Chấn chỉnh công tác quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản

Giang Lam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Công tác kiểm tra, giám sát và quản lý mã số vùng trồng đối với các nông sản xuất khẩu cần phải được rà soát, chấn chỉnh kịp thời. Nếu không kiểm tra, giám sát tốt các vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp mã số sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của hàng nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế, cũng như ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích kinh tế của người nông dân.

Báo cáo của Cục Bảo vệ thực vật (BVTV), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại hội nghị trực tuyến về thực trạng và giải pháp quản lý sử dụng phân bón, thuốc BVTV, vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) diễn ra ngày 27/8 cho biết, tính đến hết tháng 4/2021, Cục BVTV đã cấp 3.414 mã số vùng trồng (MSVT) cho trái cây, rau, hạt giống xuất khẩu (XK) trong toàn quốc.
Hơn 196.000ha cây ăn quả được cấp MSVT
Đối với trái cây tươi, đã cấp 2.821 MSVT cho 12 loại (thanh long, nhãn, vải, xoài, chôm chôm, vú sữa, chanh, bưởi, măng cụt, dưa hấu, mít và chuối) cho 48 tỉnh để XK sang các thị trường Trung Quốc, Mỹ, Úc, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU.
Diện tích vùng trồng đã được cấp mã số là hơn 196.200ha, chiếm khoảng 17% tổng diện tích trồng cây ăn quả trong cả nước. Trong số này, xoài và thanh long là các sản phẩm có số lượng MSVT được cấp lớn nhất.
Hiện tại Trung Quốc đang là thị trường được cấp nhiều MSVT nhất (1.703 mã) cho 9 loại trái cây và thạch đen. Đứng thứ hai là thị trường Mỹ với 575 MSVT cho 6 loại trái cây sang thị trường này. Mỹ cũng là thị trường có yêu cầu kiểm tra nghiêm ngặt nhất. Tất cả vùng trồng đều được cán bộ kiểm dịch thực vật của Mỹ trực tiếp kiểm tra hàng năm và Cơ quan Kiểm dịch động thực vật Mỹ (APHIS) cấp mã riêng.
Đóng gói xoài xuất khẩu ở ĐBSCL. Ảnh: TC 
Vùng ĐBSCL có số lượng vùng trồng được cấp mã số lớn nhất, chiếm gần 36,84% (1.258 mã) tổng MSVT đã cấp trên toàn quốc. Toàn bộ mã này đều được cấp cho cây ăn quả.
Trong đó, các tỉnh có số lượng lớn là Tiền Giang (257 mã), Đồng Tháp (225 mã), Long An (182 mã)… Sản phẩm chủ lực của các tỉnh này là thanh long, xoài, mít, nhãn và dưa hấu. Các vùng trồng ở đây được đánh giá thực hiện tốt quy trình kỹ thuật thâm canh, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất.
Tương tự MSVT, mã số cơ sở đóng gói (CSĐG) là yêu cầu bắt buộc của nhiều nước nhập khẩu. Đến nay, Cục BVTV đã cấp 1.826 mã số CSĐG cho các loại quả tươi được phép XK sang thị trường Trung Quốc, Mỹ, Úc, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản… Các CSĐG này được phân bố ở 37 tỉnh trong cả nước.
Trong đó, số lượng mã số CSĐG cấp cho sản phẩm xuất đi thị trường Trung Quốc chiếm tới 97% (1.776 mã số), cho 9 loại quả tươi XK (thanh long, xoài, nhãn, vải, chôm chôm, chuối, mít, dưa hấu và măng cụt).
Số lượng các loại mã số CSĐG đi các thị trường khác là hơn 50 mã số cho 6 loại quả tươi (thanh long, xoài, nhãn, vải, chôm chôm và vú sữa). Các CSĐG này đều được nước nhập khẩu kiểm tra theo định kỳ 1 năm/lần (Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản) hoặc 3 năm/lần (Úc, New Zealand).
Tại khu vực ĐBSCL, chỉ riêng 2 tỉnh Tiền Giang và Long An đã có số lượng nhà đóng gói là 862, chiếm tới 91,7% tổng số của toàn vùng, trong khi một số tỉnh lại có rất ít nhà đóng gói được cấp mã số như Cà Mau, Trà Vinh (mỗi tỉnh có 1 nhà đóng gói), hay Kiên Giang và Sóc Trăng chưa có nhà đóng gói nào được cấp mã số...
Quản lý lỏng lẻo
Theo Cục BVTV, hiện tại, việc thiết lập và quản lý MSVT và CSĐG đang được thực hiện đối với các sản phẩm XK theo yêu cầu của nước nhập khẩu. Năm 2020, phía Trung Quốc yêu cầu tạm ngưng XK xoài từ 12 vùng trồng và 18 CSĐG do phát hiện vi phạm về kiểm dịch thực vật. Trong số này, Tiền Giang là tỉnh có số mã vi phạm lớn nhất (15 mã), tiếp đó là An Giang (7 mã) và thấp nhất là Vĩnh Long (2 mã).
Đây là một “tín hiệu” cho thấy công tác kiểm tra, giám sát và quản lý MSVT đối với các nông sản XK cần phải được rà soát, chấn chỉnh kịp thời. Nếu không kiểm tra, giám sát tốt các vùng trồng, CSĐG đã được cấp mã số sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của hàng nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế cũng như ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích kinh tế của người nông dân.
Ông Nguyễn Văn Thực - Giám đốc Hợp tác xã Hòa Lộc (Tiền Giang) cho hay, thời gian qua một số địa phương trong vùng xoài Hòa Lộc còn chưa dành sự quan tâm đúng mức đối với công tác kiểm tra, giám sát và quản lý vùng trồng. Nhận thức và năng lực kiểm tra, giám sát của cán bộ kỹ thuật địa phương còn chưa đồng đều, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Chưa có chế tài đủ mạnh để xử lý các trường hợp vi phạm về MSVT và CSĐG.
Việc quản lý mã số vẫn còn lỏng lẻo, đã xuất hiện tình trạng các doanh nghiệp (DN) sử dụng không đúng mã số, mạo danh mã số của nhau để XK. Điều này không những gây ảnh hưởng đến uy tín hàng trái cây Việt Nam mà còn trực tiếp ảnh hưởng đến các đơn vị chủ sở hữu mã số như Hợp tác xã Hòa Lộc.
Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV Đồng Tháp, DN liên kết thu mua sản phẩm có MSVT còn rất hạn chế, nông dân vẫn bán cho thương lái nên chưa thấy được lợi ích của MSVT và chưa quan tâm tới việc quản lý MSVT.
Với các MSVT sản phẩm XK sang Trung Quốc, nông dân chủ yếu bán sản phẩm cho thương lái; chưa có cơ sở hay DN thu mua yêu cầu phải có MSVT. Tình trạng sử dụng MSVT vẫn tràn lan và chưa đúng nguồn gốc sản phẩm. Do đó, MSVT XK sang Trung Quốc vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ (chưa quy định hồ sơ quản lý tại địa phương và xuất quan để kiểm soát)…