Kinhtedothi - Tiếp tục rà soát lại hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành để sửa đổi, bổ sung hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung theo hướng cắt bỏ ngay những thủ tục hành chính không còn phù hợp, đảm bảo tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh, phù hợp với thông lệ quốc tế, nhưng vẫn đảm bảo quản lý Nhà nước.
Đây là nội dung tại Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan vừa được Văn phòng Chính phủ ban hành.
Cũng tại Thông báo này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành nhất là người đứng đầu phải nhận thức rõ trách nhiệm trong việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ, mục tiêu, giải pháp cải cách thủ tục hành chính được giao tại Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ. Lập kế hoạch, chương trình, nội dung và tiến độ cụ thể để thực hiện Nghị quyết.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
|
Bên cạnh đó, tăng cường sự phối hợp, trao đổi trực tiếp giữa các Bộ, ngành, đặc biệt là giữa những người đứng đầu để tháo gỡ, giải quyết kịp thời những vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, trường hợp không giải quyết được thì đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Để thực hiện hiệu quả Cơ chế một cửa quốc gia, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan đẩy nhanh kết nối chính thức giữa Cổng thông tin một cửa quốc gia với hệ thông thông tin của các Bộ, ngành theo kế hoạch, tiến độ đề ra.
Các Bộ, ngành đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin theo hướng thuê dịch vụ công nghệ thông tin; thực hiện chứng từ hồ sơ điện tử, không yêu cầu doanh nghiệp xuất trình bản giấy về kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; thực hiện chia sẻ, kết nối cơ sở dữ liệu với Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan); bổ sung quy định về phạm vi và số lượng các thủ tục hành chính tham gia cơ chế một cửa quốc gia.
Đồng thời, cần đẩy mạnh phát triển đại lý hải quan; huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư, trang bị máy móc, thiết bị phục vụ công tác kiểm tra, kiểm định hàng hóa xuất nhập khẩu và thực hiện một số dịch vụ công về hải quan.
Tăng cường vai trò kiểm tra, giám sát của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các Hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp và cơ quan báo chí.
Thủ tướng Chính phủ đồng ý về chủ trương thành lập Cục Kiểm định hải quan (trên cơ sở Trung tâm Phân tích, phân loại hàng hóa xuất nhập khẩu hiện nay) và Cục Quản lý rủi ro (trên cơ sở Ban Quản lý rủi ro hải quan hiện nay), đảm bảo nguyên tắc không tăng thêm biên chế. Giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ và cơ quan liên quan trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.