“Cơn mưa” ưu đãi cho doanh nghiệp
Ở khu vực này, Thái Lan là một trong những “người chơi” tiên phong. Là trung tâm sản xuất và lắp ráp ô tô của khu vực, quốc gia này đã và đang tích cực đi tiên phong trên đường đua xe điện.
Thái Lan đã đưa ra chính sách về xe điện vào năm 2017. Để thu hút đầu tư vào lĩnh vực này, nước này đưa ra chính sách miễn thuế cho các nhà sản xuất và lắp ráp xe điện Hybrid (HEV), xe hybrid sạc điện (PHEV) và xe điện chạy pin (BEV).
Cụ thể, Ủy ban Đầu tư (BOI) Thái Lan miễn thuế máy móc nhập khẩu cho các nhà sản xuất HEV miễn thuế đối với máy móc nhập khẩu, trong khi các nhà sản xuất PHEV được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong ba năm. Các khoản đầu tư vào BEV được miễn thuế doanh nghiệp từ 5 đến 8 năm. Thái Lan cũng cung cấp các ưu đãi cụ thể cho xe buýt điện chạy pin, theo đó các nhà sản xuất được miễn thuế đối với máy móc nhập khẩu, đồng thời được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong vòng 3 năm.
BOI cũng liệt kê 10 linh kiện xe điện quan trọng sẽ được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 8 năm nếu được sản xuất trong nước. Số này bao gồm pin, động cơ kéo, hệ thống quản lý pin, bộ chuyển đổi và biến tần điện, bộ sạc xe điện di động, bộ ngắt mạch điện và hệ thống sạc thông minh.
Thái Lan cũng cắt giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe diện du lịch HEV và PHEV từ 25% xuống 5% dựa trên lượng khí thải carbon dioxide, trong khi BEV sẽ chỉ bị tính thuế tiêu thụ đặc biệt 2%, giảm từ 10%.
Tháng 11 năm ngoái, BOI đã thông báo về việc nâng cấp ưu đãi cho các gói đầu tư xe điện. Đối với xe bốn bánh, các dự án đủ điều kiện với tổng gói đầu tư trị giá ít nhất 5 tỷ Bath sẽ được miễn thuế ba năm đối với PHEV và tám năm đối với BEV, sẽ được gia hạn trong trường hợp đầu tư hoặc chi tiêu cho R&D .
Nước này cũng đang thúc đẩy sản xuất pin xe điện trong nước, với việc BOI phê duyệt các ưu đãi bổ sung cho cả module và linh kiện pin bằng cách giảm 90% thuế nhập khẩu trong hai năm đối với các nguyên liệu thô hoặc thiết yếu không có sẵn trong nước.
Tính đến tháng 11 năm ngoái, BOI đã phê duyệt 26 dự án sản xuất xe điện các loại, bao gồm 5 HEV, 6 PHEV, 13 BEV và hai dự án xe buýt điện tử, với tổng công suất sản xuất hơn 566.000 chiếc mỗi năm.
Thúc đẩy từ phía nguồn cầu
Chính phủ Singapore dự kiến giành 30 triệu đô la Singapore cho các sáng kiến liên quan đến xe điện trong 5 năm tới, bao gồm các biện pháp khuyến khích người dân mua xe điện.
Khi nói đến việc mua một chiếc xe điện, phí bảo hiểm là mối quan tâm quan trọng thứ hai đối với hơn 1.000 người tiêu dùng Singapore, theo một khảo sát của Deloitte.
Bên cạnh những ưu đãi khác nhau từ Chính phủ nhằm biến xe điện trở thành lựa chọn hấp dẫn hơn, các ngân hàng cũng đã triển khai các khoản cho vay mua ô tô xanh. Chẳng hạn, “Khoản vay mua ô tô xanh” của UOB cung cấp cho người mua những chiếc ô tô mới, chạy điện hoàn toàn với lãi suất chỉ định là 1,68% mỗi năm.
Con số này cao hơn mức lãi suất lần lượt là 2,68% và 2,78% / năm đối với các khoản vay để mua ô tô mới không chạy điện và ô tô đã qua sử dụng. Ngoài lãi suất hấp dẫn, người mua ô tô điện đăng ký khoản vay mua ô tô xanh của Ngân hàng UOB cũng sẽ nhận được ba Chứng nhận Năng lượng Tái tạo (REC). Các công cụ dựa trên thị trường này được tạo ra khi năng lượng tái tạo ba megawatt giờ được sản xuất. Điều này có nghĩa là tránh được 2,7 tấn khí thải carbon, tương đương với việc trồng 164 cây con trong 10 năm.
“Chứng chỉ REC phản ánh nhu cầu của người tiêu dùng đối với năng lượng tái tạo và cũng cho phép người tiêu dùng đóng góp một phần trong việc hỗ trợ phát triển các dự án năng lượng tái tạo hơn”, Jacquelyn Tan, trưởng nhóm dịch vụ tài chính cá nhân của UOB cho biết.
Việc phản ánh này cũng trở thành một niềm khuyến khích hấp dẫn với người dân đất nước hải sư. Tính tới cuối tháng 7, đã có 1.643 xe ô tô chở khách chạy điện trên các tuyến đường của Singapore, tăng 426 chiếc so với đầu năm 2021, theo dữ liệu từ Cơ quan Giao thông vận tải đường bộ.
Tận dụng nguồn lực “tự có”
Indonesia cũng nổi lên như một đối thủ cạnh tranh trong khu vực với Thái Lan và Singapore về sản xuất ô tô. Năm 2019, nước này sản xuất 1,29 triệu ô tô,trong khi Thái Lan sản xuất hơn 2 triệu chiếc.
Indonesia bắt đầu quảng bá xe điện vào năm 2019. Nước này miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với việc sản xuất xe điện, pin, động cơ điện và bộ điều khiển năng lượng điện, từ 5 đến 20 năm tùy thuộc vào giá trị của các khoản đầu tư.
Đối với giá trị đầu tư từ 500 đến hàng nghìn tỷ IDR, sẽ được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 5 năm, trong khi các khoản đầu tư trên 30 nghìn tỷ IDR sẽ được miễn thuế 20 năm.
Ngoài những ưu đãi cho phân khúc sản xuất và đầu tư sản xuất xe điện, quốc gia này còn có một vũ khí lợi hại – “tài nguyên”. Sự phát triển của xe điện và pin của Indonesia được nhìn nhận trong bối cảnh chính phủ cấm xuất khẩu khoáng sản thô và chưa tinh chế. Nước này có trữ lượng niken lớn nhất thế giới, một trong những nguyên liệu chính để sản xuất pin lithium-ion. Đây là một trong những lý do các công ty pin như CATL của Trung Quốc và LG Chem của Hàn Quốc tăng cường thiết lập sản xuất tại Indonesia. LG Chem đang có kế hoạch đầu tư gần 10 tỷ USD vào việc sản xuất pin lithium-ion tại nước này.
Indonesia cũng đang nỗ lực thu hút tập đoàn Tesla sản xuất xe điện tại nước này, tận dụng nguồn dự trữ niken 21 triệu tấn, cũng như chuỗi cung ứng phụ tùng và linh kiện xe điện đang phát triển trong nước.
Câu chuyện tại Việt Nam
Việt Nam cũng không thể đứng ngoài “miếng bánh” hấp dẫn này. Với quy mô dân số 100 triệu dân, Việt Nam hứa hẹn trở thành thị trường ô tô điện đầy tiềm năng trong tương lai gần. Nắm bắt xu thế này, các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu ô tô, xe máy như VinFast, Mitsubishi, Honda đã bắt đầu thử nghiệm, sản xuất và ra mắt các loại xe thân thiện với môi trường như Hybrid, xe máy điện, ô tô điện... đi trước đón đầu chờ lộ trình về chính sách, hạ tầng để sản xuất thương mại.Tuy nhiên, chủ trương, chính sách cho loại phương tiện xanh này vẫn còn bỏ ngỏ.
Ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương cho biết, trong bối cảnh hiện nay, việc phát triển xe điện phụ thuộc vào 3 trụ cột chính là: khuôn khổ pháp lý, chính sách hỗ trợ của các quốc gia; các biện pháp khuyến khích bổ sung để bảo vệ doanh số bán xe điện khỏi suy thoái kinh tế; số lượng các mẫu xe điện được mở rộng và giảm giá pin. Trong đó chính sách đóng vai trò đi đầu.
Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) đã đề xuất ý tưởng lộ trình phát triển xe điện hoá Việt Nam từ nay đến 2050 thành 3 giai đoạn. Trong đó, ở giai đoạn khởi đầu từ (2021-2030), Việt Nam sẽ đạt mức 1 triệu xe điện hoá vào khoảng năm 2028. Ở giai đoạn 2 (từ 2030-2040) tăng trưởng nhanh, Việt Nam duy trì tỷ lệ xe điện hoá tăng trưởng nhanh, đến năm 2040 sẽ đạt khoảng 3,5 triệu xe. Giai đoạn 3 (từ 2040-2050) tăng trưởng ổn định sẽ đạt 4,5 triệu xe vào năm 2050 và bão hoà sau đó với tỷ lệ xe điện hoá bán ra là 100%.