Những kẻ phạm tội không từ bất cứ một thủ đoạn nào để lôi kéo, dụ dỗ người khác cùng sử dụng ma túy với nhiều mục đích khác nhau, gây bất an trong xã hội...
Mới đây, ngày 7/3/2019, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa xét xử tuyên 13 năm tù đối với bị cáo Nguyễn Việt Cường (tức ca sĩ Châu Việt Cường, SN 1978, quê quán Thanh Hóa). Sử dụng ma túy, Châu Việt Cường bị sốc, rơi vào tình trạng phê ma túy nên đã nhét nhiều nhánh tỏi vào mồm H. làm nạn nhân tử vong do ngạt thở… Trước đó, tại Lễ hội âm nhạc mang tên Du hành tới mặt trăng (Trip to the moon) được tổ chức tại Công viên nước Hồ Tây vào tối ngày 16/9/2018, có 7 người chết và 5 người khác hôn mê. Những trường hợp tử vong đều dương tính với ma túy...
Vạch trần thủ đoạn…
Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, Trung tá Đào Trung Hiếu - chuyên gia tội phạm học (Bộ Công an) cho biết: Về các đối tượng là người nghiện ma túy lôi kéo, cưỡng bức có thể chia làm các nhóm:
Thứ nhất, đối tượng là người nghiện ma túy, phạm tội về ma túy. Nhóm này là phổ biến. Động cơ, mục đích chính của đối tượng thuộc nhóm này là nhằm lôi kéo, rủ rê để tạo ra những người nghiện mới, từ đó họ có thêm “bạn nghiện” để có thể cùng sử dụng ma túy. Người mà các đối tượng thuộc nhóm này hướng tới để lôi kéo sử dụng chất ma túy thường tập trung vào bạn bè, người thân của chúng; học sinh, sinh viên mới lớn; con em của những gia đình có điều kiện kinh tế hoặc con em những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khi bố mẹ ly dị, ly thân.
Phương thức, thủ đoạn của nhóm đối tượng này thường là tìm cách sử dụng những lời nói, cử chỉ, hành động để kích thích người khác (như: nói về cảm giác sảng khoái, sung sướng khi sử dụng ma túy…) từ đó, làm nảy sinh tính tò mò, thích cảm giác lạ để rồi dễ bập vào ma túy. Trong thời gian đầu, các đối tượng sẽ cho những người bị rủ rê sử dụng ma túy miễn phí, đến khi những người này nghiện mới thu tiền, thậm chí còn có thể sai khiến họ thực hiện một số hành vi khác theo ý đồ của chúng.
Thứ hai, nhóm các đối tượng là người bị cưỡng bức sử dụng trái phép chất ma túy có sự lệ thuộc trong công việc. Nhóm này ít phổ biến, các đối tượng này thường là chủ chứa của các quán bia ôm, quán bar, quán karaoke, cơ sở có tổ chức hoạt động mại dâm… đã ép hoặc lôi kéo, rủ rê các nhân viên, vũ công, kỹ thuật viên sử dụng ma túy, nhằm buộc họ lệ thuộc vào chúng và phải thực hiện theo đúng ý đồ và sự sai bảo của chúng trong công việc.
Còn một bộ phận thuộc nhóm khác, thường không có động cơ, mục đích rõ ràng trong việc cưỡng bức, lôi kéo người khác sử dụng chất ma túy. Ở đây, đối tượng cưỡng bức, lôi kéo và người bị cưỡng bức, lôi kéo thường có quan hệ bạn bè thân thiết và việc sử dụng ma túy được các đối tượng coi như một trò chơi, trò giải trí sau khi nhóm các đối tượng này (thường là những người trẻ tuổi, là học sinh, sinh viên, cả những người mới đi làm) gặp nhau, tổ chức liên hoan, uống rượu…
Giải pháp nào?
Trung tá Đào Trung Hiếu cho rằng: Cần tăng cường tổ chức các hoạt động tuyên truyền, qua đó giúp cung cấp những thông tin mang tính cảnh báo về tác hại của hành vi lạm dụng ma túy (như dùng ma túy sẽ bị loạn thần, điên, bị lây nhiễm HIV/AIDS, hủy hoại nòi giống…) sẽ có tác dụng giúp mọi người nhận thức đúng về hậu quả, tác hại của ma túy.
Đối với nhóm đối tượng có nguy cao như thanh, thiếu niên, nhất là trẻ em đường phố, các học sinh có học lực sa sút, trẻ em ham chơi điện tử, con cái gia đình có tiền sử sử dụng ma túy...) cần có các chương trình tuyên truyền giáo dục riêng, phù hợp với tâm lý, hoàn cảnh từng nhóm cụ thể. Bên cạnh đó, gia đình, các bậc phụ huynh cũng cần quan tâm, ân cần theo dõi, chăm sóc con cái, không nên khoán trắng việc giáo dục cho riêng nhà trường, xã hội; thường xuyên nhắc nhở, dặn dò con em khi có bạn bè hay bất cứ người nào mời chào, rủ rê hoặc hăm dọa buộc phải uống, hút, hít bất cứ loại thuốc nào để gây hưng phấn, kích thích...
"Bộ Luật Hình sự đã có những quy định chi tiết về tội lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy. Đây là hành vi cố ý, dù biết việc lôi kéo có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người khác, nhưng người có hành vi phạm tội vẫn cố tình thực hiện để trục lợi, hoặc để thỏa mãn nhu cầu. Bộ Luật Hình sự năm 1999 “tội cưỡng bức và lôi kéo người khác chơi ma túy” được quy định trong 1 điều và không định nghĩa thế nào là “cưỡng bức, lôi kéo”, nên khó áp dụng. Còn Bộ Luật Hình sự 2015 đã tách thành 2 tội danh riêng và định nghĩa hành vi phạm tội cụ thể. Luật mới chi tiết, tách biệt rõ ràng, do đó điều tra viên đã có “vũ khí pháp lý” mạnh hơn để xử lý." - Luật sư Bùi Quang Thu - Đoàn Luật sư TP Hà Nội |