Theo đánh giá của Công ty du lịch trực tuyến Agoda, ngành du lịch ở Việt Nam có tốc độ phát triển nhanh hơn Thái Lan, nhưng vương quốc này có thể duy trì lợi thế bằng cách dỡ bỏ rào cản thị thực, mở thêm nhiều đường bay và điểm đến hấp dẫn cho du khách.
Việt Nam đã tăng tỷ trọng du lịch trong 5 tháng đầu năm 2023, vươn lên đứng thứ ba sau Nhật Bản và Thái Lan trong số các điểm đến hàng đầu ở châu Á.
Đây là bước tăng trưởng đáng kể của Việt Nam từ vị trí thứ năm vào năm 2019, thời điểm trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát.
Trong khi đó, Thái Lan đứng đầu danh sách của Agoda vào năm 2022, nhưng nhanh chóng bị Nhật Bản vượt qua khi quốc gia này mở cửa trở lại vào tháng 10/2022.
Giám đốc điều hành (CEO) Agoda, ông Omri Morgenshtern cho rằng Thái Lan vẫn là điểm đến ưa thích của đa số du khách Hàn Quốc, nhưng ngày càng có nhiều người Hàn Quốc lựa chọn đi du lịch Nhật Bản và Việt Nam.
Ông cho rằng điều này là do nhiều nhà máy Hàn Quốc đã mở tại Việt Nam trong hai thập kỷ qua, tạo ra một cộng đồng người Hàn Quốc đông đảo quảng bá thông tin về đất nước Việt Nam ở quê nhà.
Ông Morgenshtern cho biết: “Càng thu hút được đầu tư, kinh doanh và con người…, bạn càng có nhiều cơ hội thúc đẩy ngành du lịch.”
Trong thời gian qua, nhiều điểm đến tại Việt Nam đã được các cơ quan báo chí, truyền thông nước ngoài vinh danh, góp phần tăng sức hấp dẫn của du lịch Việt Nam trên bản đồ du lịch quốc tế.
Mới đây, tờ The Independent của Anh đã ca ngợi Việt Nam là điểm đến được khao khát nhất Đông Nam Á nhờ cảnh quan đa dạng, tuyệt đẹp cùng ẩm thực hấp dẫn.
Trang web du lịch Traveldudes cũng vinh danh Việt Nam là điểm đến ấn tượng cho những người thích du lịch mạo hiểm, điển hình là môn thể thao lặn biển.
Theo thống kê chính thức của Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 5/2023 giảm 6,9% so với tháng trước.
Tính chung 5 tháng của năm 2023, khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 4,6 triệu lượt, gấp 12,6 lần cùng kỳ năm 2022.
Trong số này, khách đến bằng đường hàng không là 3.258.177 lượt (chiếm 88%), bằng đường bộ là 416.190 lượt (chiếm 10,9%), bằng đường biển là 30.167 lượt (chiếm 1,1%).
Cũng theo Tổng cục Du lịch, trong 5 tháng qua, Hàn Quốc tiếp tục là thị trường khách lớn nhất với 1,3 triệu lượt.
Trong bối cảnh hai nước đã nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, Tổng cục Du lịch hai nước đã ký kết Bản ghi nhớ hợp tác giai đoạn 2023-2024, lượng khách du lịch Hàn Quốc đến Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Trong khi đó, Trung Quốc vươn lên ở vị trí thứ hai, đạt 399.000 lượt, Mỹ đứng thứ ba với 307.000 lượt khách.
Theo Tổng cục Du lịch, thị trường khách Trung Quốc sẽ hồi phục với tốc độ nhanh hơn các thị trường khác nhờ quy mô thị trường lớn, nhu cầu ngày càng gia tăng sau khi nước này mở lại hoạt động du lịch quốc tế.
Dự kiến thị trường khách Trung Quốc sẽ phục hồi nhanh hơn từ mùa hè 2023 và tăng mạnh vào dịp tháng 10 và những tháng cuối năm.
Cũng theo Tổng cục Du lịch, Nhật Bản được xác định là một thị trường khách trọng điểm của du lịch Việt Nam.
Nhật Bản là một trong những thị trường khách du lịch lớn nhất thế giới với 18 triệu lượt khách đi du lịch nước ngoài mỗi năm trước khi có dịch COVID-19, trong đó Việt Nam là điểm đến du lịch yêu thích của du khách Nhật Bản với khoảng 1 triệu lượt khách mỗi năm.
Đến năm 2023, lượng khách Nhật Bản đến Việt Nam đã có sự tăng trưởng trở lại sau thời gian giảm mạnh do dịch COVID-19. Trong nhóm 10 thị trường hàng đầu đến Việt Nam trong 5 tháng qua, Nhật Bản là một trong 4 thị trường khách ở khu vực Đông Bắc Á với 204.075 lượt khách.
Với kết quả khả quan cũng như xu hướng nhu cầu tiếp tục gia tăng, thị trường du lịch quốc tế còn nhiều dư địa để tăng trưởng mạnh, nhất là vào mùa cao điểm những tháng cuối năm, ngành du lịch Việt Nam có khả năng sẽ đạt và vượt 8 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2023./.