Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cấp thiết hoàn thiện thể chế

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xây dựng, hoàn thiện thể chế được xác định là đầu tư cho phát triển bền vững, là “đòn bẩy” kiến tạo, tạo động lực phát triển, phát huy các nguồn lực.

Quan điểm đó một lần nữa được thể hiện qua phiên họp Chính phủ về chuyên đề pháp luật tháng 2. Nhiều Dự án Luật đã được Chính phủ bàn thảo để hoàn thiện, đồng thời yêu cầu giám sát, đôn đốc để luật có thể đi vào cuộc sống được đặt ra.

Thực tế có thể thấy, việc xây dựng và hoàn thiện thể chế luôn là vấn đề đặc biệt quan trọng được Quốc hội, Chính phủ và các địa phương quan tâm. Bởi nhiều nút thắt vẫn chưa được cởi gỡ dẫn đến những quy định trùng lắp, chồng chéo, thủ tục rườm rà, không rõ ràng. Chưa kể đến việc xây dựng chính sách đôi lúc vẫn chưa sát, chưa đón đầu được thực tiễn; việc tổ chức, theo dõi thi hành pháp luật đôi khi chưa được chú trọng, nên chính sách ban hành không biết đúng - sai thế nào, việc bị “tắc” là do quy định, do cách hiểu chưa đúng hay do khâu thực thi có khi vẫn chưa được trả lời.

Như Thủ tướng Chính phủ đã chỉ rõ, qua thực tiễn cho thấy, nhiều nút thắt cần phải tháo gỡ như một luật sửa nhiều luật, chuẩn bị một số luật liên quan đất đai, tài nguyên, khoáng sản, quản lý các mặt hàng quan trọng, thiết yếu, liên quan các cân đối lớn của nền kinh tế, ổn định vĩ mô... Qua thực tiễn của từng bộ, ngành, cơ quan, đơn vị, sau khi rà soát thấy vướng mắc gì cần sửa, phải sửa ngay, nhất là những vấn đề liên quan chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với lượng tiền bổ sung khoảng 350.000 tỷ đồng trong 2 năm, nếu có nút thắt thể chế gì cần để giải phóng nguồn lực, tạo hiệu quả thì qua kiểm tra, rà soát, các bộ, ngành cần tập trung làm một cách trọng tâm, trọng điểm.

Vừa qua, việc Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số quy định của 9 luật tại Kỳ họp bất thường đã cho thấy một hướng mới để sớm tháo gỡ kịp thời những nút thắt thể chế. Qua đó, hoàn thiện pháp luật nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội, nhất là trong điều kiện vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Đồng thời, để đáp ứng yêu cầu phát sinh từ thực tiễn liên quan tới hoạt động đầu tư, kinh doanh, quản trị DN; công tác bảo vệ an ninh mạng; thi hành án dân sự; thực hiện chính sách xã hội hóa đầu tư vào hệ thống truyền tải điện quốc gia; khuyến khích đầu tư sản xuất và sử dụng phương tiện giao thông thân thiện với môi trường…

Để đạt được yêu cầu, người đứng đầu Chính phủ đã đề nghị các Bộ trưởng, trưởng ngành phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng thể chế, bao gồm các luật liên quan ngành, lĩnh vực mình quản lý, xây dựng các Nghị định, Thông tư để bảo đảm đúng thời gian và chất lượng. Đã tập trung rồi thì tập trung cao hơn, thúc đẩy rồi thì thúc đẩy hơn, quyết tâm rồi thì quyết tâm cao hơn, tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc để các thể chế đi vào cuộc sống.

Nhiều quan điểm thì cho rằng, để giải quyết những điểm nghẽn, những nút thắt này, trước tiên cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng cường trách nhiệm của các cấp, các ngành, cá thể hóa trách nhiệm hơn nữa. Cùng với đó là phân bổ nguồn lực và nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác này, đặc biệt, thúc đẩy hành động phục vụ người dân, DN.

Không được để cho lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ "cài cắm" vào quá trình xây dựng luật. Chất lượng dự án luật phải phản ánh thực tế cuộc sống, đáp ứng yêu cầu kiến tạo, phát triển kinh tế - xã hội bền vững, đồng thời bảo đảm yêu cầu của các điều ước quốc tế. Cuộc sống không thể hiện trong các văn bản pháp luật thì pháp luật khó lòng đi vào cuộc sống.