Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cha mẹ phát hiện con xem hình ảnh nhạy cảm trên mạng: Sao phải sốc?

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Nhân sự việc vợ một nghệ sĩ mang chuyện con tham gia nhóm chat nhạy cảm để kể trên trang Facebook cá nhân cùng việc chị này đã đập nát 2 điện thoại đang gây tranh cãi trên mạng xã hội, vấn đề giáo dục giới tính cho con một lần nữa được đặt ra trực diện.

Chuyện không có gì bất thường!

"Khi xung quanh một đứa trẻ là thiết bị thông minh, mạng internet luôn căng đét, khả năng cập nhật thông tin và nắm bắt trend (xu hướng) rất nhanh lại ở độ tuổi tò mò giới tính thì việc xem clip, video, phim… chứa hình ảnh hay nói về chủ đề tình dục, giới tính là điều không hiếm và cha mẹ cần nhìn thẳng vào việc này, tránh tâm lý bị sốc cùng các phản ứng tiêu cực, phản giáo dục với con”. Đây là khẳng định của giáo viên phụ trách phòng tâm lý học đường tại một trường THCS trên địa quận Hà Đông, Hà Nội. “Qua tìm hiểu và khảo sát thực tế thì nhiều học sinh cấp 1 đã xem về những hình ảnh mang tính chất nhạy cảm, giới tính; lớp 3- 4 các em biết, thậm chí còn thông thạo trong mô tả và hình dung về những vùng được cho là nhạy cảm của bạn khác giới”- cô giáo này cho hay. 

Trẻ tham gia mạng xã hội từ rất sớm (Ảnh minh họa)
Trẻ tham gia mạng xã hội từ rất sớm (Ảnh minh họa)

Đề cập đến cách hành xử của vợ nghệ sĩ kia khi vô tình kiểm tra tài khoản Facebook của con, phát hiện con có tham gia nhóm chat nhạy cảm nên đã có loạt phản ứng nóng giận tiêu cực, em Nguyễn Thu Huyền, học sinh lớp 6 tại quận Cầu Giấy, Hà Nội kể rằng, các bạn lớp mình, nhất là các bạn nam nói chuyện về vấn đề giới tính rất bình thường; thậm chí trên nhóm zalo riêng, các bạn còn giới thiệu cho nhau về các trang phim 16+ kèm đường link phim. Vì là nhóm chat riêng nên các bạn luôn có chế độ cài mật khẩu tin nhắn để tránh sự phát hiện của bố mẹ. Như vậy nghĩa là hàng ngày các bạn xem gì, nói chuyện gì, chat gì, bố mẹ không thể biết được. Các bạn có làm, có xem hình ảnh nhạy cảm hàng ngày, vấn đề là không kể cho bố mẹ nghe mà thôi.

“Cho nên, chuyện của anh B (con nghệ sĩ- PV) có xem hay tham gia nhóm chat kia cháu thấy bình thường, không phải là vấn đề lớn hay lo ngại. Anh ấy 13-14 tuổi chứ có phải trẻ con đâu. Việc mẹ anh ấy công khai thông tin lên mạng- khi anh ấy được nhiều người biết đến là một hành động xúc phạm, thiếu tôn trọng con mình”- nữ sinh Nguyễn Thu Huyền bày tỏ.

Cùng chủ để này, cô Nguyễn Ngọc Huệ, giáo viên chủ nhiệm lớp 7 tại quận Hoàng Mai, Hà Nội nhận xét: Học sinh giờ rất nhanh, thông thạo về công nghệ và đa phần sở hữu tài khoản Zalo, Facebook từ rất sớm; mục đích ban đầu để trao đổi các vấn đề liên quan đến học tập với thầy cô, bạn bè. Mỗi con cũng được tạo điều kiện tối đa trong học tập, có thiết bị điện tử riêng, dung lượng mạng lớn, đường truyền tốt. Trong quá trình học tập, nhất là giai đoạn học online, tình trạng học sinh xem youtube, chat hoặc xem phim khi đang giờ học là việc giáo viên biết nhưng không thể kiểm soát. Do vậy, thầy cô luôn mong muốn cha mẹ sát sao, quan tâm để kịp thời nhắc nhở con cái!.

Vấn đề không phải ở con, mà là ở bố mẹ

Cô giáo Nguyễn Quỳnh Hương- giáo viên phụ trách phòng Tham vấn học đường tại một trường liên cấp thuộc quận Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ, chuyện các bạn lớp 5, lớp 6 xem phim 16+ giờ rất phổ biến. Trẻ tham gia mạng xã hội, sử dụng thiết bị công nghệ, nhất là trong giai đoạn chủ yếu học online như hiện nay là đương nhiên, không thể cấm cản được; vì vậy rất khó để kiểm soát 100% các con làm gì, xem gì khi vào mạng.

Nhiều phụ huynh chia sẻ rất lo lắng vì tình trạng quảng cáo tràn lan trên mạng; ngay cả với các trang chuyên về học tập cũng có các hình ảnh nhạy cảm, phản cảm chèn vào khiến trẻ rất phân tâm và nhấp chuột đăng nhập vì tò mò. “Thậm chí khi có mẹ ngồi cạnh, con tôi vẫn vào các trang web hay đường link có cô gái ăn mặc thiếu vải; thế không có mẹ hay sau lưng mẹ thì con còn làm những gì?”- chị Nguyễn Thị Thủy- phụ huynh có con học lớp 3 đặt câu hỏi.

Trẻ đang ở độ tuổi tò mò và có thể vô tình hay cố ý truy cập vào các trang web hoặc ngồi xem video, hình ảnh 16+ không phải là điều gây sốc. Theo các chuyên gia tâm lý, trong trường hợp tình cờ bắt gặp hoặc phát hiện con xem phim, clip chứa hình ảnh nhạy cảm, điều tốt nhất phụ huynh nên làm là bình tĩnh để tìm cách đối thoại với con; tuyệt đối không mắng chửi, đưa vấn đề này công khai hoặc lên mạng kể lể, than vãn bởi như vậy sẽ ảnh hưởng đến lòng tự trọng, sự tự tin của đứa trẻ, càng làm trẻ xa lánh và giấu giếm bố mẹ nhiều hơn.

Cha mẹ cố gắng làm bạn với con, cởi mở và có thể cùng con bàn luận, trao đổi về vấn đề giới tính; qua một câu chuyện nào đó để hỏi về quan điểm của con và quan trọng không phản bác các ý kiến con đưa ra; tuyệt đối tránh áp đặt hoặc nói với con những câu nói như: Bé thì biết gì, người lớn bảo phải nghe… “Cái đích cuối cùng mà cha mẹ hướng đến là để con hiểu rằng thông tin trên mạng xã hội là vô cùng; con cần tỉnh táo, có trách nhiệm mỗi lần nhấp chuột hoặc tham gia hội nhóm trên mạng xã hội bởi môi trường mạng có nhiều thông tin, hình ảnh độc hại và nếu chưa hiểu rõ, chưa có kiến thức đầy đủ, các con sẽ dễ bị ảnh hưởng tiêu cực và lừa đảo..."- cô Nguyễn Quỳnh Hương nhấn mạnh.