Cha mẹ hãy chú ý sức khỏe tinh thần của con trẻ

TS Thu Hằng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong vài năm qua, đại dịch Covid-19 không chỉ gây chết chóc mà còn khiến chúng ta mất sự kết nối trong xã hội, bố mẹ nghỉ làm, con cái nghỉ học. Một trong những hậu quả của nó là mức độ lo lắng và trầm cảm đáng báo động ở trẻ em.

Đại dịch coi như đã đi qua nhưng không vì thế mà người lớn chúng ta không quan tâm đến vấn đề này. Hơn nữa, sức khỏe tinh thần của trẻ là vấn đề luôn phải được quan tâm, bởi sức khỏe tinh thần cũng quan trọng như sức khỏe thể chất.

Bố mẹ vui chơi với con. Ảnh chỉ có tính minh họa.
Bố mẹ vui chơi với con. Ảnh chỉ có tính minh họa.

Nếu một đứa trẻ bị sốt hoặc ho dai dẳng, cha mẹ sẽ phản ứng, họ chú ý và tìm kiếm sự giúp đỡ. Nhưng nếu một đứa trẻ có vẻ buồn bã hoặc cáu kỉnh, hoặc ít hứng thú với các hoạt động mà chúng từng thích, chúng ta thường có xu hướng nghĩ đó là một giai đoạn, hoặc cơn giận dữ của tuổi vị thành niên, hoặc điều gì đó khác có thể bỏ qua.

Sức khỏe tinh thần của con cái chúng ta là rất quan trọng. Sức khỏe tinh thần không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất mà còn liên quan đến nhiều yếu tố như: Cản trở việc học tập, giao tiếp xã hội, lòng tự trọng và các khía cạnh quan trọng khác trong quá trình phát triển của trẻ mà có thể gây hậu quả suốt đời. Và đối với một số trẻ em, các vấn đề sức khỏe tinh thần không được điều trị dẫn đến tự sát.

Hiện tượng trẻ bỏ học hay có những hành động dại dột ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí cả tính mạng, đã xảy ra ở nhiều nơi. Một trong những nguyên nhân chủ yếu là do trẻ khủng hoảng về tâm lý, thậm chí có bệnh về tâm thần (chủ yếu là trầm cảm).

Vì vậy, hãy chú ý và xem xét những gì bạn nhìn thấy ở con mình một cách nghiêm túc. Nếu con bạn có dấu hiệu lo lắng hoặc trầm cảm, hãy gọi cho bác sĩ. Nếu con bạn nói về việc làm hại bản thân hoặc người khác, hãy nhờ sự giúp đỡ ngay lập tức, chẳng hạn như đến các bệnh viện có chuyên khoa tâm thần. Sau đây là một số kỹ năng cần thiết để giúp đỡ con của bạn về mặt tinh thần:

Đảm bảo con bạn có thời gian chết: Hãy đảm bảo trẻ, ngoài giờ ăn và ngủ, nên có những hoạt động tích cực như tập thể dục, đọc sách vở…

Khuyến khích trẻ có thói quen truyền thông lành mạnh: Một trong những điều trẻ em thích thú ngày nay là sử dụng thiết bị điện tử của chúng, điều này có thể thú vị và kết nối chúng với bạn bè, đồng thời cũng có thể góp phần gây ra các vấn đề về sức khỏe tâm thần. Bố mẹ cần nói chuyện với con bạn về cách chúng sử dụng phương tiện truyền thông có ích, lành mạnh.

Đảm bảo con bạn ngủ đủ giấc - và tập thể dục: Cả hai đều rất quan trọng đối với sức khỏe tinh thần cũng như sức khỏe thể chất. Con bạn có được giấc ngủ cần thiết là rất quan trọng. Tập thể dục dù thời lượng ngắn cũng có thể làm giảm lo lắng.

Giữ liên lạc với giáo viên và những người khác có quan hệ trong cuộc sống của con bạn: Họ không chỉ có thể có thông tin về con bạn mà bạn cần, mà họ còn có thể đóng một vai trò hỗ trợ quan trọng.

Cố gắng biến ngôi nhà của bạn thành nơi trú ẩn an toàn không bị phán xét cho con bạn: Điều này không có nghĩa là bố mẹ không thể và không nên kỳ vọng về hành vi tốt hoặc điểm số trong học tập của con trẻ. Nhưng bố mẹ  có thể có những kỳ vọng mà không cần phán xét; bố mẹ nên cho con biết rằng sẽ yêu chúng bất kể điều gì xảy ra, rằng chúng có thể nói ra những gì chúng cảm thấy và rằng bố mẹ sẽ luôn giúp đỡ chúng. Bố mẹ nên cố gắng lắng nghe nhiều hơn nói; biết cảm thông và tha thứ. Để thành thật về điều đó, bạn cần phải thông cảm và tha thứ cho mọi người, kể cả chính bạn.

Điều cuối cùng: Bố mẹ cần chú ý đến sức khỏe tinh thần của chính mình. Trẻ em chú ý nhiều hơn đến những gì cha mẹ làm hơn là những gì họ nói. Nếu rõ ràng bạn đang phải vật lộn với chứng lo âu hoặc trầm cảm mà không làm bất cứ điều gì để giải quyết vấn đề đó, thì điều đó sẽ gửi thông điệp sai cho con bạn. Phụ huynh trước hết phải cố gắng có đời sống tinh thần cân bằng mới có thể giúp con cái khi chúng có sự khủng hoảng về vấn đề này.