Cắt giảm rượu sẽ giúp ích nếu bạn bị rung nhĩ

BS Nguyễn Phú Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Rung tâm nhĩ (Atrial fibrillation - Afib) là một dạng nhịp tim không đều và thường rất nhanh (loạn nhịp tim) có thể dẫn đến cục máu đông trong tim.

Afib làm tăng nguy cơ đột quỵ, suy tim và các biến chứng liên quan đến tim khác. Trên thực tế, bạn càng uống nhiều rượu thì càng có nhiều khả năng phát triển nguy cơ rung nhĩ. Những bằng chứng cho thấy trực tiếp hoặc gián tiếp (rượu liên quan đến tăng cân và huyết áp cao hơn, cả hai đều liên quan đến afib), giảm uống rượu có thể sẽ có lợi.

Gần đây, một nghiên cứu về tác động của việc điều chỉnh lượng rượu ở những bệnh nhân đã biết Afib đã được công bố trên Tạp chí Y học New England. Những người tham gia nghiên cứu này phải uống một lượng rượu nhất định.

Sau khi tham gia nghiên cứu, các đối tượng được chỉ định ngẫu nhiên hoặc tiếp tục uống rượu như trước đây hoặc kiêng rượu trong 6 tháng. Tất cả những người tham gia nghiên cứu được yêu cầu gửi điện tâm đồ (EKG) hai lần mỗi ngày bằng ứng dụng điện thoại di động. Nghiên cứu quy mô nhỏ, chỉ 140 bệnh nhân, hầu hết đều là nam giới.

Những người được yêu cầu kiêng rượu đã giảm lượng tiêu thụ rượu của họ, với 61% trong số họ kiêng hoàn toàn rượu, và 15% khác giữ mức uống hai ly rượu trở xuống mỗi tuần. Nhìn chung, lượng rượu trong nhóm kiêng giảm từ mức trung bình gần 17 ly một tuần xuống chỉ 2 hai ly một tuần. Những bệnh nhân tiếp tục uống rượu như bình thường cũng giảm được phần nào, từ mức trung bình 16 ly mỗi tuần xuống còn trung bình 13 ly mỗi tuần.

Các nhà nghiên cứu muốn xem liệu Afib có ít xuất hiện hơn ở những bệnh nhân uống ít rượu hay không và trên thực tế cho thấy Afib ít có khả năng tái phát ở nhóm kiêng và khi nó xảy ra thì xuất hiện chậm hơn so với trường hợp ở nhóm đối chứng (những người tiếp tục uống rượu như bình thường).

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là nhóm kiêng cữ không có Afib. Hơn một nửa số bệnh nhân trong nhóm kiêng (chính xác là 53%) đã tái phát Afib. Nhưng con số đó thấp hơn đáng kể so với tỷ lệ tái phát 73% ở nhóm chứng.

Trên thực tế, hơn 70% số bệnh nhân đủ điều kiện tham gia nghiên cứu nhưng không sẵn lòng đăng ký tham gia vì họ không muốn ngừng uống rượu.

Nhưng đối với những bệnh nhân sẵn sàng giảm lượng rượu hoặc loại bỏ hoàn toàn, nghiên cứu này cho thấy kết quả là họ có thể có ít Afib hơn. Đó là bằng chứng thuyết phục để chúng ta nếu đang lỡ uống nhiều rượu và những thứ chứa cồn khác nên thay đổi lối sống, tìm đến thức uống khác lành mạnh hơn, như trà.

Bên cạnh liên quan đến rượu, rung nhĩ còn có thể do: Yếu tố di truyền (nguy cơ mắc rung nhĩ sẽ tăng cao hơn nếu có các thành viên trong gia đình mắc bệnh; lối sống kém lành mạnh (hút thuốc lá, lười vận động…); mắc một vài bệnh khác (tăng huyết áp, phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), thuyên tắc động mạch phổi, cường giáp, ngưng thở khi ngủ và béo phì); căng thẳng, lo lắng quá mức...

Những người có nguy cơ cao bị rung nhĩ cũng nên thực hiện chế độ ăn uống tốt cho tim mạch bằng cách hạn chế muối ăn và các thực phẩm giàu chất béo “xấu”. Tập thể dục thường xuyên cũng có thể giúp bạn kiểm soát huyết áp và nồng độ cholesterol.