Cảnh giác với vấn nạn lừa đảo công nghệ cao

Thái San
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng diễn biến ngày càng phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi. Dù đã được cảnh báo, tuy nhiên vẫn có rất nhiều trường hợp sập bẫy lừa đảo công nghệ cao.

Thủ đoạn “không mới” nhưng vẫn... sập bẫy

Công an quận Hoàn Kiếm đã triệt phá nhóm tội phạm công nghệ cao có hành vi câu kết với các đối tượng nước ngoài thu mua sim điện thoại chính chủ để lừa đảo. Theo đó, Công an quận Hoàn Kiếm nhận được đơn trình báo của anh Nguyễn Văn H. (sinh năm 1986, ở phường Việt Hưng, quận Long Biên) về việc bị đối tượng giả danh công an gọi điện thoại, thông báo anh H liên quan đến một vụ tai nạn giao thông.

Nhóm lừa đảo qua Zalo bị Công an quận Đống Đa bắt giữ, xử lý.
Nhóm lừa đảo qua Zalo bị Công an quận Đống Đa bắt giữ, xử lý.

Đối tượng lừa đảo nói rằng chiếc xe này do anh H đứng ra thuê và cung cấp đầy đủ thông tin về số căn cước công dân, địa chỉ của anh H. Quá lo lắng, anh H đã đăng nhập vào một đường link (phần mềm giả danh Bộ Công an) do đối tượng gửi. Sau đó, anh H bị chiếm đoạt mã OTP giao dịch tài khoản ngân hàng cá nhân và bị rút hơn 932 triệu đồng trong tài khoản...

Trong quá trình điều tra tài khoản chuyển tiền của anh H, Công an quận Hoàn Kiếm phát hiện đối tượng Lưu Thị Vân Anh (sinh năm 1993, ở phường Tân Mai, quận Hoàng Mai) có liên quan.

Vân Anh đã vào trang mạng của các nhóm người nước ngoài cư trú tại Việt Nam quen biết trước đó để tìm việc; được gợi ý thu mua các tài khoản ngân hàng của người khác rồi cung cấp toàn bộ thông tin về tài khoản cho bọn chúng. Các đối tượng người nước ngoài đã sử dụng những tài khoản này để nhận tiền lừa đảo.

Với mỗi tài khoản, Vân Anh được trả 3,5 triệu đồng. Ngoài nạn nhân là anh H, từ cuối tháng 5/2021 cho đến khi bị bắt giữ, Vân Anh đã mở và cung cấp thông tin về 37 tài khoản khác. Công an quận Hoàn Kiếm đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can Lưu Thị Vân Anh về hành vi “Mua bán trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng của người khác”.

Mới đây, ngày 25/5, Công an quận Long Biên tiếp nhận đơn trình báo của anh Vũ Văn H. (trú tại phường Long Biên, quận Long Biên) về việc bị lừa đảo gần 800 triệu đồng thông qua làm cộng tác viên bán hàng online. Trước đó, ngày 22/5 anh H. được em trai ruột gửi cho trang Web IC Market nền tảng kiếm tiền online để được hưởng hoa hồng 0,05%, anh H., đã nhập vào trang web này và làm theo hướng dẫn.

Tổng cộng số tiền hai anh em H. đã chuyển vào tài khoản Pham Trung Dong là 759 triệu đồng để chạy đơn hàng theo hướng dẫn của trang Web IC Market. Sau khi giao dịch thành công, anh H. thực hiện giao dịch rút tiền hoa hồng từ số tiền đã chuyển nhưng không được.

Nâng cao cảnh giác, chặn vòi bạch tuộc

Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối cho biết, lừa đảo công nghệ cao là thủ đoạn lợi dụng công nghệ kỹ thuật cao để thực hiện hành vi lừa đảo. Đây là phương thức lừa đảo đang được nhiều đối tượng sử dụng hiện nay vì nó có thể tiếp cận được nhiều người, thực hiện nhanh chóng và khi bị phát hiện thì ít để lại dấu vết.

Điểm chung của hầu hết các vụ việc lừa đảo bằng công nghệ cao là các đối tượng thu thập được thông tin cá nhân của nạn nhân như tên tuổi, ngày sinh, số căn cước, thông tin tài khoản ngân hàng...

Các thông tin này do nạn nhân sơ ý để lộ hoặc các đối tượng tự mình thu thập được. Sau khi lấy được thông tin cá nhân, các đối tượng lừa đảo sẽ mạo danh cơ quan tổ chức liên hệ với chủ thể của thông tin đó đề nghị chuyển tiền. Mặt khác, các đối tượng có thể sử dụng thông tin cá nhân của người khác để thực hiện các khoản vay với số tiền lớn và người phải trả là người đã bị lộ thông tin cá nhân đó.

“Một thủ đoạn sử dụng công nghệ cao để lừa đảo khác là tạo ra các đường link có chứa mã độc và gửi nó cho người khác. Khi người nhận được đường link này ấn truy cập thì sẽ bị các đối tượng đọc được mã OTP trong giao dịch qua tài khoản ngân hàng và qua đó chiếm đoạt tiền trong tài khoản. Ngoài ra, các đối tượng còn làm giả trang web của cơ quan tổ chức, làm giả các sàn giao dịch điện tử cũng với mục đích chiếm đoạt tài sản” - luật sư Nguyễn Ngọc Hùng thông tin.

Đồng quan điểm, theo luật sư Đào Nguyên Thuật (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), công nghệ phát triển nhanh đem lại nhiều lợi ích cho cuộc sống con người nhưng mọi thứ đều có hai mặt, công nghệ phát triển cũng tạo điều kiện cho tội phạm dựa vào công nghệ cao gia tăng.

Đấu tranh với tội phạm công nghệ cao nói chung và lừa đảo bằng công nghệ cao nói riêng cần có sự cảnh giác của tất cả mọi người. Cảnh giác được biểu hiện thông qua việc rất cụ thể như không chia sẻ, cung cấp thông tin cá nhân lên mạng, không truy cập vào các đường link lạ, không nên tin vào các nguồn thông tin không chính thống…

“Chúng ta cần xác định đấu tranh phòng chống tội phạm trên không gian mạng, tội phạm công nghệ cao là một mặt trận lớn và quan trọng không kém đấu tranh với tội phạm ngoài đời thực” - luật sư Đào Nguyên Thuật nhấn mạnh.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần