Chấn động bầu cử tại Áo

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cuộc bầu cử Tổng thống ở Áo ngày 24/4 vừa qua tuy chưa đưa lại kết quả cuối cùng, nhưng cũng đã đủ để làm cho chính trường nước này bị chấn động mạnh mẽ và từ nay không còn được như trước.

Nó là cú đòn nặng tay giáng vào chính phủ liên hiệp hiện tại ở Áo giữa Đảng Xã hội dân chủ Áo (SPOE) và Đảng Nhân dân Áo (OEVP). Nó phát đi thông điệp cảnh báo tới các đảng phái chính trị và cá nhân đang cầm quyền ở các nước châu Âu khác, đặc biệt tới chính phủ liên hiệp hiện tại ở Đức của Thủ tướng Angela Merkel.
Ứng cử viên đảng Tự do Áo (FPO) Norbert Hofer được 36,4% số phiếu
Ứng cử viên đảng Tự do Áo (FPO) Norbert Hofer được 36,4% số phiếu
Không phải ứng cử viên tổng thống của hai đảng lớn liên minh cầm quyền kia, cũng chẳng phải ứng cử viên tổng thống của Đảng Xanh, mà ứng cử viên tổng thống của Đảng Tự do Áo (FDOE) Norbert Hofer giành về tỷ lệ phiếu bầu cao nhất (35%), chưa đủ đa số tuyệt đối để cử tri nước này không phải đi bỏ phiếu bầu lần thứ 2, nhưng cao gần gấp đôi người đứng tiếp theo sau là ứng cử viên tổng thống của Đảng Xanh Alexander Van der Bellen. Đảng cực hữu và dân tộc chủ nghĩa, thù địch người nước ngoài và tỵ nạn này giành về thắng lợi chính trị lớn chưa từng thấy trong lịch sử.

Vấn đề tỵ nạn đóng vai trò rất quyết định đối với kết quả bầu cử nói trên. Cử tri Áo đã buộc chính phủ liên hiệp của hai đảng phái chính trị lớn phải trả giá đắt về chủ trương của họ lúc đầu mở cửa biên giới đón người tỵ nạn - cùng với chính phủ Đức - và mãi đến khi đã quá muộn thì mới đóng cửa biên giới. Họ ngán ngẩm và mất lòng tin về những đảng phái chính trị lớn thay nhau cầm quyền nhưng càng ngày càng chứng tỏ xa rời thực tế và thiếu khả năng thực sự để giải quyết những vấn đề cấp thiết của đất nước. Họ dùng lá phiếu dành cho ứng cử viên tổng thống thuộc một đảng phái chính trị theo quan điểm dân tuý, cực hữu và dân tộc chủ nghĩa để thể hiện thái độ phản đối chính phủ liên hiệp. Kết quả bầu cử nói trên báo hiệu ở nước Áo thời kỳ chắc chắn nắm quyền của các đảng phái chính trị lớn, tự gọi là đảng của toàn dân, đã bắt đầu kết thúc, chính trường thiên lệch về phía hữu và phân rẽ sâu sắc. Nếu hai đảng trong liên minh chính phủ hiện tại của bà Merkel ở nước Đức không rút ra cho họ những bài học cần thiết từ cuộc bầu cử tổng thống ở nước láng giềng phía nam này thì kịch bản này rất có thể sẽ trở thành kịch bản ở Đức trong cuộc bầu cử quốc hội vào năm tới.