Câu chuyện thăng hạng và nỗi trăn trở về lương giáo viên

Quý Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Nhiều ngày qua, kiến nghị về thăng hạng giáo viên làm nóng nhiều diễn đàn truyền thông xã hội. Trước sự việc hàng nghìn giáo viên đề đạt nguyện vọng về chuyển đổi hình thức, giảm điều kiện thăng hạng, các chuyên gia cho rằng, sâu sa của vấn đề nằm ở cơ chế tiền lương cho giáo viên.

Nhẹ nỗi lo về thăng hạng

Khi Bộ GD&ĐT lên tiếng giải đáp thắc mắc về những vấn đề trong quá trình triển khai thực hiện Thông tư số 08, cộng đồng giáo viên trên cả nước đều bày tỏ niềm vui mừng khi tâm tư đè nặng lên họ nhiều năm qua đã được trút bỏ.

Với giải thích từ Bộ GD&ĐT, có một số nội dung đã được làm rõ. Thứ nhất, Bộ GD&ĐT thống nhất bỏ hình thức thi thăng hạng giáo viên. Thứ hai, Bộ không quy định điều kiện về trình độ đào tạo là đại học đối với tổng thời gian giữ hạng.

Cụ thể: Thông tư số 08 quy định thời gian giữ hạng IV cũ và III cũ được xác định tương đương với thời gian giữ hạng III mới từ thời điểm giáo viên đạt trình độ chuẩn được đào tạo theo quy định của cấp học.

Khi giáo viên tiểu học, THCS đạt trình độ chuẩn được đào tạo của cấp học (là trình độ đại học), thời gian giữ các hạng cũ trước đây (bao gồm cả các thời gian tương đương khác) được xác định là tương đương với thời gian giữ hạng III mới.

Chế độ chính sách cho giáo viên là vấn đề thu hút được sự quan tâm của dư luận
Chế độ chính sách cho giáo viên là vấn đề thu hút được sự quan tâm của dư luận

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà khẳng định, thời gian tới sẽ bỏ thi và chỉ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức để trả lương theo vị trí việc làm.

Bộ Nội vụ lý giải, việc tổ chức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp chưa thật sự gắn với yêu cầu nâng cao chất lượng đội ngũ viên chức; nội dung thi thăng hạng còn hình thức, chưa sát với vị trí việc làm và đặc thù công việc của từng chức danh nghề nghiệp dẫn tới không đạt mục tiêu nâng cao chất lượng đội ngũ của việc thăng hạng.

Ngoài ra, hệ thống vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp, bản mô tả và khung năng lực vị trí việc làm của viên chức chưa được hoàn thiện đã dẫn đến thực trạng là viên chức trước và sau khi được thăng hạng không có sự thay đổi về công việc và chất lượng thực hiện nhiệm vụ. Việc thăng hạng hiện nay chủ yếu để giải quyết chế độ tiền lương và thu nhập.

Theo thống kê sơ bộ trên cơ sở dữ liệu ngành, trong năm học qua, mặc dù các địa phương đã triển khai công tác tuyển dụng giáo viên theo chỉ tiêu biên chế được giao nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu giảng dạy trong các cơ sở giáo dục. Tỉ lệ giáo viên/lớp ở các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập trên cả nước (chỉ tính giáo viên trong biên chế) còn thấp hơn so với quy định.

Hiện nay, cả nước còn thiếu 118.253 giáo viên (từ bậc mầm non đến THPT), số giáo viên thiếu tăng thêm 11.308 người so với năm học trước.

Tình trạng thừa, thiếu giáo viên còn diễn ra phổ biến tại nhiều địa phương, nhất là giáo viên dạy các môn học mới (Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật) nhưng chậm được khắc phục. Trong khi đó, chỉ tiêu phân bổ giáo viên cho các địa phương đa số thấp hơn so với nhu cầu thực tế.

Nhận định về nguyên nhân chủ yếu của tình trạng thiếu giáo viên, Bộ GD&ĐT cho rằng do công tác quy hoạch, dự báo nhu cầu giáo viên chưa sát, không theo kịp thực tế; biến động dân số, dịch chuyển lao động giữa các vùng miền với số lượng lớn và không có quy luật.

Trong khi đó, làn sóng giáo viên nghỉ việc có vẻ vẫn chưa dừng lại. Tính riêng năm học vừa qua, cả nước 9.295 giáo viên nghỉ việc. Hiện việc tuyển dụng giáo viên phổ thông ở các địa phương còn bất cập, chưa kịp thời do thiếu nguồn tuyển. Một nguyên nhân nữa là do thiếu cơ chế thu hút và giữ giáo viên gắn bó với nghề, lương giáo viên mới được tuyển dụng còn thấp.

Phải có cơ chế tiền lương thỏa đáng

Ths Trương Quốc Việt, giảng viên Học viện Hành chính quốc gia bày tỏ: “Gốc rễ kiến nghị của hàng nghìn nhà giáo thời gian gần đây không phải là thi thăng hạng, mà là việc nhà nước cần trả lương cho giáo viên tương xứng với giá trị sức lao động mà họ bỏ ra và phù hợp với sự cạnh tranh của khu vực tư nhân. Hiện thu nhập của giáo viên vẫn rất thấp, trong khi xã hội vận động, phát triển rất nhanh. Nếu không được trả đồng lương và chế độ đãi ngộ xứng đáng, sẽ khó ai còn mặn mà với nghề giáo; điều này gây hậu quả lớn cho thế hệ con cháu của chúng ta”.

Giáo viên mong muốn được trả lương xứng đáng với sức lao động
Giáo viên mong muốn được trả lương tương xứng với giá trị sức lao động

Tại Hội thảo “Truyền thống tôn sư trọng đạo trong dòng chảy Văn hóa Việt” do Hội Cựu giáo chức Việt Nam, Viện Nghiên cứu hợp tác phát triển Giáo dục, Trường THPT Đông Đô và Trung tâm Sáng tạo Việt phối hợp tổ chức, các đại biểu đã nhất trí gửi tới Quốc hội, Ủy ban Văn hóa - Giáo dục, Ban Tuyên giáo TƯ, Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam, Bộ GD&ĐT, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ 6 nội dung kiến nghị, trong đó nhấn mạnh việc sớm tăng lương cơ sở và nâng mức lương khởi điểm cho giáo viên để thu hút sinh viên mới tốt nghiệp vào ngành giáo dục. Hơn nữa, cần thực hiện chương trình xây dựng nhà ở công vụ cho cán bộ giáo viên vùng sâu, vùng xa và dành tỉ lệ hợp lý nhà ở xã hội cho giáo viên cơ hữu các trường ngoài công lập để ổn định cuộc sống.

Trong khuôn khổ Hội nghị góp ý về triển khai thực hiện chương trình sách giáo khoa phổ thông 2018 diễn ra ngày 2/8, Nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan thẳng thắn: “Nói thật, lương thế này thì chẳng ai muốn làm nhà giáo. Giáo viên áp lực quá, cùng một lúc phải tinh giản biên chế, vừa đánh giá lại năng lực, nâng cao năng lực, vừa chính sách tiền lương không phù hợp. Lương giáo viên mấy triệu bạc làm sao đủ sống, phải dạy thêm, làm đủ thứ…”.

“Tại sao Quốc hội không nghiên cứu bảng lương của ngành giáo dục? Cần phải có chính sách tiền lương, thông qua bảng lương riêng cho nhà giáo, bởi cứ như thế này thì nhà giáo không đủ điều kiện để theo nghề. Bởi từ đông tây kim cổ đến giờ, không có một quốc gia nào đi lên mà không xuất phát từ giáo dục”…- Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đề xuất.

Quan tâm đến đời sống giáo viên và vấn đề tăng chế độ, tăng lương, tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên... cũng nhiều lần được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đề đạt tại nghị trường quốc hội, cũng như nhiều cuộc họp quan trọng với các bộ, ngành; trong đó có việc Bộ GD&ĐT đang phối hợp Bộ LĐTB&XH xem xét đưa giáo viên mầm non vào nhóm ngành nghề nặng nhọc, độc hại.

“Tôi rất mong muốn đời sống, thu nhập của người thầy được cải thiện; trình độ của người thầy tiếp tục được nâng cao tương ứng với yêu cầu thời đại…”- người đứng đầu ngành giáo dục giãi bày.