Những hố sâu bỏ hoang, đất đai bạc màu và môi trường bị tàn phá là hệ quả của việc giám sát yếu kém và trách nhiệm bị lãng quên.
Quy định rõ trách nhiệm nhưng thực thi yếu
Hoàn nguyên môi trường sau khai thác mỏ khoáng sản là nội dung đã được luật hóa trong các văn bản quy phạm pháp luật ở nước ta, nhằm quản lý khai thác và bảo vệ tài nguyên khoáng sản. Trong đó nổi bật là Luật Khoáng sản 2010. Luật này quy định DN khai thác phải ký quỹ cải tạo môi trường trước khi bắt đầu dự án, nhằm bảo đảm khả năng hoàn thổ sau khi kết thúc khai thác. Các địa phương cũng chịu trách nhiệm giám sát việc thực hiện hoàn nguyên. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm vẫn phổ biến. Theo báo cáo của Bộ TN&MT, nhiều DN sau khi khai thác hết trữ lượng đã trốn tránh trách nhiệm hoàn nguyên, để lại những hố sâu nguy hiểm, gây sạt lở và ô nhiễm nguồn nước.
Nhắc đến câu chuyện bỏ quên hoàn nguyên mỏ sau khai thác, chúng ta có thể dễ dàng liệt kê ra rất nhiều trường hợp điển hình. Từ các mỏ kim loại màu tại tỉnh Bắc Kạn đến các mỏ khai thác đất sét, đá vôi, silic… tại các tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh. Hay như các mỏ đá tại tỉnh Hòa Bình, Hà Giang, Lạng Sơn…; thậm chí là tại Hà Nội, câu chuyện về mỏ đá tại xã Phú Mãn, huyện Quốc Oai, đã bỏ quên hoàn nguyên sau khai thác, cũng từng là chủ đề làm nóng dư luận một thời. Mỗi khi một mỏ khoáng sản nào hết thời hạn khai thác, DN bỏ đi, thứ gì còn lại chẳng khác gì một “bãi chiến trường” với những hố sâu hun hút, những khoảng đất bị đào bới nham nhở, những vụng nước rộng mênh mông không ai dám lại gần. Có thể nói, vùng đất mỏ sau khai thác chẳng khác nào một vùng đất "chết”, chẳng những không thể canh tác, sử dụng mà còn như những chiếc bẫy khổng lồ sẵn sàng “nuốt chửng” bất cứ ai vô tình sa chân vào.
Theo các chuyên gia, quy định pháp luật hiện tại vẫn chưa đủ ràng buộc, chưa có chế tài nghiêm khắc để xử lý các DN cố tình chây ì. Bên cạnh đó, việc giám sát cũng lỏng lẻo, phụ thuộc nhiều vào ý thức của DN hơn là cơ chế pháp lý mạnh mẽ. Hệ quả, hàng loạt khu vực khai thác khoáng sản trở thành các vùng đất "chết". Tại Quảng Ninh, nhiều mỏ than bỏ hoang không được hoàn thổ đã biến thành những hồ nước sâu hàng chục mét, gây nguy hiểm cho người dân địa phương. Ở Nghệ An, các mỏ đá vôi chưa hoàn nguyên tạo ra tình trạng sạt lở đất, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái và nguồn sống của người dân. Không chỉ gây tổn hại đến cảnh quan và sinh thái, việc không hoàn thổ còn làm giảm giá trị sử dụng đất sau khai thác. Những khu vực này rất khó phục hồi để sử dụng cho nông nghiệp hay các mục đích kinh tế khác.
Một nguyên nhân khác cũng góp phần không nhỏ, khiến cho câu chuyện hoàn nguyên mỏ sau khai thác bị bỏ quên, là ý thức của một số DN. Có những DN chỉ quan tâm đến lợi nhuận trước mắt, coi nhẹ trách nhiệm với môi trường và cộng đồng. Không ít DN khai thác khoáng sản vẫn còn tư duy "còn của thì còn mình", khai thác đến kiệt quệ rồi bỏ đi, không quan tâm đến hậu quả để lại. Bên cạnh đó, kẽ hở trong pháp luật cũng tạo điều kiện cho DN né tránh trách nhiệm. Mức xử phạt đối với hành vi vi phạm chưa đủ sức răn đe, quy trình xử lý vi phạm còn phức tạp, kéo dài.
Bên cạnh đó, năng lực quản lý, giám sát của chính quyền địa phương cũng là một yếu tố quan trọng. Việc kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác và hoàn nguyên mỏ còn nhiều hạn chế, chưa đủ chặt chẽ, nhiều địa phương chưa có đủ nguồn lực để thực hiện kiểm tra thường xuyên. Ngoài ra, mức ký quỹ cải tạo môi trường hiện nay chỉ dao động từ vài chục đến vài trăm triệu đồng, quá thấp so với chi phí thực tế cần thiết để phục hồi môi trường. Điều này, khiến nhiều DN sẵn sàng bỏ quỹ ký gửi để trốn tránh trách nhiệm.
Siết chặt kiểm tra giám sát, tăng nặng chế tài xử phạt
TS Trần Văn Miều - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho biết, trước khi cấp phép hoạt động khai thác mỏ, các đơn vị đã phải nộp đầy đủ báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Thông thường, trong báo cáo ĐTM đã có quy định về việc hoàn nguyên khoáng sản sau khi khai thác xong.
Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đất đai, khoáng sản cũng có trách nhiệm kiểm tra ĐTM của các đơn vị khai thác khoáng sản, trước khi quyết định cấp phép khai thác cho các mỏ khoáng sản. Ngoài ra, trong quá trình khai thác, cơ quan chức năng vẫn phải thường xuyên kiểm tra việc hoạt động có bảo đảm an toàn môi trường như trong ĐTM hay không. "Về nguyên tắc, ngay sau khi hết hạn khai thác khoáng sản, đơn vị khai thác phải hoàn thổ nhằm bảo đảm an toàn môi trường cho người dân” – TS Trần Văn Miều khẳng định.
Từ ý kiến của chuyên gia Trần Văn Miều có thể thấy, câu chuyện hoàn nguyên mỏ khoáng sản sau khai thác là điều kiện đặc biệt quan trọng và đi theo các mỏ xuyên suốt, từ lúc lập hồ sơ xin cấp phép khai thác đến khi kết thúc việc khai thác mỏ. Đặc biệt khi hết hạn, cơ quan chức năng không thể thờ ơ mà cần có trách nhiệm kiểm tra việc hoàn nguyên khoáng sản.
Đứng trên góc nhìn pháp lý, luật sư Bùi Đình Ứng – Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, theo các quy định hiện hành thì vấn đề hoàn thổ, phục hồi môi trường sau khai thác là nội dung bắt buộc khi xây dựng báo cáo đánh giá tác động môi trường cho các dự án khai thác khoáng sản. Các dự án khai thác khoáng sản thuê đất trong suốt vòng đời của mỏ và tiến hành hoàn trả lại đất đã hoàn thổ, phục hồi môi trường sau khai thác khi kết thúc dự án. “Các đơn vị được cấp phép khai thác khoáng sản phải thực hiện ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường, nếu vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính và xử lý hình sự theo quy định của bộ luật hình sự” – luật sư Bùi Đình Ứng cho hay.
Để chấm dứt câu chuyện “bỏ quên” hoàn nguyên mỏ khoáng sản sau khai thác, các chuyên gia cho rằng, việc đầu tiên cần phải làm là tăng cường chặt chẽ quy định từ luật. Cụ thể, Luật Khoáng sản cần được sửa đổi, bổ sung theo hướng nâng cao trách nhiệm của các DN khai thác. Trong đó, cần nhất là bổ sung các điều khoản buộc DN phải lập kế hoạch chi tiết về hoàn nguyên mỏ trước khi khai thác và định kỳ báo cáo tiến độ. Đồng thời, việc cấp phép khai thác chỉ nên được thực hiện khi DN chứng minh đủ năng lực thực hiện các cam kết môi trường. Bên cạnh đó cũng cần tăng mức ký quỹ cải tạo môi trường và sử dụng nguồn quỹ này một cách hiệu quả.
Theo các chuyên gia kinh tế, việc nâng cao mức ký quỹ không chỉ tăng sức ép tài chính mà còn tạo nguồn lực để các địa phương chủ động hơn trong việc khắc phục hậu quả. Cùng với vấn đề quy định pháp lý, công tác giám sát, kiểm tra việc thực hiện hoàn nguyên mỏ sau khai thác của DN cũng cần được tăng cường. Đặc biệt, cần tăng cường ứng dụng công nghệ trong quản lý khai thác, sử dụng các hệ thống giám sát từ xa, hình ảnh vệ tinh sẽ giúp phát hiện sớm các vi phạm, giảm bớt gánh nặng cho các cơ quan chức năng địa phương.
Ngoài ra, chế tài xử phạt đối với những trường hợp cố tình vi phạm, không thực hiện hoàn nguyên mỏ khoáng sản sau khai thác cũng cần được siết chặt và tăng cường hơn nữa. Bên cạnh những chế tài xử phạt hành chính cần phải bổ sung, nâng cao các chế tài mạnh tay hơn, bao gồm cả truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các DN cố tình vi phạm. Các DN vi phạm cần bị công khai danh tính để tăng sức ép từ dư luận. Đây sẽ là biện pháp răn đe hiệu quả, đồng thời tạo sự minh bạch trong hoạt động khai thác khoáng sản.