Nhập lậu cả kit test Covid-19
Công an quận Hoàng Mai đang củng cố hồ sơ xử lý Q.Đ.Th (sinh năm 1991, ở huyện Đông Hưng, Thái Bình) về hành vi buôn bán hàng giả trong mùa dịch. Trước đó, sáng 25/2, tại trước nhà số 8 đường Trần Thủ Độ, phường Hoàng Liệt, Đội Cảnh sát kinh tế Công an quận Hoàng Mai đã phát hiện lô hàng đang tập kết gồm 5 thùng giấy, bên trong có chứa 3.000 bộ xét nghiệm nhanh Covid-19. Tại thời điểm kiểm tra, chủ lô hàng là Q.Đ.Th không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc lô hàng.
Ngày 27/2, Công an quận Long Biên cho biết, trên cơ sở tin báo của một khách hàng về việc mua phải hàng giả mang thương hiệu Hoàng Hường, tại địa chỉ B1-712 Ruby City 3 phường Phúc Lợi, Công an quận Long Biên đã điều tra, xác minh, phát hiện đường dây sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm có quy mô lớn. Cụ thể, từ thông báo của nạn nhân mua qua mạng xã hội với số tiền 7 triệu đồng để nhận lại sản phẩm là thực phẩm và phụ gia thực phẩm giả, Công an quận Long Biên đã điều tra, xác minh, phát hiện đối tượng Nguyễn Đăng Hoàng Chương (sinh năm 1994, ở TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) có hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả.
Tang vật thu giữ gồm hàng trăm sản phẩm dược phẩm các loại dùng để bôi, uống, xịt làm đẹp, chữa bệnh với nhiều mẫu mã và thương hiệu khác nhau như: Cao bôi dược liệu, khớp Khang Thọ; xoang Ngọc Linh, kem dưỡng trắng gia Sắc Bảo Ngọc, Bổ phế Ích Phế Đan; Oga Max; Khang Cốt Đơn; Mộc Vị Khang; Cát Vượng Hoàn; An Thần Đan; dạ dày Tâm Vị; dạ dày Hoàng Hường… (đề chữ sản xuất tại Công ty TNHH Dược phẩm Nam Dương; Công ty TNHH Thương mại dược phẩm Trang Ly); 22.000 tem nhãn các loại, cùng nhiều vỏ lọ, vỏ hộp chưa dán nhãn mác.
Tại cơ quan công an, Chương khai nhận, đã từng làm thuê cho một công ty thực phẩm chức năng. Gần đây, Chương nghỉ việc, tự tìm sản phẩm có kiểu dáng tương tự để mua về, đóng vỏ, in nhãn mác. Toàn bộ hàng hóa thu được tại nhà Chương được khẳng định là hàng giả.
Phải nâng cao ý thức người tiêu dùng
Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Đào Nguyên Thuật (Văn phòng Luật sư Kết Nối) cho rằng, đấu tranh phòng chống hàng giả là điều được các cơ quan nhà nước và người tiêu dùng quan tâm, tuy nhiên lượng hàng giả được sản xuất mua bán trên thị trường hiện nay vẫn rất nhiều và ngày càng tăng lên.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng hàng giả tràn lan là khuôn khổ pháp luật điều chỉnh vấn đề này còn một số hạn chế bất cập. Trong đó có thể kể đến là chế tài xử phạt còn chưa thực sự nghiêm khắc, chủ yếu xử phạt hành chính. Mức xử phạt nhìn vào tưởng cao nhưng thực tế lại rất thấp so với lợi nhuận từ việc sản xuất, buôn bán hàng giả. Các đối tượng sản xuất và bán hàng giả sẵn sàng nộp phạt rồi lại tái diễn vi phạm.
Căn cứ theo Nghị định 98/2020, đối với hành vi liên quan đến hàng giả, mức phạt cao nhất lên đến 200 triệu đồng đối với cá nhân và 400 triệu đồng đối với tổ chức. Bên cạnh đó, chế tài hình sự theo Bộ luật Hình sự năm 2015 về hành vi sản xuất buôn bán hàng giả cũng nghiêm khắc hơn, người phạm tội sản xuất buôn bán hàng giả có thể bị phạt tù đến 15 năm.
Trong khi đó, theo luật sư Nguyễn Ngọc Hùng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), ngoài việc quản lý hoạt động mua bán trong nước, phải lưu ý đến hoạt động buôn bán qua biên giới, bởi một lượng rất lớn hàng giả nhập lậu từ Trung Quốc. Siết chặt quản lý việc giao thương, buôn bán vận chuyển hàng hóa ở các vùng biên giới là điều cần phải làm ngay.
Ngoài ra, phải nâng cao ý thức người tiêu dùng, bởi người tiêu dùng gặp phải hàng giả thường xuyên và trong thời gian dài thành quen và không có ý thức muốn đấu tranh loại bỏ; chấp nhận dùng hàng giả thay cho hàng thật. Ý thức thói quen tiêu dùng của mọi người là điều đặc biệt quan trọng trong việc đấu tranh phòng chống hàng giả vì có cầu thì mới có cung.