Chậm giao đất dịch vụ tại huyện Mê Linh: Vướng ở cơ chế rà soát

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau gần 6 năm triển khai thực hiện, tiến độ cấp đất dịch vụ để "trả nợ" người bị thu hồi đất nông nghiệp trên địa bàn huyện Mê Linh vẫn còn rất chậm, gây bức xúc, khiếu kiện trong Nhân dân.

Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hà Huy Quang cho biết, lúc đầu tổng diện tích đất dịch vụ phải trả cho người dân có đất nông nghiệp bị thu hồi trên địa bàn huyện khoảng 69ha. Ngay sau khi về Hà Nội, thực hiện Nghị định 69/CP của Chính phủ và Quyết định 108/QĐ - UBND của TP Hà Nội về chính sách trả đất dịch vụ bằng tiền, không trả bằng đất, UBND huyện đã chủ động làm việc với các DN, chủ đầu tư dự án. Kết quả đã có 18 dự án được điều chỉnh giá bồi thường, chi trả đất dịch vụ bằng tiền, tương ứng khoảng 10,6ha đất dịch vụ liên quan đến trên 4.400 hộ dân.

Ngoài ra, 19 dự án đã được phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ GPMB trước ngày 1/8/2008, nhưng đến nay, chưa thực hiện chi trả tiền cho dân. Để giảm áp lực về việc phải trả đất dịch vụ, UBND huyện đã đề nghị khi tiếp tục thực hiện GPMB các  dự án này sẽ phải điều chỉnh, bổ sung phương án bồi thường theo chính sách hiện hành để "triệt tiêu" 37ha đất dịch vụ phải trả cho hộ dân.
Khu đất thuộc dự án Thanh Lâm - Đại Thịnh tại thôn Nội Đồng, huyện Mê Linh.  	Ảnh: Chiến Công
Khu đất thuộc dự án Thanh Lâm - Đại Thịnh tại thôn Nội Đồng, huyện Mê Linh. Ảnh: Chiến Công
Như vậy, tính đến thời điểm này, diện tích đất dịch vụ huyện Mê Linh phải trả cho dân vẫn còn khoảng 20ha, chủ yếu tập trung ở địa bàn 6 xã và thị trấn có các dự án đã thực hiện xong GPMB. Hiện, huyện đã chuẩn bị được 10,1ha mặt bằng hạ tầng kỹ thuật và 2,5ha đất thương phẩm của 5 dự án TP bàn giao, huyện đang tiến hành xây dựng hạ tầng. Riêng phần quỹ đất thiếu, huyện đã đề nghị TP cho thu hồi đất thương phẩm của các dự án để làm quỹ đất dịch vụ.

Lãnh đạo huyện cho biết, đến nay, TP mới chấp thuận chủ trương thực hiện giao đất dịch vụ cho dân tại 2 địa phương (thôn Nội Đồng, xã Đại Thịnh và xã Quang Minh), nhưng hiện vẫn thiếu quỹ đất để trả cho dân. Huyện đang đề nghị TP thu hồi diện tích 6,8ha quỹ đất thương phẩm của dự án Vinaconex 9 để bàn giao cho huyện xây dựng hạ tầng để trả đất dịch vụ cho dân.

Mặc dù đã chỉ đạo quyết liệt, quyết tâm đẩy nhanh việc giao đất dịch vụ cho người dân theo đúng tiến độ cam kết với TP, nhưng trên thực tế, triển khai tại huyện Mê Linh vẫn còn nhiều khó khăn trong việc áp dụng cơ chế, chính sách, vướng mắc trong công tác kê khai, rà soát diện tích đất bị thu hồi của các hộ dân, hay tình trạng nhân khẩu, hộ khẩu...
Lãnh đạo Sở TN&MT cho rằng, việc vận dụng chính sách giao đất dịch vụ của một số địa phương trước sáp nhập còn hạn chế, một số UBND cấp huyện trước đây cam kết, hứa với người dân được hưởng chính sách giao đất dịch vụ nhưng họ lại không thuộc đối tượng này như tại Mê Linh, Thạch Thất. Tình trạng cấp xã xác nhận hợp đồng chuyển nhượng tiêu chuẩn được hưởng đất dịch vụ của các hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi cũng gây khó khăn cho công tác xét duyệt, công khai phương án giao đất dịch vụ.

Theo lãnh đạo huyện, cơ chế chính sách giao đất dịch vụ của tỉnh Vĩnh Phúc cho dân khác với chính sách của TP Hà Nội, nên dẫn đến những bức xúc. Chẳng hạn, theo quy định của tỉnh Vĩnh Phúc, chỉ những hộ gia đình có đất nông nghiệp khi bị thu hồi vào mục đích phát triển các khu, cụm công nghiệp, khu du lịch, đô thị tập trung và tính đến thời điểm bị thu hồi đất từ ngày 22/7/2004 mới được giao đất dịch vụ. Hơn nữa, quy định này chỉ áp dụng thí điểm tại xã Quang Minh cũ (nay là thị trấn Quang Minh và Chi Đông), không được áp dụng tại các xã khác. Nếu căn cứ quy định của tỉnh Vĩnh Phúc thì trên địa bàn xã Quang Minh có tới trên 70% số hộ dân bị thu hồi đất sẽ không được giao đất dịch vụ và các hộ dân thôn Nội Đồng (xã Đại Thịnh) cũng không được giao đất dịch vụ (thời điểm 2004 - 2005). Đây chính là nguyên nhân khiến người dân khiếu kiện cho rằng chính sách đó không công bằng.

Cũng chính từ sự thay đổi cấp quản lý hành chính mà ngay từ khi sáp nhập, huyện Mê Linh đã báo cáo, xin ý kiến chủ trương của TP để được tiếp tục thực hiện theo các chính sách của tỉnh Vĩnh Phúc trước đây, nhưng cho đến tháng 8, 12/2014, TP mới chấp thuận cho việc giao đất đối với các hộ dân thôn Nội Đồng và xã Quang Minh cũ. Ngoài những khó khăn trên, hiện nay quỹ đất dịch vụ để trả cho các hộ dân chuẩn bị chưa đủ ở một số xã: Tiền Phong, Mê Linh, Thanh Lâm..., do vậy việc giao đất cho dân sẽ phải kéo dài, không biết thời điểm nào mới giải quyết xong?

Ngoài ra, lãnh đạo huyện cũng thẳng thắn nhìn nhận việc chậm giao đất dịch vụ còn do đầu tư xây dựng hạ tầng khu đất dịch vụ không đi trước một bước. Một tồn tại nữa là công tác quản lý đất đai, nhân khẩu, hộ khẩu trước đây thiếu chính xác, gây khó khăn cho việc thống kê, lập phương án giao đất dịch vụ. Huyện Mê Linh đề nghị TP cho phép thực hiện những cơ chế đặc thù mở rộng hơn nữa khi xem xét phạm vi áp dụng, đối tượng được giao đất dịch vụ. Cụ thể, cho phép huyện thực hiện giao đất dịch vụ cho các xã còn lại theo chính sách mà TP đã chấp thuận cho người dân thôn Nội Đồng và thị trấn Quang Minh, Chi Đông. Đồng thời, đề nghị TP cân đối, bố trí nguồn vốn phù hợp giúp huyện xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đất dịch vụ để đảm bảo giao đất dịch vụ cho dân theo đúng cam kết.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần