Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chăm sóc người cao tuổi sa sút trí tuệ

Bác sĩ Nguyễn Hữu Hạnh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sa sút trí tuệ là một nhóm các rối loạn nhận thức đặc trưng bởi giảm trí nhớ, khó khăn trong việc diễn đạt ngôn ngữ, hoạt động, nhận diện đồ vật và rối loạn chức năng thực hiện, khả năng lập kế hoạch, tổ chức…

Sa sút trí tuệ gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống của người bệnh, tạo gánh nặng cho gia đình và xã hội. Dù chứng bệnh này thường gặp ở người cao tuổi nhưng không phải là một quá trình lão hóa bình thường mà là một bệnh lý cần được chẩn đoán và điều trị sớm.

Theo thống kê ở Mỹ, có khoảng 5% số người trên 65 tuổi mắc sa sút trí tuệ. Tại Việt Nam, thống kê của Hội bệnh Alzheimer và rối loạn thần kinh nhận thức cho thấy, có khoảng 500.000 người cao tuổi mắc sa sút trí tuệ, chiếm khoảng 4,8 - 5%.
Nguyên nhân gây sa sút trí tuệ bao gồm di truyền, ảnh hưởng từ các bệnh lý như bệnh alzheimer, đột quỵ não, parkinson… và lạm dụng thuốc trong thời gian dài, đặc biệt là nhóm thuốc an thần, thuốc chống trầm cảm…
 Khám sức khỏe cho người cao tuổi tại Trung tâm nuôi dưỡng người có công số 2 Hà Nội. Ảnh: Công Hùng
Bệnh thường xuất hiện ở đối tượng người cao tuổi nhưng thường hay bị bỏ sót, nếu có phát hiện thì thường là khi đã bước vào giai đoạn trung bình - nặng. Hiện có tới 75% trường hợp bệnh diễn tiến âm thầm khá lâu trước khi được phát hiện. Do đó, việc nhận biết và phòng tránh những nguyên nhân gây bệnh là điều rất quan trọng, giúp giảm những ảnh hưởng xấu của bệnh gây ra.
Triệu chứng của bệnh rất đa dạng tùy vào từng giai đoạn bệnh. Ở giai đoạn nhẹ, triệu chứng nổi bật nhất là suy giảm trí nhớ ngắn hạn, có những thay đổi tính tình như trở nên khó tính hơn, dễ nóng giận và kích động. Ở giai đoạn trung bình, người bệnh bắt đầu biểu lộ những khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày như tắm rửa, mặc quần áo, vệ sinh cá nhân; mất khả năng tiếp thu những thông tin mới, bị rối loạn định hướng nặng về không gian và thời gian; các rối loạn hành vi trở nên nặng nề hơn, người bệnh bị hoang tưởng bị ám hại, trở nên nghi kỵ những người xung quanh hoặc vô cớ tấn công người khác.
Ở giai đoạn nặng, người bệnh mất toàn bộ khả năng độc lập trong sinh hoạt thường ngày, hoàn toàn lệ thuộc vào người chăm sóc. Người bệnh mất trí nhớ, không còn nhận biết được người thân trong gia đình, mất khả năng đi lại. Các biến chứng của giai đoạn cuối là suy kiệt, thiếu dinh dưỡng, viêm phổi hít và loét do tỳ đè.
Bên cạnh việc sử dụng thuốc để điều trị các triệu chứng nhận thức, rối loạn hành vi tâm thần, việc chăm sóc người bệnh đúng cách, tập luyện chức năng nhận thức cũng góp phần quan trọng trong việc khôi phục nhận thức, nâng cao chất lượng sống cho người bệnh. Ngoài ra, cần phải chú ý điều trị tốt các bệnh phối hợp như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, parkinson… khi điều trị cho người bệnh sa sút trí tuệ.
Tình trạng sa sút trí tuệ có thể được cải thiện nếu phát hiện sớm và can thiệp đúng cách, do đó cần nâng cao sự hiểu biết cũng như cách phòng ngừa sa sút trí tuệ trong cộng đồng. Đối với người cao tuổi, nên ăn uống cân bằng, đủ chất, tránh những thực phẩm chứa nhiều mỡ, đường và muối; tăng cường luyện tập thể thao, tham gia các hoạt động giao tiếp xã hội; luôn sống vui vẻ, lạc quan; chơi các trò chơi trí tuệ cùng con cháu. Bên cạnh đó, nên hạn chế các chất gây nghiện như rượu, bia, thuốc lá… và điều trị tốt các bệnh phối hợp như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, parkinson, phòng ngừa đột quỵ…