gian qua, tình trạng phát tán tin nhắn rác qua mạng viễn thông có nội dung “tuyển dụng việc làm” với thù lao 500.000 đồng tới 1 triệu đồng/ngày. Đây là một trong những hình thức dẫn dụ nạn nhân chủ động liên hệ với đối tượng và thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Các thủ đoạn lừa đảo phổ biến liên quan đến hình thức này là: Lừa đảo tuyển dụng cộng tác viên online, giựt đơn ảo trên các sàn thương mại điện tử để chiếm đoạt tài sản; lừa đảo nạn nhân tham gia đầu tư tài chính trực tuyến để chiếm đoạt tài sản; lừa đảo nạn nhân cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản số để chiếm đoạt tài sản...

Thời gian gần đây, nhiều người thường nhận được tin nhắn với nội dung: “Xin chào, tôi là trưởng phòng nhân sự của công ty ABC đang tuyển dụng nhân viên bán thời gian. Tiền lương được trả hàng ngày, thu nhập lên đến 15 - 30 triệu một tháng. Công việc đơn giản và có thể thực hiện mọi lúc mọi nơi. Để biết thêm thông tin xin vui lòng liên hệ với chúng tôi...”.

Chị Nguyễn Thị Minh (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho hay, khi liên hệ với số điện thoại trong tin nhắn, tôi được hướng dẫn công việc qua hình thức mua hàng online trên các trang thương mại điện tử (Tiki, Lazada, Shopee…) và thanh toán trước, sau đó tiền gốc và hoa hồng sẽ được chuyển ngược lại vào tài khoản ngân hàng. Tuy nhiên, đây là chiêu trò của các đối tượng lừa đảo. Thủ đoạn lừa đảo này đánh vào tâm lý thích “việc nhẹ, lương cao” của nhiều người.

Tháng 6 vừa qua, Công an tỉnh Bắc Giang đã bắt giữ Nguyễn Văn Tình (27 tuổi, trú tại huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang) để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tình sử dụng chiêu trò tuyển cộng tác viên lương cao để lừa 6.000 người trên khắp cả nước chiếm đoạt 2 tỷ đồng.

“Miếng pho mát miễn phí chỉ có trong bẫy chuột”

Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, luật sư Nguyễn Hữu Toại - Giám đốc Công ty Luật Hừng Đông cho biết, “việc nhẹ, lương cao” là mong muốn của không ít người trong xã hội, tuy nhiên trong thực tế rất ít người đạt được mong muốn này.

Xét dưới góc độ kinh tế, sẽ không có chuyện “việc nhẹ, lương cao” bởi mức lương mà người sử dụng lao động trả cho người lao động phải tương xứng với công sức mà người lao động bỏ ra, vì vậy việc nhẹ lương cao là điều bất khả thi. Ngạn ngữ có câu “Miếng pho mát miễn phí chỉ có trong bẫy chuột”, do vậy người dân phải hết sức thận trọng.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, một số đối tượng đã có hành vi lừa đảo nhiều người lao động, nhất là đưa ra các thông tin dẫn dụ người lao động đi làm việc ở Campuchia không mất phí môi giới, việc nhẹ lương cao. Hàng trăm người đã nhẹ dạ, cả tin các đối tượng lừa đảo để rồi ngậm trái đắng, bị bóc lột sức lao động thậm tệ, lao động quần quật như những nô lệ thời hiện đại.

Trước các chiêu lừa “việc nhẹ, lương cao”, người dân cần cảnh giác, bởi sẽ không tồn tại môi trường làm việc nào như vậy trên thực tế. Khi phát hiện dấu hiệu bất thường, người dân cần báo cáo sự việc với các cơ quan chức năng để được hỗ trợ kịp thời.

Ngoài ra, việc đưa lao động đi nước ngoài là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, do vậy khi các đối tượng đưa ra các thông tin “việc nhẹ, lương cao”, người dân cần yêu cầu các đối tượng đưa ra các giấy phép hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nếu không đưa ra được giấp phép chứng tỏ hoạt động này là bất hợp pháp.

Theo luật sư Nguyễn Hồng Quang (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), hành vi lừa đảo tuyển dụng việc nhẹ lương cao của các đối tượng có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015. Tùy theo tính chất, mức độ hành vi phạm tội và giá trị tài sản chiếm đoạt mà khung hình phạt tù tối đa của tội này cao nhất là tù chung thân nếu chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên.