Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cảnh giác với chiêu trò lừa đảo nhắm tới học sinh sau giờ tan học

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tiếp theo các chiêu lừa đảo qua điện thoại hướng đến phụ huynh, tại Hà Nội và một số địa phương lại xuất hiện phương thức lừa đảo tinh vi khác nhắm vào học sinh ở khu vực ngoài cổng trường.

Kẻ lạ biến học sinh thành "con mồi"

Hai ngày nay, nhiều phụ huynh Hà Nội lo lắng trước thông tin kẻ lạ bịt kín mặt tiếp cận, làm quen với học sinh tại khu vực ngoài cổng trường hoặc đưa cho học sinh đồ ăn, đồ uống, sau đó lợi dụng thôi miên, thuốc mê để thực hiện ý đồ xấu…

Ngày 5/4, một trường THCS trên địa bàn quận Cầu Giấy đã phát đi thông tin cảnh báo về chiêu thức thôi miên, chuốc thuốc mê, lừa đảo hướng đến học sinh. Đồng thời lưu ý học sinh khi đợi cha mẹ đến đón không đứng ngoài vỉa hè mà phải đứng trong sân trường, không la cà hàng quán, đi học theo nhóm, không tiếp xúc hay nhận đồ ăn, đồ uống của kẻ lạ… Thông báo cho biết, hiện tượng lừa đảo tinh vi trên đã xuất hiện tại trường này và một số trường học khác.

Sau khi vào cuộc xác minh, bước đầu cơ quan công an xác nhận nội dung thông tin theo thông báo của trường nêu là không chính xác, không có cơ sở. Tuy nhiên, phụ huynh vẫn cho rằng, việc nâng cao tinh thần cảnh giác trước kẻ lạ là cần thiết và các cảnh báo, nhắc nhở của nhà trường đưa ra là không thừa.

"Bố mẹ con bị tai nạn" - một trong những chiêu trò lừa đảo học sinh mới xuất hiện và được cơ quan công an cảnh báo.
"Bố mẹ con bị tai nạn" - một trong những chiêu trò lừa đảo học sinh mới xuất hiện và được cơ quan công an cảnh báo.

Trước đó, tại TP Hồ Chí Minh xảy ra tình trạng kẻ xấu tiếp cận học sinh đang đợi người thân đến đón; nói với các em là ba/mẹ bị tai nạn, đang cấp cứu, tự nhận là bạn ba/mẹ đến đón con, đưa giúp con đến bệnh viện.

Phụ huynh tại Cần Thơ cũng xôn xao chuyện người lạ mặt có hành động tiếp cận 2 học sinh của Trường Tiểu học Cái Khế 2, quận Ninh Kiều ở cổng trường và trên đường đi học về nhà...

Ngoài chiêu lừa đảo gọi điện cho phụ huynh nói con đang cấp cứu, yêu cầu chuyển tiền, tại một số quận, huyện của Hà Nội từng xảy ra hiện tượng kẻ lạ mặt mang thuốc lá điện tử đến khu vực gần cổng trường mời gọi học sinh sử dụng và ra điều kiện nếu rủ thêm người hút sẽ được tặng tiền. Nghe dụ dỗ, có em đã làm theo.

Để kịp thời ngăn chặn tình trạng trên, Công an quận Hoàn Kiếm đã gửi thông báo đến nhiều trường học trên địa bàn quận, đề nghị các cơ sở giáo dục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thông báo cho phụ huynh học sinh quan tâm nhắc nhở các con nêu cao cảnh giác; các con không nhận bất kỳ đồ vật nào từ người lạ, nhất là đồ ăn, hút, ngửi... Phía nhà trường nhanh chóng gửi đến phụ huynh, học sinh cảnh báo, đồng thời tăng cường công tác bảo đảm an ninh ngoài cổng trường.

Tương tự, UBND quận Ba Đình cũng phát đi cảnh báo, yêu cầu các trường học trên địa bàn lan tỏa thông tin để hạn chế các sự việc đáng tiếc xảy ra.

Thông báo yêu cầu các trường học tích cực tuyên truyền, nhắc nhở phụ huynh phối kết hợp trong công tác quản lý học sinh, tăng cường đảm bảo an ninh ngoài khu vực cổng trường, cảnh giác trước đối tượng lạ mặt hoặc các cuộc gọi từ người không quen nhằm mục đích lừa đảo…

Thực hiện yêu cầu của UBND quận, 100% trường học trên địa bàn quận Ba Đình đã phát đi thông tin cảnh báo đến phụ huynh học sinh qua nhóm Zalo và qua các trang thông tin của trường.

Cụ thể, Trường THCS Nguyễn Tri Phương, quận Ba Đình thông tin đến giáo viên, học sinh, phụ huynh các chiêu thức lừa đảo, yêu cầu cán bộ giáo viên, nhân viên tăng cường tuyên truyền giáo dục học sinh cảnh giác trước đối tượng lạ mặt hoặc các cuộc gọi từ người không quen. Ban phụ trách Đội tích cực kiểm tra hành chính và xử lý nghiêm các vi phạm. Tổ bảo vệ phối hợp với trật tự viên của phường tăng cường đảm bảo an ninh ngoài khu vực cổng trường.

Đối với học sinh, cần tuân thủ các quy định đã cam kết, không la cà trước và sau giờ học; tuyệt đối không tương tác với người lạ, không cho mượn đồ như tiền, xe đạp để bị kẻ xấu lừa; không hút hoặc mua bán thuốc lá điện tử; khi có dấu hiệu nghi ngờ, cần báo thầy cô, cha mẹ. Trường hợp xảy ra mâu thuẫn xung đột với người lạ thì cần hô hoán hoặc chạy vào trong trường, vào nhà người dân.

Học sinh không mang tiền hoặc tài sản giá trị khi đi học

Trong thông báo, Trường THCS Nguyễn Tri Phương, quận Ba Đình yêu cầu phụ huynh phối kết hợp với nhà trường trong việc quản lý học sinh, đặc biệt thực hiện “3 quản” đã được quán triệt trong các cuộc họp (quản thời gian, quản tiền bạc và quản quan hệ của con). Khi có dấu hiệu nghi ngờ, cần cẩn trọng kiểm tra thông tin và báo lại thầy cô chủ nhiệm hoặc Ban giám hiệu biết và cùng phân loại, xử lý.

Còn một trường THCS thuộc quận Cầu Giấy đưa ra lời khuyên cụ thể với học sinh: Nếu phát hiện đối tượng khả nghi đeo bám, các em cần lập tức đi đến những chỗ đông người gần đó như cửa hàng, quán ăn, bảo vệ cơ quan bên đường…, tìm sự trợ giúp từ những người xung quanh và điện thoại ngay cho bố mẹ, thầy cô giáo. Nếu bị đối tượng lạ uy hiếp an toàn, lập tức hô hoán, vùng vẫy, gây sự chú ý của người đi đường...

Thời gian tới, lực lượng chức năng công an TP Hà Nội sẽ đẩy mạnh các chương trình tuyên truyền phòng chống tội phạm đến học sinh
Thời gian tới, lực lượng chức năng Công an TP Hà Nội sẽ đẩy mạnh các chương trình tuyên truyền về cách thức nhận diện, phòng chống tội phạm đến học sinh.

Nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh, Công an TP Hà Nội khuyến cáo người dân, các bậc phụ huynh cần trang bị kiến thức, đề cao cảnh giác cho con em mình. Ban giám hiệu các nhà trường thông tin đến tất cả lớp học để học sinh cảnh giác; đồng thời duy trì thường xuyên kênh liên lạc giữa nhà trường và phụ huynh, kịp thời trao đổi thông tin khi cần thiết.

Theo Công an TP, các bậc phụ huynh không nên cho con em mang nhiều tiền hoặc vật dụng có giá trị lớn đi học bởi đó có thể sẽ là nguyên nhân dẫn đến sự mất an toàn cho các con.

Trước nhiều chiêu thức mới tinh vi, không từ thủ đoạn nào của tội phạm, bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng ngừa của nhà trường, cơ quan chức năng thì điều cốt yếu là tinh thần cảnh giác cùng sự bình tĩnh từ phía phụ huynh và học sinh.

Thực tế cho thấy, các vụ lừa đảo xảy ra thời gian gần đây, ngoài việc phụ huynh học sinh chưa nắm được chiêu thức của kẻ lừa đảo thì cũng có trường hợp phụ huynh đã nghe nói về thủ đọan này nhưng do qua lo lắng, vội vã, không phân loại thông tin và chỉ một phút lơ là, mất cảnh giác là nạn nhân có thể sập bẫy lừa.

Phía Công an TP cũng cho biết, tới đây đơn vị sẽ phối hợp các nhà trường tổ chức tập huấn cho học sinh về cách đối phó với các trường hợp nguy hiểm, đột xuất. Đồng thời chủ động phối hợp cùng nhà trường để giúp học sinh tăng kỹ năng tự bảo vệ mình trước mọi thủ đoạn và hành vi lừa đảo.