Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

“Cha đẻ” kinh doanh báo chí và xuất bản thời thuộc Pháp

Vĩnh Khánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ một đứa trẻ mồ côi, Bùi Huy Tín đã phấn đấu trở thành một doanh nhân tài năng, một nhà báo có bản lĩnh, có tinh thần dân tộc, có khát vọng canh tân đất nước và luôn luôn giữ chữ tín. Ông là một trong bốn người giàu nhất xứ Bắc Kỳ một thời.

Từ trẻ mồ côi trở thành doanh nhân thành đạt

Bùi Huy Tín (1875 - 1963) quê ở tỉnh Thái Bình nhưng được sinh ra ở Hà Nội. Ông mồ côi cha mẹ từ lúc ba tuổi, được một sĩ quan người Pháp bắt gặp và đưa về nuôi.

Nhờ thế, ông sớm thành thạo tiếng Pháp và tiếp nhận văn hóa, nếp sống của người Pháp. Ông được đi học, đỗ bằng sơ học rồi vào học trường thông ngôn.

Với lợi thế đó, ông sớm đi vào con đường kinh doanh. Đầu tiên là ông đấu thầu nuôi cá ở hồ Tây và thành công. Từ bước đà này, ông tự tin mở rộng kinh doanh và trở thành một nhà thầu có uy tín.

Sách “Bùi Huy Tín với Thực nghiệp dân báo và Tràng An báo” - NXB Hồng Đức (2023).
Sách “Bùi Huy Tín với Thực nghiệp dân báo và Tràng An báo” - NXB Hồng Đức (2023).

Các năm 1902 - 1906, ông thầu xây dựng các công trình hạ tầng cho tuyến đường sắt Việt Trì - Lào Cai; từ 1907 - 1910 thầu xây dựng các công trình hạ tầng tuyến đường sắt Sài Gòn - Nha Trang, Phan Rang - Đà Lạt.

Cũng chính thời gian này ông đã phát hiện nguồn nước khoáng Vĩnh Hảo ở Bình Thuận (mà về sau ông sẽ góp vốn khai thác). Từ 1914 - 1918, ông thầu xây dựng các công trình hạ tầng cho tuyến đường sắt Vinh - Đông Hà và từ năm 1920 - 1924, thầu cung cấp đá sỏi cho tuyến đường sắt này.

Là người nhạy bén, khi tham gia thầu các công trình đường sắt, ông phát hiện nhiều vùng đất hoang hóa, dân cư phiêu tán thuộc các tỉnh miền trung Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình có tiềm năng và điều kiện để phát triển nông nghiệp.

Ông đã bỏ tiền lập ra các đồn điền, xây dựng làng mạc, lập trường học, chợ búa…, góp công phục hồi, mở mang nông nghiệp, tạo công ăn việc làm cho nông dân, như đồn điền Bỉm Sơn (Thanh Hóa), rộng 600 mẫu tây, gồm 400 mẫu ruộng mùa, 200 mẫu ruộng chiêm.

Ông lập đồn điền Yên Lập (Hương Khê, Hà Tĩnh), rộng 500 mẫu tây chuyên trồng cây ăn quả như cam, bưởi, chanh. Ở đây ông còn xây một ngôi chợ lớn và một trường học.

Ông lập đồn điền Thạch Xá (Lệ Thủy, Quảng Bình) rộng 1.000 mẫu tây, dọc theo sông Kiến Giang, sát đường quốc lộ I. Tại đây ông lập làng Động Hải gồm 300 dân và một “trại cùi” để chăm sóc người bệnh phong.

Ngoài ra, ông còn lập các đồn điền Minh Hạc (Phú Thọ), Thạch Xá (Quảng Nam).

Năm 1923, ông mua lại nhà máy nước Vĩnh Điện (Quảng Nam) do người Pháp xây dựng nhưng hoạt động không hiệu quả vì không điều hòa được lợi ích giữa chủ nhà máy và nông dân.

Nhờ ông biết điều hòa lợi ích với nông dân nên nhà máy nước này phát huy hiệu quả. Chỉ năm năm sau, năm 1928, ông xây thêm một nhà máy mới, nâng diện tích tưới thêm 1.000 mẫu cùng với nhà máy thứ nhất tưới hơn 1.000 mẫu, thiết thực giúp cho nông dân canh tác thuận lợi.

Nhà báo tài ba và bản lĩnh

Bùi Huy Tín không chỉ được xác nhận là một trong bốn người giàu có nhất Bắc Kỳ lúc bấy giờ “nhất Bưởi (Bạch Thái Bưởi, nhì Phu (Hoàng Trọng Phu), tam Thu (Nguyễn Hữu Thu), tứ Tín (Bùi Huy Tín) mà còn nổi tiếng trong vai trò một nhà xuất bản, nhà báo tài ba, bản lĩnh.

Ông là người sáng lập ra hai tờ báo: Thực nghiệp dân báo phát hành ở Hà Nội (1920 -1933); Tràng An báo, cùng ấn phiên bản tiếng Pháp là La Gazette de Hué ở Huế, phát hành từ 1935 - 1942 thì bán lại cho người khác. Ông cũng là người lập ra nhà in Thực nghiệp ở Hà Nội (1920) và nhà in Đắc Lập ở Huế (1919).

Bùi Huy Tín lập nhà in Đắc Lập là thể theo lời yêu cầu của các doanh nhân “Thuận Thành thương quán” (Huế), trong phong trào tranh thương với Hoa kiều đang rầm rộ từ Nam Kỳ rồi Trung và Bắc Kỳ.

Tên Đắc Lập ấn quán là do vua Khải Định đặt với ý nghĩa là có chữ tín thì sẽ thành công. Trong tổng số vốn 5 vạn đồng Đông Dương thì ông đã góp 2,8 vạn.

Ông biết thời gian đầu nhà in sẽ lỗ vì thiếu việc làm nhưng vẫn quyết tâm làm vì “trộm nghĩ ở nơi đế đô là thủ phủ mà không có nhà in thì rất là một điều khuyết điểm, chẳng những là lo cho dân mà đến cả cho hai chính phủ nữa”.

Trong 3 năm đầu, nhà in lỗ vốn đến 25%, các cổ đông hoang mang xin rút cổ phần. Điều lệ không cho phép rút vốn khi chưa lỗ đến 50% nhưng ông vẫn quyết định mua lại những cổ phần xin rút với nguyên vốn chứ không trừ 25% đã lỗ.

Do có tài kinh doanh, có tầm nhìn văn hóa nên nhà in ngày càng hoạt động có hiệu quả. Trong 20 năm tồn tại, nhà in Đắc Lập xuất bản được 145 cuốn sách.

Sách của Đắc Lập không chỉ phát hành ở Huế mà ở khắp các tỉnh, thành, có cả chi nhánh ở Nông Pênh và Viên Chăn.

Nhà in Đắc Lập in nhiều sách văn học, biên khảo lịch sử, văn hóa; sách về luật pháp, luân lý, phương ngôn tục ngữ; sách giáo khoa dùng cho các cấp học, phổ biến chữ quốc ngữ, từ điển; các báo, bản tin, kỷ yếu nội bộ; sách dịch thuật, giáo trình, sách dạy nấu ăn… mà tác giả đa số là quan lại triều Nguyễn, các nhà khoa bảng, trí thức đương thời như Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng, Võ Liêm Sơn, Phan Đăng Lưu, Đào Duy Anh… bằng cả quốc ngữ, Hán ngữ và Pháp ngữ.

Năm 1920, sau phong trào tẩy chay Khách trú, Bùi Huy Tín cùng Nguyễn Hữu Thu với sự cộng tác của Bùi Đình Tá sáng lập Thực nghiệp dân báo - "Cơ quan hữu ích về đường phổ thông, về việc truyền bá học thuật, tư tưởng và âm tín, về việc nghiên cứu và tổ chức mọi việc của vạn gia Thực nghiệp", hô hào thực nghiệp, chấn hưng kinh tế.

Không dừng lại ở việc phổ biến, cổ vũ cách làm ăn mới theo tinh thần “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” mà báo còn đề cập nhiều vấn đề chính trị, xã hội của đất nước như cải lương hương chính, bầu của nghị viện, vấn đề cạnh tranh giữa tư sản Việt Nam và tư sản người Hoa…

Đặc biêt, Thực nghiệp dân báo theo sát và thông tin nhiều về Phong trào đòi thả Phan Bội Châu, Phong trào để tang Phan Chu Trinh, Khởi nghĩa Yên Bái…

Báo đã đăng bài về phong trào đòi thả Phan Chu Trinh trong 24 số báo liên tục. Không những đưa tin mà còn đăng lại các bài diễn thuyết “Đạo đức và luân lý Đông Tây”, “Quân trị và Dân trị chủ nghĩa” của Phan Chu Trinh, đăng các bài xã luận về sự kiện cùng các bài điếu văn tiêu biểu nhất của Phan Bội Châu, Ngô Đức Kế, Bùi Kỷ. Đặc biệt, về cuộc khởi nghĩa Yên Bái, Thực nghiệp dân báo đã đăng tổng cộng 83 bài có ý nghĩa tôn vinh, ca ngợi các chiến sĩ yêu nước của cuộc khởi nghĩa.

Nhận thấy báo chí ở Huế còn ít, từ sớm Bùi Huy Tín đã có ý tưởng lập ở đây một tờ báo nhưng mãi đến năm 1935 thì mới được cấp phép xuất bản Tràng An báo và phiên bản tiếng Pháp là La Gazette de Hué.

Nếu Thực nghiệp dân báo là một tờ báo mà Bùi Huy Tín muốn đóng góp vào sự phát triển nền kinh tế nước nhà, để tiến tới tự cường thì với Tràng An báo, ông muốn tham gia vào cuộc canh tân đất nước bằng học thuật và văn hóa.

Tờ báo đã tập hợp được đội ngũ tác giả đông đảo và tài năng như Hoài Thanh, Nam Trân, Trần Thanh Mại, Thanh Tịnh, Lưu Trọng Lư, Lê Tràng Kiều, Phan Khoang, Bùi Ái, Phan Thị Nga… do Phan Khôi làm chủ bút từ số 1 (1/3/1935) đến số 94 (31/1/1936).

Báo không chỉ đăng tải những bài khảo cứu, nghiên cứu về văn hóa, văn học, cổ vũ canh tân văn hóa, học thuật mà còn đăng tải các bài bình luận chính trị, xã hội với một tinh thần tôn dân tộc, khộng ngại va chạm, sẵn sáng phê phán chính quyền và bộ máy quan lại.

Bùi Huy Tín là một doanh nhân, một chính khách, một nhà hoạt động xã hội (Ủy viên Phòng thương mại Hà Nội, Hội đồng TP Hà Nội, Hội đồng tư vấn Bắc Kỳ, Đại hội đồng kinh tế lý tài Đông Dương, Viện Dân biểu Bắc Kỳ, Viện Dân biểu Trung Kỳ, hội viên Khai trí tiến đức, sáng lập viên Trung Kỳ Công thương gia Hội …) nhưng ông cũng một người làm báo có bản lĩnh.

Ông không hề e ngại cho đăng những bài phê phán sự yếu kém của chính quyền, tố cáo các quan chức lạm quyền, nhũng nhiễu, vô trách nhiệm đồng thời cổ vũ tinh thần dân tộc.

Khi Phan Khôi đăng một số bài đụng chạm đến chính quyền Nam triều và các quan chức trên Tràng An báo, bị “các nhà tai mắt” phản ứng, Bùi Huy Tín đã khẳng định là tất cả các bài báo trên Tràng An, bất cứ là do ai viết, ông là người chịu trách nhiệm.

Ông viết : "Ông Phan Khôi viết những bài nói động chạm đến các nhà tai mắt, nhưng chúng tôi có bằng lòng thì các bài ấy mới được đăng chớ. Nói một cách khác, thái độ ông Phan Khôi trên báo Tràng An tức là thái độ của báo Tràng An và thái độ của tôi vậy".

 

Các tư cách doanh nhân, nhà báo, chính khách, nhà hoạt động xã hội đã hài hòa, bù đắp và nâng đỡ cho nhau ở Bùi Huy Tín. Ông là doanh nhân tiêu biểu, có đóng góp quan trọng vào sự nghiệp canh tân văn hóa, giáo dục, chấn hưng kinh tế nước nhà trong những thập kỷ đầu thế kỷ XX. Xuyên suốt sự nghiệp của ông là tinh thần dân tộc, khát vọng canh tân đất nước và chữ tín.