Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cầu nối gỡ vướng cho thị trường bất động sản

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2023 được dự báo tiếp tục là năm đầy biến động của thị trường bất động sản (BĐS). Mặc dù Chính phủ đã thực thi nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn nhưng vướng mắc về cơ chế, pháp lý vẫn là rào cản lớn tác động đến sự phục hồi của thị trường.

Trước bối cảnh đó, báo chí trở thành cầu nối truyền tải vướng mắc, tâm tư nguyện vọng của DN tới cơ quan quản lý Nhà nước để tìm ra những giải pháp giúp thị trường hồi phục, tăng trưởng trở lại.

Tiếp tục khủng hoảng

Những tưởng sau hơn 2 năm “ngủ đông” do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, thị trường BĐS như chiếc lò xo bị nén sẽ có cú “bung” mạnh mẽ. Nhưng cũng giống như tất cả các ngành nghề kinh tế khác, BĐS tiếp tục rơi vào vòng xoáy khủng hoảng mới bởi những bất ổn về chính trị tại các cường quốc kinh tế, xung đột vũ trang ở khu vực châu Âu... dẫn đến suy thoái kinh tế, lạm phát gia tăng. Ở trong nước, mặc dù Chính phủ khống chế được lạm phát nhưng chính sách về tài chính lại bị siết chặt, “hãm phanh” đột ngột đối với các khoản giải ngân, kèm theo lãi suất cho vay tăng cao... khiến cho cộng đồng DN, đặc biệt là DN kinh doanh BĐS không kịp trở tay.

Đáng chú ý, từ đầu năm 2022 khi Chính phủ chính thức dỡ bỏ lệnh phong tỏa toàn xã hội do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 cho đến nay, “sức khỏe” của thị trường BĐS liên tục giảm sút cả về nguồn cung, giao dịch, tỷ lệ hấp thụ và đối tượng tham gia. Cụ thể, số liệu thống kê từ Hội Môi giới BĐS cho thấy, trong năm 2022 nguồn cung thị trường đạt 48.500 sản phẩm bằng 20%, tỷ lệ hấp thụ chỉ bằng 17% so với năm 2018 (thời điểm trước dịch – PV). Đặc biệt, bước sang năm 2023 thị trường vẫn không thấy tín hiệu khả quan mà trái lại tiếp tục trên đà khủng hoảng, khi tổng nguồn cung chỉ đạt 25.000 sản phẩm (chủ yếu là hàng tồn kho), nguồn cung mới bằng 50% và tỷ lệ tiêu thụ bằng 11% so với cùng kỳ năm 2022.

Cầu nối gỡ vướng cho thị trường bất động sản.
Cầu nối gỡ vướng cho thị trường bất động sản.

Trong 5 tháng đầu năm 2023, có 554 DN kinh doanh BĐS giải thể, tăng 30,4% so với cùng kỳ năm trước. Số lượng DN BĐS thành lập mới giảm 61,4%, chỉ có 1.744 DN. Trong quý I/2023, doanh thu của DN BĐS giảm 6,46%, lợi nhuận sau thuế giảm 38,6% so với cùng kỳ năm 2022. Lượng hàng tồn kho lớn, chủ yếu đến từ các dự án xây dựng dở dang, buộc phải tạm dừng do DN không còn đủ nguồn lực để tiếp tục triển khai dự án. Hơn 90% DN ghi nhận doanh thu sụt giảm, một số DN quy mô dưới 100 nhân viên mức giảm lên tới 70 - 80%... do thị trường BĐS vẫn gặp khó khăn về dòng tiền, điều kiện cho vay bị siết chặt, sức mua chưa được cải thiện.

Từ những khó khăn về doanh thu dẫn đến việc DN BĐS buộc phải cắt giảm nhân sự. Năm 2022, Tập đoàn Đất Xanh cắt giảm 45% nhân sự; Công ty Phát triển Sunshine Homes với 16% và Công ty Đầu tư và Phát triển BĐS An

 

Chúng tôi hiểu rằng báo chí, truyền thông là một kênh quan trọng và hiệu quả để lắng nghe, phản biện hoặc nhìn lại những vấn đề khó khăn, vướng mắc của DN, khách hàng, đối tác để hoạt động của DN tốt hơn, hiệu quả hơn. Vì thế, chúng tôi mong muốn có những trao đổi thông tin minh bạch, để các bên hiểu nhau hơn và có những cách truyền thông phù hợp, đúng với bản chất vấn đề. - Chánh Văn phòng Tổng Giám đốc Ngân hàng Quân đội Chu Hải Công.

Gia với 29%. Quý I/2023, những đợt cắt giảm nhân sự lớn tiếp tục diễn ra: Đất Xanh cắt giảm thêm 1.384 người, Đất Xanh Services giảm 1.245 người so với đầu năm; Vinhomes giảm 1.527 nhân sự... Các DN còn hoạt động buộc phải thu hẹp quy mô đầu tư, tinh giản tối đa bộ máy, thậm chí dừng, đầu tư, thi công dự án dở dang, dừng triển khai dự án mới, phát hành cổ phiếu tăng vốn, dừng IPO... Lương nhân sự, người lao động cũng giảm từ 10 – 20%. Nếu tình hình thị trường vẫn tiếp tục diễn biến khó khăn thì có tới 23% DN chỉ duy trì hoạt động được tới hết quý III/2023, 43% trụ được đến hết năm 2023.

Báo chí là cầu nối thông tin

Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu cho rằng, báo chí đã và đang làm rất tốt chức năng vốn có của mình, điều này góp phần tác động rất lớn đến việc xây dựng hoàn thiện hệ thống chính sách của Nhà nước, trong đó có thị trường BĐS. Bên cạnh đó cũng kịp thời phản ảnh những vấn đề nổi cộm của thị trường đến với cơ quan quản lý Nhà nước để có những điều chỉnh phù hợp, không để thị trường rơi vào tình trạng đổ vỡ.
“Năm 2021 khi thị trường trải qua đợt sốt đất, chính báo chí đã phát hiện cơn sốt giá ảo đầu tiên. Từ đó chúng tôi mới đi khảo sát và có những ý kiến chính thức đối với cơ quan quản lý để có chỉ đạo kịp thời không để xảy ra tình trạng bong bóng. Rồi hàng loạt những vấn đề khác như tranh chấp, sai phạm từ các dự án cũng đều nhờ báo chí thông tin” – ông Lê Hoàng Châu nói.

Đồng quan điểm, nhà báo Nguyễn Minh Phong - nguyên Phó Trưởng ban Tuyên truyền lý luận Báo Nhân Dân khẳng định, báo chí có vai trò cực kỳ quan trọng đối với sự phát triển của thị trường BĐS. Hiện nay, ngành BĐS ngày càng phát triển mạnh mẽ, đang ở thời điểm nóng nhất, với sự lên ngôi của hàng loạt dự án đầu tư mở rộng quy hoạch nhà ở, công viên... Bởi vậy, muốn kinh doanh đứng vững trong thị trường cạnh tranh gay gắt, DN cần tìm hiểu và xây dựng chiến lược truyền thông hiệu quả. “Sức nặng của thông tin mạng xã hội tới cộng đồng rất lớn, nhất là về độ nhanh nhạy và lan tỏa. Nhưng vai trò của báo chí vẫn không bị loãng đi bởi độ tin cậy và chiều sâu của thông tin. Nếu không có sự tham gia của báo chí thì khó có thể phát triển tích cực như hiện nay” - nhà báo Nguyễn Minh Phong nhìn nhận.

Không phủ nhận vai trò tích cực mà báo chí đang đóng góp nhưng theo các chuyên gia, nhà quản lý và DN để vai trò này đi đúng hướng, góp phần tích cực vào việc định hướng, phát triển chính sách nói chung, thị trường BĐS nói riêng một cách lành mạnh, cần bảo đảm tôn trọng sự thật, phản ánh khách quan, đa chiều. Cùng với đó, báo chí cần phát huy hơn nữa vai trò phản biện chính sách, góp phần xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách của Nhà nước, trong đó có chính sách liên quan đến thị trường BĐS.

 

Có thể nhìn nhận một cách tổng quan rằng, giữa DN và báo chí là mối quan hệ cộng sinh, luôn song hành hỗ trợ nhau cùng phát triển để hướng tới những sản phẩm uy tín nhất, giải pháp tốt nhất cho người dân. Từ đó, DN và ngành sản xuất cũng ngày một phát triển, đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế. Đặc biệt, trong môi trường kinh doanh có nhiều biến động như hiện nay, báo chí là kênh thông tin nhanh nhất, chính thống nhất về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước để DN kịp thời có kế hoạch, quyết định quan trọng trong quá trình hoạt động của mình.

Phó Tổng Giám đốc ABBank Nguyễn Thị Hương