Cao tốc Hà Nội–Hải Phòng triển khai thu phí không dừng toàn bộ theo cách nào?

Quý Nguyễn/giaothonghanoi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Là tuyến đường đầu tiên thí điểm thu phí không dừng (ETC) hoàn toàn, cao tốc Hà Nội – Hải Phòng đang đứng trước viễn cảnh sẽ trở thành hình mẫu của ETC trên cả nước.

Cao tốc Hà Nội–Hải Phòng triển khai thu phí không dừng toàn bộ theo cách nào? - Ảnh 1
 Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng sẽ triển khai ETC toàn bộ từ tháng 6/2022.

Hướng tới mục tiêu xóa bỏ barie tại các trạm thu phí

Cao tốc Hà Nội – Hải Phòng được Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) lựa chọn là nơi thí điểm triển khai ETC hoàn toàn. Đây là tuyến cao tốc do Bộ GTVT quản lý, có tuyến QL5 chạy song hành và cũng do VIDIFI quản lý thu phí. Theo đề xuất của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, việc triển khai thí điểm ETC hoàn toàn trên cao tốc Hà Nội – Hải Phòng sẽ bắt đầu từ 5/5/2022. Sau đó, Bộ GTVT quyết định dời lịch thí điểm sang tháng 6/2022.

Việc triển khai ETC toàn bộ sẽ đồng nghĩa với việc trên cao tốc chỉ cho phép phương tiện có đủ điều kiện tham gia dịch vụ thu phí điện tử không dừng được phép lưu thông. Từ đó tiến tới xóa bỏ hệ thống barie tại các trạm thu phí hay nói một cách khác là xóa bỏ hoàn toàn mọi hình thức thu phí thủ công, nhường chỗ cho ETC.

Đây là chủ trương quan trọng được Chính phủ nêu rõ trong Quyết định số 19/2020 cũng như theo tinh thần chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành về việc triển khai hệ thống thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng, Bộ GTVT có đủ thẩm quyền quyết định việc chỉ áp dụng hình thức thu phí điện tử không dừng trên tuyến cao tốc được lựa chọn.

Trước đó, Chính phủ giao Bộ GTVT nghiên cứu lựa chọn một số tuyến cao tốc tại mỗi vùng miền để triển khai thí điểm chỉ áp dụng hình thức thu phí điện tử không dừng. Theo đó, chỉ phục vụ phương tiện có đủ điều kiện tham gia dịch vụ thu phí điện tử không dừng.

Bộ GTVT, UBND các tỉnh, thành phố tuyên truyền, vận động, yêu cầu phương tiện giao thông trên địa bàn thuộc đối tượng thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ phải dán thẻ và sử dụng dịch vụ thu phí điện tử không dừng để lưu thông qua các trạm thu phí.

Chỉ đạo các nhà cung cấp dịch vụ tiếp tục cải thiện, đa dạng hóa hình thức nạp tiền, trả tiền để thuận tiện cho người sử dụng, đảm bảo đến tháng 6/2022 đạt tối thiểu 90% phương tiện giao thông thuộc đối tượng thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ được dán thẻ để sử dụng dịch vụ thu phí điện tử không dừng.

Chính phủ cũng chỉ đạo Bộ Công an chỉ đạo lực lượng CSGT tiếp tục phối hợp với các nhà đầu tư BOT, nhà cung cấp dịch vụ thu phí tăng cường công tác điều tiết giao thông; xử phạt nghiêm theo quy định của pháp luật đối với người điều khiển phương tiện không đủ điều kiện đi vào làn thu phí điện tử không dừng gây cản trở giao thông.

Cao tốc Hà Nội–Hải Phòng triển khai thu phí không dừng toàn bộ theo cách nào? - Ảnh 2
Hình thức thu phí thủ công sẽ bị xóa sổ trong tương lai gần. 

“Đòn bẩy” cho thu phí không dừng trên cả nước

Sau một thời gian triển khai, mới đây Bộ GTVT đã có  báo cáo Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội về thí điểm chỉ áp dụng ETC trên tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Trong báo cáo trên, Bộ GTVT cho biết sau khi nghiên cứu,  học tập kinh nghiệm các nước tiên tiến trên thế giới, cơ quan này  đã xây dựng lộ trình triển khai hệ thống thu phí ETC qua 3 giai đoạn.

Trong đó, giai đoạn 1 các trạm thu phí vẫn tồn tại có barrier. Tuy nhiên, barie sẽ mở cho xe đi qua trong trường hợp khi xe có thông tin thẻ dịch vụ hợp lệ, có đủ số dư tài khoản thu phí (vẫn tồn tại hình thức thu phí một dừng). Khi xe chưa gắn thẻ dịch vụ, hoặc có gắn thẻ dịch vụ nhưng không đủ số dư tài khoản thì hệ thống chuyển sang chế độ thu phí một dừng.

Giai đoạn 2 tại các trạm thu phí không còn barrier, chỉ duy trì các giải phân cách các làn. Các phương tiện lưu thông tự do theo làn qua trạm thu phí (không tồn tại hình thức thu phí một dừng). Cuối cùng, đến giai đoạn 3, tại  khu vực trạm thu phí chỉ còn duy trì giá long môn và các thiết bị thu phí gắn trên giá long môn. Các phương tiện lưu thông tự do đa làn qua khu vực trạm thu phí.

Bộ GTVT khẳng định, việc lựa chọn tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng để triển khai thí điểm đã được nghiên cứu kỹ, hạn chế tối đa ảnh hưởng tới phương án tài chính các dự án BOT, quyền đi lại của chủ phương tiện khi tuyến cao tốc có QL5 chạy song hành.  Cơ quan cho rằng, hiện tại hệ thống thu phí điện tử không dừng của Việt Nam đang dừng ở giai đoạn 1. Việc thí điểm thu phí không dừng là bước chuẩn bị cho chuyển lộ trình vận hành hệ thống thu phí không dừng từ giai đoạn 1 sang giai đoạn 2, tiến tới xây dựng hoàn thiện hệ thống đồng bộ, hiện đại trên toàn quốc.

Theo thống kê mới nhất của Bộ GTVT, hiện tỷ lệ phương tiện đã dán thẻ tại các tỉnh, thành phố tuyến đường cao tốc đi qua đạt trung bình 65%. Trong đó, chỉ tính từ khi có chủ trương thí điểm ETC hoàn toàn trên cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, tỉ lệ phương tiện dán thẻ ETC đã tăng lên 20%.  Cơ quan này tin tường, với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, việc thí điểm sẽ thành công, góp phần tăng tỷ lệ các phương tiện dán thẻ và tham gia dịch vụ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu trên 80% số lượng các phương tiện dán thẻ và tham gia dịch vụ trong năm 2022.

Bộ GTVT cho biết đến nay phương án tổ chức giao thông, phương án xử lý các tình huống sự cố khi triển khai ETC hoàn toàn trên cao tốc Hà Nội – Hải Phòng trong tháng 6 tới đã được thống nhất. Bên cạnh đó, hệ thống biển báo, chỉ dẫn từ xa đã được hoàn thiện cũng đã được hoàn thiện; tính năng cảnh báo số dư tài khoản cho các phương tiện trước khi đi vào tuyến cao tốc, hạn chế phương tiện không đủ điều kiện đi nhầm vào cao tốc đã được bổ sung. Vì thế, trong trường hợp phương  tiện không đủ điều kiện đi nhầm vào tuyến cao tốc sẽ có bộ phận hỗ trợ quay đầu xe hoặc dán thẻ ngay tại các trạm thu phí.

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần