Cao điểm dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, tuần qua, số ca mắc mới sốt xuất huyết (SXH) ghi nhận tại Hà Nội tăng hơn so với tuần trước.

Chuyên gia y tế dự báo, thời gian tới, số ca mắc SXH có thể tiếp tục tăng do đang trong cao điểm mùa dịch, nguy cơ ghi nhận nhiều bệnh nhân nặng và tử vong. Do đó, người bệnh khi mắc SXH cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời.

Hà Nội có thêm 1.343 ca mắc sốt xuất huyết

Theo báo cáo của CDC Hà Nội, trong tuần (từ ngày 4 đến 11/11), trên địa bàn Hà Nội ghi nhận 1.343 ca mắc SXH, số mắc tăng 2,3% so với tuần trước đó. Bệnh nhân ghi nhận tại 30 quận, huyện, thị xã, trong đó có một số quận, huyện có số mắc cao như: Đống Đa (120 ca), Thanh Oai (98 ca), Phú Xuyên (95 ca), Hoàng Mai (94 ca).

Như vậy, cộng dồn từ đầu năm 2022 đến nay, Hà Nội đã có 12.059 ca mắc SXH (tăng gấp 3,8 lần so với số mắc cùng kỳ năm 2021), trong đó có 12 ca tử vong (trong khi năm 2021 không có ca tử vong do SXH). Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 545/579 xã, phường, thị trấn.

Phun hóa chất phòng chống sốt xuất huyết.
Phun hóa chất phòng chống sốt xuất huyết.

Ngoài ra, trong tuần cũng ghi nhận thêm 83 ổ dịch SXH mới tại 12 quận, huyện, trong đó, nơi có nhiều ổ dịch nhất là quận Hoàng Mai với 24 ổ dịch, tiếp đến là Đống Đa có 12 ổ dịch, Hà Đông (9 ổ dịch), Thanh Oai (8 ổ dịch), Thanh Trì (7 ổ dịch), Bắc Từ Liêm (6 ổ dịch), Hai Bà Trưng (5 ổ dịch), Thanh Xuân (4 ổ dịch), Hoài Đức (4 ổ dịch), Thạch Thất (2 ổ dịch), Chương Mỹ (1 ổ dịch), Thường Tín (1 ổ dịch).

Như vậy, cộng dồn từ đầu năm 2022 đến ngày 11/11, trên địa bàn TP Hà Nội đã ghi nhận 994 ổ dịch tại 30/30 quận, huyện, thị xã. Hiện tại, còn 164 ổ dịch đang hoạt động tại 23 quận, huyện, trong đó một số ổ dịch có nhiều bệnh nhân như: Thôn Bùng, xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất có 238 bệnh nhân; thôn Ngọc Đình, xã Hồng Dương, huyện Thanh Oai có 55 bệnh nhân; tiểu khu Mỹ Lâm, thị trấn Phú Xuyên, huyện Phú Xuyên có 53 bệnh nhân.

Theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà, dự báo, tình hình dịch bệnh SXH sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, số ca mắc gia tăng trong thời gian tới. Để công tác phòng, chống dịch bệnh SXH được hiệu quả, vai trò của chính quyền địa phương rất quan trọng.

Mới đây, UBND TP Hà Nội đã ban hành chỉ thị yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm toàn diện về công tác phòng, chống SXH Dengue trên địa bàn, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lơ là, chủ quan trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện; phân cấp, gắn trách nhiệm của các cấp chính quyền trong công tác phòng chống SXH Dengue.

Sở Y tế Hà Nội cũng đã có Công văn số 4953/SYT-NVY gửi các cơ sở khám chữa bệnh; CDC Hà Nội; trung tâm y tế quận, huyện, thị xã về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch SXH. Theo đó, Sở Y tế yêu cầu các đơn vị theo dõi sát, đánh giá tình hình, dự đoán diễn biến dịch sốt xuất huyết trên địa bàn. Thống kê đầy đủ các ca bệnh và triển khai biện pháp chủ động phòng, chống dịch, xử lý triệt để các ổ dịch, không để dịch bùng phát. Kịp thời báo cáo những khó khăn, vướng mắc, tham mưu giải pháp khắc phục; tổ chức tốt việc khám bệnh, phân độ, phân tuyến, chuyển tuyến người bệnh SXH.

Các BV sẵn sàng tổ chức thu dung, cấp cứu, điều trị người bệnh kịp thời, an toàn, hiệu quả, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong. Đảm bảo cung ứng thuốc, máu và chế phẩm của máu, trang thiết bị, nhân lực cho công tác cấp cứu, điều trị người bệnh SXH. Tăng cường theo dõi người bệnh, đặc biệt người bệnh đang nằm nội trú để phát hiện sớm dấu hiệu cảnh báo, chuyển độ điều trị kịp thời hoặc chuyển lên tuyến trên. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc tuân thủ hướng dẫn chẩn đoán, điều trị của các khoa…

Bệnh nhân nhập viện tăng đột biến

Theo ghi nhận, thời gian gần đây, số bệnh nhân nhập viện do mắc SXH tăng đột biến, nhiều BV trên địa bàn Hà Nội luôn trong tình trạng quá tải.

Đơn cử như tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, hiện có khoảng 90 - 100 ca mắc SXH điều trị nội trú, trong đó có từ 10 - 20 bệnh nhân nhập viện mỗi ngày. Thậm chí, có ngày, hơn một nửa bệnh nhân điều trị ở Khoa Cấp cứu là ca mắc SXH. Trong khi đó, tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, BV Nhi trung ương đang có từ 40 - 50 trẻ mắc SXH điều trị nội trú (tăng gấp 2 lần so với tuần trước), trong đó có nhiều ca bệnh nặng.

Tại BV Thanh Nhàn, số ca mắc SXH chiếm khoảng 60% số bệnh nhân đến khám mỗi ngày khiến tất cả khoa điều trị, giường bệnh luôn kín chỗ.
Tại BV Thanh Nhàn, số ca mắc SXH chiếm khoảng 60% số bệnh nhân đến khám mỗi ngày khiến tất cả khoa điều trị, giường bệnh luôn kín chỗ.

Còn tại BV Thanh Nhàn, số ca mắc SXH chiếm khoảng 60% số bệnh nhân đến khám mỗi ngày khiến tất cả khoa điều trị, giường bệnh luôn kín chỗ. Từ đầu năm đến nay, BV Thanh Nhàn đã tiếp nhận gần 1.500 bệnh nhân SXH, trong đó khoảng 30 - 40% trường hợp nặng như suy thận, tiểu cầu giảm rất sâu, men gan tăng rất cao.

Đề cập đến nguy cơ nhiều bệnh nhân nặng, bác sĩ Phạm Văn Phúc - Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, số lượng bệnh nhân nặng đang tăng nhanh. Với những bệnh nhân được đưa đến viện sớm thì tiến triển ổn, bình phục nhanh. Còn những bệnh nhân đến viện muộn thì việc điều trị rất khó khăn.

Theo TS Phạm Thị Khoa - nguyên cán bộ Viện Sốt rét, ký sinh trùng Trung ương, để phòng ngừa SXH, nguyên tắc đầu tiên là phải diệt hết loăng quăng, không để các chum, vại chứa nước hoặc các chậu cây cảnh có nước. Để phòng bệnh SXH, có thể sử dụng hương muỗi để đuổi muỗi ra khỏi nhà. Ngoài ra, có thể sử dụng các loại dung dịch đuổi muỗi thảo dược để lau nhà cũng có tác dụng chống muỗi rất tốt.

Đối với trẻ em có thể sử dụng các loại chế phẩm xịt chống muỗi thảo dược an toàn cho sức khỏe. Việc phun hóa chất phải được thực hiện bởi các cơ quan y tế, nguyên tắc chỉ phun ở các khu đã phát sinh ổ dịch chứ không phun hóa chất để phòng ngừa vì nó ít nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe, đặc biệt là trẻ em.

Các chuyên gia cũng khuyến cáo, để phòng ngừa SXH, người dân cần chủ động áp dụng các biện pháp phòng chống muỗi cắn như dùng kem chống muỗi, ngủ màn, tránh xa nơi có muỗi cắn để không bị nhiễm bệnh.  

Người bệnh khi mắc SXH cần đến ngay BV hoặc cơ sở y tế gần nhất nếu có một trong những dấu hiệu như: Cảm giác khó chịu hơn mặc dù sốt giảm hoặc hết sốt; không ăn uống được; nôn ói nhiều; đau bụng nhiều hơn; tay chân lạnh, ẩm; mệt lả, bứt rứt; chảy máu mũi, miệng, xuất huyết âm đạo bất thường, nôn ra máu, tiêu phân đen hoặc máu đỏ; có các hành vi thay đổi như lú lẫn, kích thích, vật vã hoặc li bì và trên 6 giờ không tiểu tiện.

 

Bộ Y tế kêu gọi người dân mỗi tuần dành 10 phút để diệt bọ gậy/loăng quăng và thực hiện các biện pháp phòng bệnh như: Kiểm tra, phát hiện và diệt loăng quăng trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt bằng cách thường xuyên thay rửa, đậy nắp kín bể và các vật dụng chứa nước, thả cá để tiêu diệt loăng quăng...