Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cầu Đại Ngãi khát vọng bao đời của người dân đôi bờ Sóc Trăng-Trà Vinh

Hồng Lĩnh - Xuân Lương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những ngày đầu tháng 10/2023, về huyện Cù Lao Dung đâu đâu cũng nghe người dân háo hức bàn tán về cây cầu mang tên Đại Ngãi sắp dược khởi công xây dựng. Không rạo rực, háo hức sao được khi khát vọng bao đời của người dân vùng đất “ốc đảo” này trở thành hiện thực.

Khi cầu Đại Ngãi hoàn thành đưa vào sử dụng người dân đôi bờ Sóc Trăng -  Trà Vinh sẽ hết cảnh “qua sông lụy đò". Ảnh Xuân Lương
Khi cầu Đại Ngãi hoàn thành đưa vào sử dụng người dân đôi bờ Sóc Trăng - Trà Vinh sẽ hết cảnh “qua sông lụy đò". Ảnh Xuân Lương

Hết cảnh “qua sông lụy đò” ….

Bà Phạm Thị Đào (65 tuổi), ấp An Lạc, xã An Thạnh Tây cho biết: “Gia đình có trên 13.000m2 đất ảnh hưởng trực tiếp đến dự án xây dựng cầu nhưng chúng tôi không lăn tăn gì, sẵn sàng giao đất cho nhà nước phục vụ việc xây cầu. Nói thật với mấy chú, tôi sống ở đây hết cả đời, chưa bao giờ tin, chưa bao giờ dám mơ chuyện xây cầu Đại Ngãi vì Cù Lao Dung là hòn đảo nằm choi loi giữa sông Hậu, lại gần cửa biển. Dòng sông rộng mênh mông nên chưa ai nghĩ đến việc xây cầu qua dòng sông rộng mấy cả chục km. Thế nhưng, mấy ngày qua, nghe tin chuẩn bị khởi công xây dựng cầu, tôi mới dám tin đó là sự thật. Tôi và nhiều bà con đang chờ cái ngày trọng đại đó. Có cầu, cuộc sống của nhân dân vùng cù lao chúng tôi sẽ thay đổi nhiều hơn khi giao thông đi lại thuận lợi, hàng hóa nông sản sẽ dễ dàng mua bán hơn, được giá hơn, không lo bị ế, bị ép giá như trước đây. Đặc biệt từ đây chúng tôi sẽ hết cảnh “qua sông lụy đò”…

Ông Nguyễn Thanh Xuân (Bảy Xuân, 71 tuổi) tâm sự: Tôi sống cả gần một đời người ở đất cù lao này, từ đó đến nay, Cù Lao Dung có nhiều đổi thay, có nhiều sự kiện quan trọng nhưng theo cảm nhận của tôi, từ sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng đến nay, có 3 sự kiện làm nức lòng người dân ở vùng cù lao sông nước này mà có lẽ nhiều người sẽ nhớ mãi. Thứ nhất là sự kiện làm con đường lớn nhất của huyện chạy từ đầu cù lao (xã An Thạnh Nhất) đến cuối cù lao (xã An Thạnh Nam), đó là con đường lớn nhất của huyện mà từ trước đó chưa bao giờ có. Thứ hai là sự kiện công trình đưa lưới điện quốc gia vượt sông Hậu về Cù Lao Dung vào tháng 12/1998 chính thức đưa vào hoạt động, mang dòng điện sáng về cho người dân Cù Lao Dung, giúp bà con sau hàng trăm năm sinh sống, biết điện là thế nào. Còn sự kiện thứ ba chính là việc chuẩn bị khởi công xây dựng cầu Đại Ngãi sắp diễn ra.

Nói về cây cầu trong mơ, ông Bùi Văn Hận (53 tuổi), ấp Đặng Trung Tiến, xã An Thạnh Đông, huyện Cù Lao Dung chia sẻ: Từ trước đến nay, bà con ở xã này có việc đi Trà Vinh thì hoặc đi đò nhỏ vượt sông rộng mấy ngàn mét trong sóng gió, hoặc phải lên trung tâm huyện, đến bến phà Cầu Quan (nối giữa xã An Thạnh Nhất của huyện Cù Lao Dung và thị trấn Cầu Quan, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh) với tổng chiều dài quãng đường trên 20km, thời gian đi mất mấy tiếng đồng hồ vì chờ phà lâu. Sau khi cầu xây xong, bà con ở xã này chỉ mất chưa đầy 5 phút cho quãng đường khoảng 1,5km đi trên cầu là sang tới Trà Vinh. Còn có việc lên thành phố Sóc Trăng cũng phải mất khoảng 2 giờ đồng hồ cho quãng đường trên 35km khi chưa có cầu, còn sau khi cầu hoàn thành, chỉ mất khoảng nửa giờ đồng hồ với quãng đường hơn 16km một chút.

Cuối tháng 10/2023 này sẽ khởi công

Chủ tịch UBND huyện Cù Lao Dung Trần Văn Nguyên nói: “Cù Lao Dung được bao quanh bởi sông Hậu, vì vậy, từ trước đến nay, muốn đi đến các địa phương khác, người dân chủ yếu đi bằng phương tiện giao thông đường thủy hoặc phải qua phà, rất nguy hiểm và mất khá nhiều thời gian. Cũng do nằm giữa bốn bề sông nước, thế cô lập này đã kìm hãm sự phát triển kinh tế-xã hội của huyện; tiềm năng, lợi thế của địa phương chưa được khai thác đúng như kỳ vọng. Vì vậy, khi cầu Đại Ngãi sắp được khởi công, bà con ở đây rất vui, bởi dự án này sẽ giúp người dân địa phương thoát cảnh lụy đò, đặc biệt, xóa thế cô lập của huyện, giúp kết nối giao thông, vực dậy những tiềm năng lợi thế của địa phương, giúp huyện Cù Lao Dung sớm phát triển. Do vậy, người dân đồng tình ủng hộ giao mặt bằng để sớm triển khai dự án”.

Phối cảnh cầu Đại Ngãi.. Ảnh Xuân Lương (chụp lại)
Phối cảnh cầu Đại Ngãi.. Ảnh Xuân Lương (chụp lại)

Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng ông Trần Văn Lâu cho biết: Cây cầu sẽ được khởi công vào cuối tháng 10 này. Hiện công tác chi trả, giải phóng mặt bằng đã hoàn thành, bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Đây là công trình chiến lược, là trục giao thông quan trọng ven biển kết nối với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Sau khi hoàn thành sẽ rút ngắn được khoảng 80km từ Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu đi TP.HCM so với đi trên tuyến quốc lộ I hiện nay. Dự án sẽ kết nối thông toàn tuyến quốc lộ 60, nâng cao năng lực vận tải cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tạo sự kết nối giao thông thuận tiện giữa các tỉnh duyên hải phía Nam với TP.HCM…

Dự án cầu Đại Ngãi vượt sông Hậu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư tại Quyết định số 878/QĐ-TTg ngày 22/7/2022.

Với tổng mức đầu tư trên 8.000 tỷ đồng, dự án Cầu Đại Ngãi có chiều dài toàn tuyến hơn 15km, trong đó, có 2 cầu vượt chính là cầu Đại Ngãi I và cầu Đại Ngãi II. Dự án nằm trên quốc lộ 60, nối hai tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng với điểm đầu giao quốc lộ 54 thuộc địa phận xã Hùng Hòa, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh và điểm cuối giao quốc lộ Nam sông Hậu thuộc địa phận xã Long Đức, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng. Phần tuyến được thiết kế với quy mô đường cấp III đồng bằng, vận tốc thiết kế 80km/h, với 4 làn xe.