Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Câu chuyện “ép” học sinh không thi 10 và trách nhiệm của các bên

Quý Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Hai ngày nay, một số phụ huynh có con học tại Trường THCS Kim Giang, quận Thanh Xuân (Hà Nội) phản ánh việc con họ bị "ép" không nên thi vào các trường THPT công lập trong trạng thái đầy bức xúc. Nhân câu chuyện này, nhiều bạn đọc đã lên tiếng và chia sẻ.

Tất cả học sinh đủ điều kiện xét tốt nghiệp lớp 9 đều được quyền đăng ký tham dự kỳ thi vào lớp 10
Tất cả học sinh đủ điều kiện xét tốt nghiệp lớp 9 đều được quyền đăng ký tham dự kỳ thi vào lớp 10

Giáo viên chỉ nên “trao đổi”, không nên “tư vấn”

Bày tỏ trên mạng xã hội về hiện tượng trên, chị Hoa Đỗ, phụ huynh tại Hà Nội thảng thốt: “Sao giờ các con đi học nhiều áp lực thế! Chỉ học thôi còn chưa xong lại còn ngày nào cũng tra tấn bằng việc "Con không thi đỗ vào lớp 10 trường công đâu, học mấy trường chỉ nhận xét tuyển học bạ thôi cho nó an toàn!".

Theo chị Hoa, thi lớp 10 là quyền lợi của tất cả học sinh sau tốt nghiệp THCS và là kỳ thi do nhà nước tổ chức, học sinh không phải đóng phí. Sau quá trình học 9 năm, mỗi học sinh đều có quyền được trải nghiệm, được tham gia kỳ thi này. Con thi đỗ vào lớp 10 trường công hay không thì chưa nói nhưng phải để con cọ sát với các kỳ thi thì mới hiểu tầm quan trọng của việc học. Nếu học sinh có lý trí, tự khắc sẽ vượt qua được còn không, bố mẹ cũng nhìn vào đó để biết con mình tới đâu để mà định hướng. Không thể ngay từ đầu đã mặc định đứa trẻ đó "bỏ đi" được.

Bạn đọc Ngô Việt Anh chia sẻ, anh đã từng bị giáo viên cấp 2 “ép” không thi lên lớp 10 nhưng bố mẹ anh vẫn quyết định làm hồ sơ để con thi. Kết quả là, anh đã thi đỗ và giờ làm giáo viên.  Anh Việt Anh cho rằng, việc “ép” các học sinh không thi lớp 10 là tàn nhẫn, là gián tiếp hủy đi ước mơ của học trò. Không có học sinh yếu kém mà chỉ có giáo viên chưa hoàn thành tốt công việc của mình.

Còn chị Nguyễn Thu Hải, một phụ huynh từng có con được cô giáo chủ nhiệm gọi lên tư vấn không nên dự thi lớp 10 vì sức học của con khó đỗ công lập kể: “Tôi vốn biết sức học con mình không tốt. Nghe cô nói vậy, tôi rất buồn và băn khoăn nhưng không dám tự quyết theo ý mình vì con tôi đã lớn. Trước khi đến gặp cô giáo, tôi đã hỏi ý kiến của con và biết rằng con muốn đi thi. Đó là nguyện vọng, là quyền lợi của con và tôi tôn trọng điều này. Khi đến gặp cô giáo chủ nhiệm, tôi cảm ơn lời khuyên của cô nhưng chị xin phép từ chối nghe theo lời cô nói”.

“Tôi quyết định và quyết tâm và dứt khoát đăng ký cho con tôi đi thi vì đó là quyền lợi của con. Nếu con thi mà trượt, con và gia đình sẽ chịu trách nhiêm về kết quả đó; đồng thời tự tìm phương án học loại hình trường khác nếu có nhu cầu. Gia đình không trách móc gì cô nếu kết quả thi của con không được như mong muốn”- chị Hải cho biết.

Sau buổi gặp gỡ đó, về nhà, chị Hải nghiêm túc nói chuyện với con; rằng nếu con muốn có kết quả tốt trong kỳ thi, không có cách nào khác là phải nỗ lực hết mình để có kiến thức tốt nhất. Con cũng phần nào nhận ra và đã rất cố gắng. Kết quả, kỳ thi vào lớp 10 năm đó, con đỗ nguyện vọng 3 vào một trường THPT công lập.

Cũng chia sẻ lại câu chuyện của mình, em Nguyễn Văn Nam, học sinh lớp 11 tại một trường THPT công lập hồi tưởng: “Năm đó, từ cô chủ nhiệm đến thầy cô bộ môn ở trường đều bảo em không đỗ được cấp 3 đâu, thi làm gì cho mất công, mất thời gian, chẳng thà nộp hồ sơ đi học nghề. Tuy vậy, có hai cô giáo lại động viên em không nên bỏ cuộc mà hãy cố gắng hết khả năng để thi. Lời động viên của hai cô khiến em suy nghĩ. Em đã gạt mặc cảm, gạt sự chối bỏ niềm tin của số đông thầy cô giáo và nghe theo lời khuyên chân tình của thiểu số còn lại. Năm đó, em chẳng những đỗ cấp 3 mà sau còn thi được vào lớp chọn. Tất nhiên, nguyên nhân một phần do điểm chuẩn của trường em không cao”.

Từ trải nghiệm bản thân, các bạn đọc là phụ huynh, học sinh đều cho rằng, chủ trương phân luồng của nhà trường là đúng. Tuy nhiên, phụ huynh chỉ nên trao đổi với phụ huynh về lực học, điểm số, quá trình học tập của con để phụ huynh nắm được cũng như đưa ra các loại hình trường mà học sinh có thể lựa chọn theo học; còn lại, lựa chọn thế nào là tùy phụ huynh.

Phụ huynh cần mạnh mẽ, quyết liệt

Trước việc nhiều năm, tình trạng “ép” học sinh không thi 10 bị phản ánh gây dư luận không tốt, chị Thu Hải nêu ý kiến: “Thầy cô đừng nên dùng lời lẽ gây tổn thương phụ huynh, học sinh; rằng “thi chắc chắn sẽ trượt” hoặc “cố tình thi sẽ không được tạo điều kiện có học bạ đẹp để được xét tốt nghiệp”. Nếu thực sự học sinh không đủ điều kiện xét tốt nghiệp, thầy cô hãy trao đổi riêng với cha mẹ. Hãy để cha mẹ được bày tỏ suy nghĩ, quyết định của mình. Nếu điểm của các con không cao nhưng vẫn đủ điều kiện xét tốt nghiệp thì hãy động viên con đi thi”.

Phụ huynh luôn muốn Bất cứ phụ huynh nào có con học lớp 9 đều mong muốn các quyền lợi chính đáng của con được đảm bảo (Ảnh chụp bên ngoài khu vực thi lớp 10 năm 2022)
Phụ huynh luôn muốn mọi quyền lợi chính đáng của con được đảm bảo (Ảnh chụp bên ngoài khu vực thi lớp 10 năm 2022)

“Tôi thấy rằng, không phải ngẫu nhiên mà đến hẹn lại lên phụ huynh lại bức xúc về vấn đề phân luồng sau lớp 9. Phía phụ huynh thì nói giáo viên chủ nhiệm “ép” không cho con thi; muốn có học bạ đẹp thì phải ký vào đơn tự nguyện không thi. Ngược lại, giáo viên và nhà trường lại cho rằng, không có chuyện “ép” học sinh không thi, không ai có quyền “ép” học sinh, giáo viên chỉ “tư vấn” và việc phụ huynh bức xúc là do “hiểu nhầm, hiểu sai” ý giáo viên.

Không thể nói phụ huynh hiểu sai hay hiểu nhầm. Lời lẽ của cô giáo, lý luận và thái độ của cô thực sự dồn phụ huynh và học sinh đến một lựa chọn là “không thi”. Phụ huynh không thể tự nghĩ ra phương án không thi, càng không có chuyện phụ huynh tự soạn đơn rồi ký. Kể cả trường hợp học tư thục hay học nghề thì trong suy nghĩ của đa số phụ huynh là con phải thi kỳ thi lớp 10 đã rồi mới tính”- bạn đọc Nguyễn Thị Phương thẳng thắn.

Theo chị Phương, nhìn nhận khách quan sẽ thấy, trong số học sinh bị phân luồng, có những phụ huynh tự nguyện cho con đi học trường tư, trường nghề và cảm ơn cô giáo đã tận tình tư vấn. Cũng có phụ huynh không cần cô giáo khuyên nhủ, họ đã chủ động phương án của mình. Họ biết, xã hội rất rộng mở và có nhiều cơ hội học tập ngoài hình thức công lập. Họ không nặng nề phải thi đỗ hay phải học trường công.

Chị Phương cũng cho rằng, các thầy cô cứ làm đúng bổn phận của mình, đó là thông tin, giới thiệu các loại hình trường có đào tạo chương trình THPT; trao đổi về điểm số, sức học của con để phụ huynh tự lựa chọn, tự quyết định chứ tuyệt đối không định hướng, phân luồng, ép buộc việc “không được thi”. Như vậy, sẽ chẳng có điều tiếng, bức xúc hay lùm xùm về vấn đề này.

Với chị Thu Hải thì trong việc này, chính phụ huynh cùng cần nhìn lại. Khi phụ huynh bị cô giáo tư vấn “không nên cho con thi”, bố mẹ cần có thái độ rõ ràng, dứt khoát để trả lời cô giáo là "tôi muốn con thi" bởi suy cho cùng, người đưa ra quyết định vẫn là phụ huynh và người chịu trách nhiệm cũng là phụ huynh và con của họ.

 

Trước thông tin phản ánh của dư luận xã hội về vấn đề trên, chiều 26/4, Sở GD&ĐT đã có văn bản yêu cầu Trưởng phòng GD&ĐT các quận, huyện, thị xã rà soát, kiểm tra, xác minh và xử lý nghiêm (nếu có tình trạng nêu trên); đồng thời quán triệt, chỉ đạo bằng văn bản tới tất cả các trường THCS trên địa bàn chấm dứt ngay việc vận động, tuyên truyền học sinh không đăng ký tham dự Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 các trường THPT năm học 2023-2024 và các năm tiếp theo (nếu có). 

Việc học tập và đăng ký nguyện vọng tuyển sinh vào các trường THPT là quyền, nhu cầu của học sinh và cha mẹ học sinh. Công tác phân luồng sau cấp THCS, các nhà trường phải định hướng cho học sinh rõ để có sự lựa chọn phù hợp, không mang tính ép buộc. 

Sở GD&ĐT đề nghị các Trưởng phòng GD&ĐT các quận, huyện, thị xã và Hiệu trưởng các trường THCS trên địa bàn chịu trách nhiệm trước Sở GD&ĐT, UBND các quận, huyện, thị xã nếu để xảy ra hiện tượng trên và khẩn trương tổng hợp, báo cáo bằng văn bản về Sở GD&ĐT.