Chẩn đoán và điều trị bướu sụn bao hoạt dịch

BS Nguyễn Hữu Hạnh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bướu sụn bao hoạt dịch là loại u không phải ung thư, xuất phát từ dưới lớp lót của bao hoạt dịch khớp. Hay bị nhất là khớp gối, tuy vậy có thể gặp ở mọi khớp.

Bướu bắt đầu là những hột sụn nhỏ, sau có thể tách ra và rơi vào trong dịch khớp, thường gặp nhất là ở ngưới lớn 20 - 50 tuổi. Các triệu chứng và dấu hiệu: Đau, sưng, hạn chế vận động và kẹt khớp.

Nguyên nhân

Bướu sụn bao hoạt dịch có thể là nguyên phát hay thứ phát. Bướu nguyên phát hiếm gặp, xảy ra tự phát và không liên quan với môt bệnh lý nào đó có từ trước. Nguyên nhân gây bệnh chưa rõ. Một vài nguyên nhân được cho là chấn thương trong quá trình phát triển và bệnh thường xảy ra ở các khớp gánh chịu trọng lượng của cơ thể. Nhiễm trùng cũng được coi là yếu tố phối hợp. Bệnh không có tính di truyền.

Khám cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn. Ảnh: Phạm Hùng
Khám cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn. Ảnh: Phạm Hùng

ướu thứ phát hay gặp hơn (theo một thống kê trên 136 trường hợp BSBHD, có 10 là nguyên phát và 126 là thứ phát) và thường gặp trên cơ sở các tổn thương thoái hóa có từ trước như: viêm xương - khớp, thấp khớp, viêm khớp, hoại tử xương, viêm xương sụn bóc tách, bệnh xương khớp đi kèm các hội chứng thần kinh (thường gặp ở người tiểu đường), lao, hay gãy xương sụn (rách sụn bao đầu xương trong khớp).

Chẩn đoán

Bao hoạt dịch là một màng mô liên kết lót khoang hoạt dịch của khớp và sản xuất ra hoạt dịch; nó lót toàn bô mặt bên trong của khoang ngoại trừ sụn khớp của các đầu xương.

Hoạt dịch có tác dụng bôi trơn, làm giảm cọ xát giữa các sụn và làm dễ dàng cho sự vận động của khớp; sự hao mòn của sụn có thể dẫn đến viêm xương-sụn. Bướu sụn bao hoạt dịch là bệnh của một khớp, lành tính, chưa rõ nguyên nhân.

Đặc điểm sinh bệnh học là một quá trình chuyển sản và tăng sinh của bao hoạt dịch khớp đưa đến nhiều cục sụn có màu trắng hay xanh nhạt gắn vào mặt trong bao hoạt dịch, về sau được cốt hóa nhưng không phải là tất cả.

Các cục này có thể tách ra và di chuyển tự do trong dịch khớp, có tên gọi là các vật thể bong tróc (loose bodies). Đa số là các cục sụn nhỏ dưới 2 - 3cm. Một số cục có thể gắn vào nhau tạo thành các cục to, có khi to đến gần 20cm.

Bệnh nhân có biểu hiện đau khớp, sưng khớp, kẹt khớp. Bướu sụn bao hoạt dịch có thể hiện diện ở bất cứ khớp nào nhưng thường nhất là ở khớp gối (đến 70%), sau đó là khớp háng (20%) và khớp vai, khớp khuỷu, khớp cổ chân… kể cả khớp thái dương-hàm.

Về triệu chứng, bưới sụn bao hoạt dịch nguyên phát: Gặp ở bệnh nhân trẻ hơn, ít các biểu hiện xâm lấn, có nhiều các cục sụn hơn với kích cỡ tương đổng và thường nhỏ dưới 2 - 3cm, tỷ lệ tái phát sau can thiệp thấp.

Bướu thứ phát: Gặp ở một tỷ lệ rất cao và là hậu quả của các thay đổi do thoái hóa khớp, bởi vậy các biểu hiện xâm lấn ở khớp gặp nhiều hơn và nặng hơn; các triệu chứng thoái hóa lan rộng, bệnh nhân tuổi lớn hơn, số các cục sụn ít hơn, to nhỏ nhiều kích cỡ, hình thù thay đổi nhiều hơn, tỷ lệ tái phát bệnh tại chỗ sau can thiệp cũng cao hơn.

Hình ảnh X-quang: Các cục sụn canxi hóa trong khớp hình tròn hoặc bầu dục; khe khớp không hẹp, tuy nhiên nếu để lâu khớp sẽ bị hư do tình trạng kẹt khớp và sẽ thấy hình ảnh thoái hoá khớp với hẹp khe khớp; mật độ xương tại đầu khớp bình thường.

Chụp cắt lớp: Nốt canxi hóa cản quang; mức độ tràn dịch khớp.

Chụp cộng hưởng từ: Nốt canxi hóa; dày màng hoạt dịch; các vật thể bong tróc giảm tín hiệu ở T1, tăng tín hiệu T2; nếu canxi hóa nhiều: giảm tín hiệu T1 hoặc T1 và T2. Ngoài ra còn có thể dùng phương pháp nội soi khớp để chẩn đoán…

Điều trị

Điều trị kháng viêm và giảm đau bằng các thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs), tuy nhiên các thuốc này không có tác dụng điều trị bệnh triệt để.
Điều trị ngoại khoa lấy bỏ các vật thể sụn lơ lửng trong khớp, cắt bỏ bán phần hay toàn phần bao hoạt dịch. Mổ qua nội soi khớp có thể lấy bỏ các hạt sụn ở tất cả các ngóc ngách trong khớp, đây là ưu điểm tuyệt đối của nội soi so với mổ mở. Phẫu thuật này có thể dùng đốt lạnh (freezing) bao hoạt dịch hoặc dùng quang tuyến.

Tiên lượng bướu sụn bao hoạt dịch thay đổi theo khớp bị bệnh, mức đô tổn thương khớp, và tình trạng tái phát bệnh sau đó. Thường cần tiến hành các khảo sát theo dõi để xử lý tái phát và mọi tiến triển của viêm xương - khớp. Đôi khi cần mổ lần 2. Mức độ tổn thương của khớp trong lần mổ đầu ảnh hưởng đến nguy cơ của viêm khớp phát triển. Có thể cần đến vật lý trị liệu sau điều trị đề bảo vệ chức năng bình thường cho khớp.

Các trường hợp tái phát tại chỗ sau can thiệp gặp ở khoảng 12,5% các trường hợp (từ 3 - 23%). Thoái hóa ác tính tuy có gặp nhưng rất hiếm, không có số liệu chắc chắn.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần