Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu dự kiến triển khai xây dựng trong quý I/2023

Bảo Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự kiến, sau khi hoàn tất các thủ tục pháp lý, dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn I) qua địa bàn tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ được triển khai xây dựng trong quý I/2023.

UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản gửi các bộ, ngành và UBND tỉnh Đồng Nai đề nghị có ý kiến về Tờ trình số 174/TTr-UBND ngày 20/10/2020 của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1) qua địa bàn tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu, gửi Văn phòng Chính phủ trước ngày 30/10 để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng.
Theo Tờ trình số 174/TTr-UBND ngày 20/10/2020 của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, dự án xây dựng đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu (giai đoạn 1) theo hình thức PPP (hợp đồng BOT). Dự án có tổng chiều dài 53,7km, trong đó đoạn qua địa phận tỉnh Đồng Nai dài 34,2km và 19,5km qua tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Điểm đầu nối với tuyến tránh QL1A đoạn tránh TP Biên Hòa, điểm cuối giao với đường vành đai TP Bà Rịa (QL 56).
 

Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu được triển khai góp phần giải tỏa áp lực giao thông trên Quốc lộ 51.

Dự án xây dựng 7 nút giao liên thông, 13 cầu vượt dòng chảy, 4 cầu vượt đường ngang và 19 cầu đường ngang vượt đường cao tốc.
Tổng diện tích đất sử dụng để xây dựng dự án khoảng 588,5ha. Tổng mức đầu tư dự kiến 19.012 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng, thiết bị 9.115 tỷ đồng; chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư khoảng 5.985 tỷ đồng. Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư, Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Nai sẽ phối hợp lập khung chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt triển khai thực hiện.
Về cơ cấu vốn, ngân sách Trung ương hỗ trợ 6.770 tỷ đồng, vốn nhà đầu tư huy động 12.242 tỷ đồng và vốn tạm ứng từ ngân sách tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho công tác chuẩn bị đầu tư dự án. Tờ trình cũng nêu rõ phương án tài chính thanh toán vốn cho nhà đầu tư. Theo đó, nhà đầu tư thanh toán toàn bộ chi phí đầu tư, thực hiện đầu tư, duy tu bảo dưỡng công trình, chi phí hoạt động trong suốt thời gian khai thác dự án. Nhà đầu tư thu hồi vốn thông qua thu phí, mức thu phí theo biểu giá quy định của Nhà nước. Trạm thu phí đặt trên tuyến đường mở mới phải đảm bảo lợi ích cho người dân khi tham gia giao thông.
Doanh thu thu phí để tính toán hoàn vốn cho dự án được xác định trên cơ sở dự báo lưu lượng xe. Thời gian thu phí dự kiến 24 năm 6 tháng (sẽ được xác định cụ thể trong bước đàm phán; ký kết hợp đồng dự án). Hết thời hạn, nhà đầu tư chuyển giao công trình cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý.
Dự kiến sau khi hoàn tất các thủ tục pháp lý, quý I/2023 dự án sẽ triển khai xây dựng, bàn giao và đưa vào khai thác năm 2025.
Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, khi hoàn thành, dự án đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu sẽ giảm tải cho Quốc lộ 51, tạo liên kết nhanh về giao thông của các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu với TP.HCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Tuyến đường này còn kết nối với cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây và Bến Lức – Long Thành; đường liên cảng Cái Mép – Thị Vải; sân bay Long Thành… góp phần hoàn thiện mạng lưới đường cao tốc Việt Nam trong những năm tới đây.