Phát triển điểm tiêu thụ
Số liệu của Sở Công Thương Hà Nội cho thấy, Hà Nội có trên 11.000 sản phẩm nông sản thực phẩm đã gắn mã truy xuất nguồn gốc QR Code, có 1.649 sản phẩm OCOP, chiếm 19% của cả nước (8.340 sản phẩm). Thực tế cho thấy số lượng sản phẩm OCOP tuy nhiều nhưng việc tiêu thụ không hề dễ dàng.
Theo chuyên gia bán lẻ Vũ Vinh Phú, nguyên nhân là do số lượng cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm OCOP còn ít, cách thức bố trí trong cửa hàng cũng không đồng đều, chưa có mẫu thống nhất. Tại các điểm du lịch hầu như vắng bóng mô hình kinh doanh này nên sức lan tỏa sản phẩm OCOP tới người tiêu dùng, khách du lịch còn hạn chế.
Để sản phẩm OCOP TP Hà Nội đến gần hơn với người tiêu dùng, nhiều chương trình quảng bá, xúc tiến, giới thiệu đã được các đơn vị chức năng đẩy mạnh triển khai. Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, từ đầu năm đến nay ngành công thương phối hợp với các quận huyện như: Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Thanh Oai, Thường Tín… liên tục mở Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP.
“Đến thời điểm này, trên địa bàn TP Hà Nội đã có 60 Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn 26 quận, huyện, thị xã qua đó quảng bá, giới thiệu, đưa sản phẩm OCOP đến với người tiêu dùng, đưa du khách đến với Thủ đô” - bà Lan chia sẻ.
Tương tự, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Trọng Khiển thông tin, nhằm hỗ trợ DN, làng nghề tiêu thụ sản phẩm OCOP, huyện đã mở 3 Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, thời gian tới huyện Thường Tín sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này.
Nói về việc hỗ trợ DN quảng bá sản phẩm OCOP thông qua hoạt động xúc tiến, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch TP Hà Nội (HPA) Nguyễn Thị Mai Anh cho biết, thời gian qua TP Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động quảng bá, kết nối giao thương sản phẩm OCOP cấp TP.
“Quan trọng nhất là TP Hà Nội tập trung xúc tiến thương mại các sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, giúp DN, hợp tác xã giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm, thông qua hoạt động này DN có cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ” - bà Nguyễn Thị Mai Anh nói.
Đồng tình với ý kiến này, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà bán lẻ Việt Nam Vũ Thị Hậu nêu rõ, điểm bán sản phẩm OCOP là nơi hội tụ những sản phẩm đặc trưng vùng miền, quan trọng hơn cả là trở thành cầu nối giữa nhà sản xuất với người tiêu dùng
Mô hình cần nhân rộng
Là một trong những DN tích cực tham gia Chương trình an sinh xã hội của TP như Chương trình bình ổn thị trường, bán các sản phẩm OCOP Hà Nội và các tỉnh, TP, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm Phú Thiên Tân Nguyễn Thị Hợi cho biết, DN hy vọng sản phẩm OCOP không chỉ dừng lại ở những bữa ăn gia đình mà còn được phổ cập vào bếp ăn trường học, khu công nghiệp để tất cả mọi người đều được hưởng giá trị sản phẩm từ OCOP mang lại cho sức khỏe, từng bước đưa thương hiệu OCOP đến gần với người tiêu dùng.
Là một trong những đơn vị đưa sản phẩm vào cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm OCOP huyện Ba Vì tiêu thụ, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Chu Quyến Nguyễn Trung Dậu chia sẻ: Từ năm 2020 đến nay, HTX đã có 4 loại rau củ đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Thế nhưng việc tiêu thụ không hề dễ dàng bởi HTX không có điểm giới thiệu sản phẩm. Chính vì vậy việc TP Hà Nội triển khai các điểm giới thiệu sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện Ba Vì đã tạo cơ hội cho đơn vị tiêu thụ sản phẩm rau sạch, với doanh thu đạt khoảng 100 triệu đồng/tháng.
Nhận thấy những lợi ích mà các cửa hàng giới thiệu, bán sản phẩm OCOP mang lại, các DN có chung mong muốn trong thời gian tới ngành công thương Hà Nội đẩy mạnh mở rộng hệ thống cửa hàng này. Trước những kiến nghị của DN sản xuất, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền thông tin, để việc tổ chức thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2021 - 2025 đạt hiệu quả mong đợi, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 92/KH-UBND về Phát triển các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP gắn với du lịch làng nghề, du lịch nông thôn trên địa bàn Hà Nội năm 2022.
Không dừng ở đó, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 249/KH-UBND về việc triển khai Hỗ trợ quản lý nhãn hiệu và in tem nhãn sản phẩm OCOP TP Hà Nội, qua đó tạo thuận lợi cho DN OCOP đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc của nhà bán lẻ.
Nhằm hỗ trợ các DN, HTX sản xuất tiêu thụ sản phẩm OCOP, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan thông tin, từ nay đến cuối năm 2022, Sở Công Thương sẽ tiếp tục phát triển Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP qua đó hoàn thành kế hoạch mở 30 Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn. Đồng thời, triển khai xây dựng một trung tâm thiết kế, sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với phát triển du lịch tại các huyện, thị xã.
Thực tế cho thấy để mở rộng kênh tiêu thụ sản phẩm OCOP đòi hỏi sự vào cuộc của chính quyền địa phương, DN. Giám đốc HPA Nguyễn Ánh Dương nêu rõ, cùng với sự nỗ lực của cơ quan chức năng, để đẩy mạnh và đưa sản phẩm OCOP đến với người tiêu dùng rất cần sự cố gắng nỗ lực của DN, chủ thể OCOP từ nguyên liệu đầu vào, quy trình sản xuất, đến mẫu mã bao bì... từ đó đáp ứng thị hiếu, nhu cầu của người tiêu dùng trong và ngoài nước.
“Thời gian tới các quận, huyện, thị xã cần tích cực thông tin, vận động DN, cơ sở sản xuất tổ chức khai thác địa điểm kinh doanh theo hướng đưa sản phẩm OCOP Hà Nội và các tỉnh, thành vào quảng bá, tiêu thụ. Từ đó mạng lưới điểm giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP của TP Hà Nội ngày càng được mở rộng và phát triển” - ông Dương nêu rõ.