Bộ GTVT đi đầu trong kết nối một cửa quốc gia
Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) là cơ quan đầu tiên Uỷ ban sẽ tiến hành làm việc liên quan tới đơn giản, chuẩn hoá hoá thủ tục hành chính và kết nối cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN nhằm triển khai Quyết định số 1254/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch thúc đẩy cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành với hàng xuất nhập khẩu.
Với Bộ GTVT, cơ quan quản lý các lĩnh vực hàng không, đường thuỷ nội địa, đường bộ, đăng kiểm, hàng hải và một phần logistics, Phó Thủ tướng cho rằng đều trực tiếp liên quan tới người dân và doanh nghiệp, trong nước quốc tế, nên việc thực hiện các thủ tục hành chính qua cơ chế một cửa có ý nghĩa rất lớn trong giảm thời gian và chi phí tuân thủ của xã hội.
Thực tế, Bộ GTVT là Bộ luôn đi đầu trong kết nối với một cửa quốc gia, một cửa ASEAN. Bốn năm trước, Bộ GTVT là Bộ đầu tiên tham gia Cơ chế 1 cửa quốc gia, cung cấp 12 thủ tục hành chính của lĩnh vực hàng hải, đường thuỷ nội địa trong giai đoạn thí điểm 2014- 2017.
Theo Tổng cục Hải quan, tới hết năm 2017, số hồ sơ của Bộ GTVT chiếm 25,34% tổng số hồ sơ và số doanh nghiệp chiếm 38,58% tổng số doanh nghiệp tham gia cơ chế một cửa quốc gia.
Theo Quyết định số 2185/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành cuối năm 2016, Bộ sẽ triển khai tiếp 75 thủ tục hành chính qua cơ chế một cửa từ năm 2018 - 2020. Tuy nhiên tới nay, Bộ GTVT đã hoàn thành xây dựng và đưa vào sử dụng 70 thủ tục hành chính. Dự kiến tới hết tháng 11/2018, Bộ sẽ hoàn thành nốt 5 thủ tục lĩnh vực đường bộ, hoàn thành 100% thủ tục của cả giai đoạn 2018 - 2020.
Đánh giá cao nỗ lực và hiệu quả công tác của Bộ GTVT, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng các cơ quan thuộc Bộ đã có chung nhận thức và đồng lòng triển khai một cửa quốc gia, một cửa ASEAN, đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong thông quan hàng hoá, đi lại, giảm thiểu chi phí cho xã hội. Chính vì vậy, những kết quả của Bộ GTVT cũng là tốt nhất trong tất cả các Bộ, ngành.
Chủ tịch Uỷ ban đề nghị các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục nâng cao nhận thức trong triển khai đơn giản hoá, kết nối thủ tục hành chính về hàng hoá, phương tiện, con người thực hiện xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh với một cửa quốc gia dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến cấp độ 1, hoàn thành 100% các thủ tục này vào năm 2020, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Cùng với kết nối với một cửa quốc gia, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng cho rằng các bộ, ngành phải thực hiện thực chất việc cắt giảm thủ tục hành chính nhằm bảo đảm mục tiêu tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân nhưng vẫn bảo đảm được sự quản lý của nhà nước.
Cũng trên cơ sở xem xét kỹ lưỡng việc cắt giảm thủ tục hành chính, Phó Thủ tướng cho rằng cần loại bỏ dần việc “tiền kiểm” hàng hoá sang “hậu kiểm” dựa trên các nguyên tắc quản trị rủi ro.
Tiếp tục quán triệt tinh thần cắt giảm
Tiếp đó, vào chiều cùng ngày, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã làm việc với Bộ Y tế.
Phó Thủ tướng đánh giá Bộ Y tế là một trong những cơ quan tích cực thực hiện cắt giảm thủ tục hành chính, điều hành hiệu quả việc quản lý giá vật tư y tế, dịch vụ khám chữa bệnh, góp phần giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Bộ Y tế đã cắt giảm 72,85% các điều kiện kinh doanh, so với mục tiêu cắt giảm 50% được Chính phủ giao.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường, thực hiện Quyết định số 1254/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch thúc đẩy cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành với hàng xuất nhập khẩu, trong năm 2018, Bộ Y tế tiếp tục duy trì hoạt động ổn định, hiệu quả với 4 nhóm thủ tục hành chính đã thực hiện cơ chế một cửa quốc gia trong lĩnh vực dược, an toàn thực phẩm, trang thiết bị y tế.
Tuy nhiên đến hết năm nay, Bộ Y tế chỉ kết nối được 17 thủ tục hành chính lên một cửa quốc gia ở các lĩnh vực thiết bị y tế và dược, còn 6 thủ tục còn lại liên quan tới môi trường y tế và an toàn thực phẩm thì trong tháng 1/2019 mới được hoàn thành, chậm 1 tháng so với quy định.
Về cắt giảm mặt hàng thuộc danh mục hàng hoá kiểm tra chuyên ngành, Thứ trưởng Trương Quốc Cường cho biết tới nay 98% các lô hàng thực phẩm nhập khẩu là đối tượng quản lý của Bộ Y tế sẽ không phải kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu mà thực hiện hậu kiểm khi tiêu thụ trên thị trường.
Tính trên lô hàng nhập khẩu thì 95% số lô hàng đã được cắt giảm kiểm tra chuyên ngành, chỉ còn lại 5% số lô hàng phải kiểm tra, trong khi chỉ đạo của Phó Thủ tướng tại Thông báo số 50/TB-VPCP ban hành đầu năm 2018 là loại bỏ 50% số dòng hàng thuộc danh mục kiểm tra chuyên ngành.
Đại diện Bộ NN&PTNT cho biết Bộ này và Bộ Y tế đã cơ bản bỏ kiểm tra chuyên ngành đối với các mặt hàng có sự quản lý chồng chéo giữa hai bên.
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, Bộ Y tế triển khai kết nối các thủ tục với cơ chế một cửa quốc gia còn khá chậm, mới chỉ kết nối được 4/5 nhóm thủ tục hành chính. Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế và các bộ kết nối các thủ tục hành chính lên cơ chế một cửa quốc gia đúng tiến độ, đồng thời duy trì và tiếp tục nâng cao hiệu quả thực hiện các thủ tục.
Bộ Y tế tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ mà Chính phủ, Uỷ ban đã đặt ra với Bộ trong kiểm tra chuyên ngành, bảo vệ quyền lợi chính đáng các tổ chức, cá nhân khác, tạo thuận lợi thương mại nhưng phải bảo đảm ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, nhất là các lĩnh vực liên quan tới sức khoẻ của người dân mà Bộ Y tế quản lý.
“Tiếp tục quán triệt tinh thần cắt giảm và không ban hành thủ tục hành chính không cần thiết, không phục vụ cho mục tiêu quản lý nhà nước và làm nặng gánh cho doanh nghiệp, đẩy mạnh hậu kiểm thay vì tiềm kiểm”, Phó Thủ tướng nêu rõ.