70 năm giải phóng Thủ đô

Cao tốc Bắc - Nam vẫn ngổn ngang thách thức

Nguyễn Quý
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau “bão” dịch Covid-19 là “bão” giá, tất cả khiến công tác thi công các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 1 vẫn chưa bao giờ hết thách thức, gian nan, nhất là khi thời điểm về đích đang ngày càng cận kề.

Nhiều dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 1 vẫn đang chậm tiến độ.
Nhiều dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 1 vẫn đang chậm tiến độ.

Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 1 (2017 - 2020) gồm 11 dự án thành phần, trong đó, mới chỉ có 1 dự án duy nhất hoàn thành là đoạn tuyến Cao Bồ - Mai Sơn.

Nhiều dự án chậm tiến độ

Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), tính đến cuối tháng 7/2022, tổng khối lượng xây lắp hoàn thành của dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 1 đạt khoảng 26/57 nghìn tỷ đồng, tương đương 45,6%. Công tác giải ngân vốn, lũy kế đến thời điểm này đạt khoảng 39/78 nghìn tỷ đồng, tương đương 50,37% giá trị phần vốn.

Trong tổng số 10 dự án thành phần đang thi công, có tới 5 dự án chậm tiến độ từ 1,7% đến gần 5%. Trong đó, có 3/4 dự án thành phần phải hoàn thành trong năm 2022 gồm: Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây. 2 dự án còn lại là Diễn Châu - Bãi Vọt và Cam Lâm - Vĩnh Hảo có thời hạn hoàn thành trong năm 2024.

Với dự án Mai Sơn - QL45 do Ban Quản lý Thăng Long làm chủ đầu tư có sản lượng đạt 67,4% chậm 2,9%; đoạn Cam Lộ - La Sơn do Ban Quản lý dự án Hồ Chí Minh đảm nhận cũng chỉ đạt 91,1% khối lượng công việc, chậm từ 4 - 8 tháng so với kế hoạch ban đầu.

Đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết do Ban Quản lý dự án 7 đảm nhiệm phần vốn chủ đầu tư cũng chỉ đạt 46,2% sản lượng, chậm 1,8% so với kế hoạch điều chỉnh đề ra. Cuối cùng, đoạn Phan Thiết - Dầu Giây sản lượng thi công đạt 51,38%, chậm 0,57% so với kế hoạch điều chỉnh.

Với 4 dự án hoàn thành năm 2023 gồm: QL45 - Nghi Sơn; Nghi Sơn - Diễn Châu; Nha Trang - Cam Lâm; cầu Mỹ Thuận 2, có đoạn QL45 - Nghi Sơn sản lượng đạt 45,63%, chậm 1,72% tiến độ thi công.

Một trong những nguyên nhân chính khiến các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 1 bị chậm tiến độ do biến động giá vật liệu xây dựng. Đại diện Bộ GTVT cho biết, giá vật liệu tăng cao khiến các nhà thầu có tâm lý thi công cầm chừng chờ giá nhiên liệu, vật liệu xây dựng hạ và chờ hướng dẫn điều chỉnh hợp đồng, giá hợp đồng.

“Hiện tại, đối với dự án giao thông nói chung và cao tốc Bắc - Nam nói riêng có thể chia ra làm hai nhóm nhà thầu. Nhóm 1 vẫn còn khả năng thi công và có thể hoàn thành bắt kịp tiến độ. Riêng nhóm thứ 2 tiến độ thi công trì trệ có dấu hiệu thiếu hụt tài chính nghiêm trọng dẫn đến khó hoàn thành gói thầu theo hợp đồng” - Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông, Bộ GTVT Nguyễn Thế Minh nói.

"Bão" giá khiến nhiều nhà thầu cao tốc Bắc - Nam phía Đông đứng trước nhiều khó khăn.
"Bão" giá khiến nhiều nhà thầu cao tốc Bắc - Nam phía Đông đứng trước nhiều khó khăn.

Nhiều nhà thầu kêu cứu

Mới đây, lãnh đạo 20 DN thuộc Hiệp hội các nhà thầu thi công cao tốc Bắc - Nam đã đồng loạt ký gửi văn bản kiến nghị Ủy Ban Thường vụ Quốc hội; Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và các bộ liên quan xem xét giải quyết bất cập, tháo gỡ khó khăn hỗ trợ nhà thầu thi công, nhà đầu tư thực hiện cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020.

Trong văn bản trên, đại diện nhiều DN cho biết, những nhà thầu tại cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 1 đã phải đối mặt với tình trạng nhiều loại vật liệu chính biến động tăng đột biến và liên tục leo thang lên mặt bằng giá mới ngay sau khi các dự án thành phần được khởi công. Theo tính toán, biến động một số vật tư, vật liệu chính đã lên tới 20 - 30% so với giá trị hợp đồng trừ dự phòng.

Với biến động quá lớn, đơn giá thanh toán cho khối lượng hoàn chỉnh theo hợp đồng không đủ để mua vật tư, vật liệu. Điều này khiến cho các nhà thầu còn tham gia thi công, đồng thời, một số dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam và đều trong tình trạng mất cân đối nghiêm trọng.

“Nếu không có giải pháp kịp thời của các cấp có thẩm quyền trong thời gian ngắn sắp tới, nguy cơ vỡ tiến độ là hiện hữu” - đại diện phía DN khẳng định.

Giới chuyên gia nhận định, viễn cảnh không mấy sáng sủa này hoàn toàn có thể thành hiện thực nếu như bài toán “bão” giá không được sớm giải quyết. Nhiều chuyên gia nhấn mạnh cần cấp tốc, khẩn trương và thực hiện ngay bởi theo quy luật thị trường, khi giá cả leo thang luôn với tốc độ rất nhanh trong khi để kéo giảm cần có một thời gian nhất định.

Thực tế cho thấy, không phải khi một giải pháp hạ nhiệt cơn “bão” giá trên thị trường đưa ra sẽ mang lại hiệu quả tức thì. Nếu những giải pháp cứu thị trường vật liệu không được đưa ra sớm sẽ không kịp cứu các nhà thầu tại dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Hiện nay, ngưỡng chịu đựng của nhiều nhà thầu đều đã tới hạn.

 

Bộ GTVT khẳng định sẽ không lùi tiến độ dự án vì bất cứ lý do gì.
Bộ GTVT khẳng định sẽ không lùi tiến độ dự án vì bất cứ lý do gì.

Không lùi tiến độ vì bất cứ lý do gì

Trong buổi làm việc của Đoàn công tác Ủy ban Kinh tế Quốc hội với Bộ GTVT những địa phương liên quan và nhà thầu về tình hình thực hiện dự án xây dựng một số đoạn cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 1 diễn ra cách đây ít ngày, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, các dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn phía Đông đang thi công đều phải đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ đề ra. Trong đó, 4 dự án phải hoàn thành trong năm nay là Mai Sơn - QL45, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây phải hoàn thành đúng tiến độ trước ngày 31/12/2022.

Lãnh đạo Bộ GTVT khẳng định, sẽ không có trường hợp lùi thời gian hoàn thành cho các dự án với bất kỳ lý do gì. “Các chủ đầu tư và nhà thầu phải suy nghĩ làm cho bằng được, mặc dù khó khăn” - ông Lê Đình Thọ nói và nhấn mạnh rằng, Bộ GTVT kiên quyết làm và sẽ xử lý nghiêm trách nhiệm, không có tình trạng để đơn vị thi công cầm chừng.

Đối với vấn đề giá cả vật liệu, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, với các khó khăn về hệ số giá, Bộ GTVT, Bộ Xây dựng đã và đang phối hợp giải quyết trình các cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết. Tuy nhiên, các nhà thầu phải củng cố lại nhân lực lẫn mô hình để làm cho hiệu quả hơn.

 

"Qua chuyến khảo sát thực tế, có những đoạn chẳng thấy máy móc thi công. Quốc hội đã dành hết nguồn lực giải quyết nhanh nhất. Đây là dự án quan trọng của cả nước. Nhà thầu phải có trách nhiệm hơn" - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh