Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng “hơi thở” giao thông ĐBSCL

Hữu Tuấn - Hồng Thắm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Tuyến cao tốc Châu Đốc - Sóc Trăng - Cần Thơ giai đoạn 1 có tổng chiều dài 188,2km đi qua 4 tỉnh, thành: An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng mang “hơi thở” mới trong kết nối giao thông khu vực ĐBSCL, tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội của vùng.

Sẵn sàng nhường nhà, đất, trang trại cho đường cao tốc

Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, ông Tô Văn Hữu (60 tuổi), trú ấp Chợ Cũ, thị trấn Mỹ Xuyên (huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng) và vợ là bà Phan Thị Đẹp (50 tuổi) cho biết: Gia đình ông có trên 650m2 đất và ngôi nhà chịu ảnh hưởng của dự án. Gia đình ông và bà con ở địa phương rất vui khi có công trình trọng điểm quốc gia đi qua địa phương.

Ông Tô Văn Hữu, trú ấp Chợ Cũ, thị trấn Mỹ Xuyên (huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng chia sẻ với phóng viên. Ảnh Xuân Lương
Ông Tô Văn Hữu, trú ấp Chợ Cũ, thị trấn Mỹ Xuyên (huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng chia sẻ với phóng viên. Ảnh Xuân Lương

“Đây là điểm nhấn mở ra cơ hội phát triển lớn cho huyện, cho tỉnh và cho cả khu vực ĐBSCL. Khi thu hồi đất, nhà nước thực hiện công khai, minh bạch việc áp giá bồi thường cũng như hỗ trợ nên bà con nhất trí cao. Giá đất so với thị trường thì không phải là cao nhưng bà con chúng tôi thấy giá đó cũng tốt rồi, nhà nước không để mình thiệt thòi, bà con đồng lòng nhất trí cao. Gia đình tôi có căn nhà đang ở đã giải tỏa nhường đất cho đường. Nhận tiền bồi thường, hỗ trợ hôm cuối tháng 5/2023 được trên 2 tỷ đồng, nay tôi đang khẩn trương xây nhà mới để ở và nhà cũ sẽ tháo dỡ bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công” vợ chồng ông Hữu cho hay.

Cùng thuộc diện nằm trong dự án cao tốc, ông Ngọc Tuấn (47 tuổi), chia sẻ: Có đường cao tốc về quê là bà con vui lắm. Chính vì thế tôi và bà con nhất trí giao đất cho nhà nước mở đường. Gia đình tôi bị ảnh hưởng trên 1.000m2 đất đang làm trang trại nuôi khoảng 5.000 con chim trĩ nhưng vì lợi ích chung nên chúng tôi vui vẻ nhường đất cho mở đường. Tiền bồi thường, hỗ trợ được trên 2,2 tỷ đồng chúng tôi sẽ sử dụng phát triển kinh tế gia đình. Những ngày qua, tôi cũng tự nguyện tham gia dọn dẹp trên phần đất của gia đình cho sạch sẽ để đơn vị thi công thực hiện xây dựng công trình.

Tính đến nay, nhiều tỉnh, thành nơi dự án đi qua đã bàn giao được hơn 70% mặt bằng cho nhà thầu. Ảnh Hữu Tuấn
Tính đến nay, nhiều tỉnh, thành nơi dự án đi qua đã bàn giao được hơn 70% mặt bằng cho nhà thầu. Ảnh Hữu Tuấn

Bà Lê Kim Luyến, một người dân tại huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ nơi có dự án cao tốc đi qua cho hay: Tôi và nhiều người dân trên địa bàn huyện đồng tình ủng hộ dự án, đây là một dự án trọng điểm đối với huyện Cờ Đỏ và TP Cần Thơ. Bản thân gia đình bà cũng bị một căn nhà và xưởng may dính đến dự án nhưng gia đình bà đã sẵn sàng gấp rút di chuyển đồ đạc để bàn giao giải phóng mặt bằng.

“Chính quyền địa phương, tuyên truyền vận động cho người dân thấy được tầm quan trọng của dự án đối với việc phát triển kinh tế xã hội của huyện, nên nhiều người dân sẵn sàng nhường đất cho dự án, nhận bồi thường, ổn định tái định cư” bà Luyến chi sẻ.

Ông Lê Văn Tòng (ngụ xã Đông Thắng, TP Cần Thơ) cho biết: Mặc dù gia đình ông chưa nhận được tiền giải phóng mặt bằng nhưng đã tự nguyện bàn giao mặt bằng trước cho địa phương. Tôi nghĩ nếu mình giao nhanh thì Nhà nước sớm khởi công, khởi công sớm chừng nào là tốt chừng đó.

Trong khi đó, Sở GTVT tỉnh Hậu Giang (chủ đầu tư) cho biết: Tính đến nay Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh đã chi trả bồi thường cho 764 hộ dân với số tiền hơn 515 tỉ đồng và đang tiếp tục chi trả cho các hộ còn lại trong những ngày tới. “Địa phương bàn giao hơn 202/260 ha diện tích mặt bằng phải thu hồi đất, đạt hơn 77%, hoàn thành sớm hơn và vượt khối lượng theo Nghị quyết 91 của Chính phủ”.

Ông Lê Văn Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh An Giang, cho biết dự án qua địa bàn có khoảng 1.530 hộ dân bị ảnh hưởng. Phấn đấu giải ngân bồi thường cho 1.020/1.530 hộ, với diện tích khoảng 315/391 ha, đạt tỉ lệ 80,7% mặt bằng cho dự án.

Động lực phát triển kinh tế vùng

Ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, cho biết: Bà con nhân dân ở trong vùng ảnh hưởng của dự án đồng tình nhất trí cao bởi đây là một dự án có quy mô lớn, có ý nghĩa rất quan trọng cho sự phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh, của các tỉnh, TP có dự án đi qua nói riêng, và của khu vực ĐBSCL nói chung.

Tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1, tạo động lực để phát triển kinh tế xã hội khu vực ĐBSCL. Ảnh Hữu Tuấn
Tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1, tạo động lực để phát triển kinh tế xã hội khu vực ĐBSCL. Ảnh Hữu Tuấn

“Dự án nhằm kết nối hệ thống giao thông, hình thành trục ngang trung tâm vùng ĐBSCL qua tỉnh An Giang, TP Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang và tỉnh Sóc Trăng, kết nối với các trục dọc, góp phần phát huy hiệu quả các dự án đã và đang đầu tư từ đó kết nối các trung tâm kinh tế, cửa khẩu quốc tế và cảng biển, đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang kinh tế Tây Bắc – Đông Nam; tạo động lực và không gian phát triển vùng ĐBSCL với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại; góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh, xóa đói giảm nghèo; nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, từng bước thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo Nghị quyết  hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII” ông Lâu khẳng định.

Chia sẻ niềm vui với phóng viên, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho hay: Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng giai đoạn 1 là một trong những “dự án quan trọng quốc gia”, mang tính liên vùng, có tác động lớn đối với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng – ninh khu vực ĐBSCL nói chung và tỉnh An Giang nói riêng.

“Thời gian tới, UBND tỉnh sẽ thực hiện tốt và đúng quy định các công việc như: bồi thường, giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tái định cư; lập, thẩm định và trình phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi; lập, thẩm định và trình phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu dự án; chuẩn bị nguồn và kế hoạch cung cấp vật liệu cho dự án; lập, trình thẩm định và phê duyệt thiết kế kỹ thuật dự toán; công tác lựa chọn nhà thầu” ông Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Trần Việt Tường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ khẳng định: Việc đầu tư xây dựng tuyến cao tốc này có ý nghĩa đặc biệt, mang tính cấp thiết; với mục tiêu liên kết vùng, mở rộng không gian, tạo thế và lực mới, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng vùng ĐBSCL theo tinh thần Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị.

 

Ngày 17/6, Dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Sóc Trăng - Cần Thơ giai đoạn 1 có tổng chiều dài 188,2km đi qua 4 tỉnh, thành: An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng. Tổng mức đầu tư 44.691 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và địa phương chính thức khởi công.

“Dự án quan trọng này được đầu tư thực hiện là điều kiện tiên quyết giúp TP Cần Thơ sớm hoàn thành nhiệm vụ đã được Bộ Chính trị giao tại Nghị quyết số 59-NQ/TW và Chính phủ giao tại Nghị quyết số 98/NQ-CP về xây dựng và phát triển TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045: với mục tiêu xây dựng TP Cần Thơ là TP sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc sông nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long, thuộc nhóm các TP phát triển khá ở Châu Á, trong đó thực hiện nhiệm vụ phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối nội vùng và liên vùng; là cơ sở để TP Cần Thơ phát huy vai trò trung tâm, động lực phát triển vùng, là đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và liên vận quốc tế” ông Tường nhấn mạnh.

Khẳng định tầm quan trọng của dự án cao tốc, ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết: Dự án có ý nghĩa rất quan trọng đối với vùng ĐBSCL. Khi hoàn thành đưa vào khai thác cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng sẽ đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang kinh tế Tây Bắc - Đông Nam. Qua đó, tạo ra không gian, nguồn lực mới phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đây là nền tảng để các tỉnh, TP trong khu vực kết nối với cảng biển quốc tế Trần Đề để xuất khẩu hàng hóa trực tiếp đi các nước trên thế giới.