Câu chuyện không muốn kể

Phương Cát
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chị thao thức không ngủ được khi nghe câu chuyện của bạn mình, rằng cô ấy bị chồng say rượu đuổi ra khỏi nhà giữa đêm giá lạnh. Chị không nghĩ, một người hiền lành như bạn mình mà lại lâm vào hoàn cảnh tồi tệ như vậy.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Đêm đó, trời khá lạnh. Chị đi ngủ sớm, sau khi nhắc hai đứa con: “Học xong, tắt đèn ngủ. Ngày mai đi học nhớ mặc thêm áo ấm. Nhớ ăn sáng đấy”.

Ngày mai thức dậy, chị nhận được cuộc điện thoại. Người bạn của chị giọng chìm trong nước mắt kể rằng, tối qua lúc 10 giờ, chồng của cô ấy đi uống rượu đâu về thì sinh sự, lời qua tiếng lại với vợ. Anh ta dọa đánh vợ rồi lôi cô ấy ra khỏi cổng, khóa cửa lại. Người vợ đành đi tìm nhà họ hàng xin ngủ nhờ qua đêm. Về đến nhà, người vợ mới biết mấy chục triệu đồng dành dụm gần cả năm trời không cánh mà bay.

Cô nức nở: “Chồng tôi lúc nào biết tôi có tiền cũng say rượu và đuổi tôi ra khỏi nhà để trộm tiền. Mấy lần rồi”. Cô nói: “Tôi không dám báo cho thôn, xã hay công an gì cả… Xấu hổ lắm. Hơn nữa trong đêm cũng không biết đi đâu mà kêu”.

Chị nói với bạn: “Nếu chồng cô lại đánh đuổi nữa thì sao? Mình xấu hổ thì sẽ còn khổ nữa”.

Cô bạn hồi học cùng lớp khá xinh xắn và nhí nhảnh, miệng lúc nào cũng cười. Cô sống khá thân thiện với mọi người. Học xong cấp 2 thì cô nghỉ học, chủ yếu là phụ bố mẹ công việc đồng áng. Rồi cô lấy chồng sớm, khi vừa qua tuổi 20. Chồng cô là thợ xây, sống chân chất, hiền hậu. Chồng cô cũng chỉ học hết cấp 2 nhưng bù lại anh sáng dạ và khéo tay. Tuổi còn trẻ, nhưng anh đã làm thợ chính chỉ sau vài ba năm làm thợ phụ, trước đó có phụ hồ một thời gian ngắn.

Cuộc sống gia đình tuy không giàu có nhưng không đến nỗi thiếu thốn. Họ cất được căn nhà nhỏ trên đất của bố mẹ chồng chia cho. Chị vừa làm ruộng, làm vườn, buôn bán linh tinh; chồng công việc thu nhập khá vì thời nay việc nhiều nhưng thợ ít. Họ lần lượt sinh được hai đứa con kháu khỉnh, một trai, một gái.

Cuộc sống gia đình lao động này tưởng trôi qua êm ả, bình lặng thì anh chồng đổ đốn mê rượu chè, cờ bạc… Đặc biệt, anh rất thích chơi lô đề vì nghĩ đi làm thuê không thể giàu được, chỉ có cờ bạc may ra mới có thể đổi đời.

Thời gian đầu bài bạc, anh chưa uống rượu, nhưng sau đó vì thua nên buồn, mà buồn thì kiếm cái gì đó để giải sầu.

Lúc đầu, anh còn chơi trong chừng mực, nghĩa là bớt đi một khoản thu nhập để chơi. Sau đó, anh càng chơi càng ham; thắng thì phấn chấn chơi tiếp, thua thì chơi để gỡ. Anh bắt đầu chơi vượt quá khả năng chi trả và dẫn đến ăn trộm tiền của vợ. Để đỡ ngượng, anh uống rượu say rồi sinh sự với vợ, đuổi vợ ra khỏi nhà, cuỗm hết tiền vợ có cất giấu trong tủ.

Anh ngày càng bệ rạc trong mắt mọi người. Trước đây, gặp ai anh cũng chào, khuôn mặt thì đen nhẻm nhưng nụ cười rạng rỡ, trắng xóa. Nay gặp ai, anh cũng lấm la, lấm lét, hỏi nhiều khi không trả lời.

Cô bạn nói: “Không ngờ số tôi khổ thế. Không hiểu tại sao lại xảy ra nông nỗi vậy? Tôi đâu không biết chăm sóc anh ấy, cũng không bao giờ kêu ca về chuyện thiếu thốn tiền bạc”.

Chị thì nghĩ rằng: Nguyên nhân sâu xa là tệ nạn bài bạc, trong đó có lô đề, vẫn tồn tại lẩn khuất trong ngõ làng thôn xóm. Tệ cờ bạc (đúng hơn là những kẻ tổ chức cờ bạc) cám dỗ những người lao động lương thiện ham nhanh giàu lao vào cuộc đỏ đen.

Bên cạnh đó, những người vợ/chồng như bạn chị đã không kiên quyết ngăn cản chồng/vợ ngay từ đầu. Giá như khi biết chồng mon men chơi cờ bạc, lô đề, cô vợ phản đối quyết liệt, nhờ gia đình hai bên, chính quyền thôn… để ngăn cản thì sự việc không dẫn đến hoàn cảnh tồi tệ như vậy…

Giá như chị và những người hàng xóm hỗ trợ bạn mình kịp thời, ngay từ đầu, lên tiếng góp ý cho người chồng. “Giá như…”, chị nghĩ miên man.