Chân dung Phó Tổng thống Mỹ sắp thăm Việt Nam

Cẩm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris dự kiến có chuyến thăm Việt Nam trong tuần sau.

Trước khi giữ vị trí Phó Tổng thống Mỹ, nữ chính trị gia 56 tuổi, Harris Kamala cũng từng làm nên lịch sử khi trở thành Tổng Chưởng lý da màu đầu tiên của bang California và là người phụ nữ gốc Nam Á đầu tiên được bầu vào Thượng viện Mỹ.
Phó Tổng thống của những “điều đầu tiên”
Trong suốt hai thập kỷ tham gia chính trường Mỹ, người phụ nữ mang hai dòng máu Ấn Độ và Jamaica này đã làm nên "bộ sưu tập" với những điều thật ấn tượng. Kamala Harris là phụ nữ da màu đầu tiên trở thành Tổng Chưởng lý bang California, là Thượng Nghị sĩ người Mỹ gốc Ấn đầu tiên trong Thượng viện Mỹ. Và giờ, bà là người phụ nữ gốc Á đầu tiên, người phụ nữ da màu đầu tiên giữ vị trí Phó Tổng thống Mỹ, đồng hành cùng ông Joe Biden.
Bà Kamala Harris là người phụ nữ thứ 3 trong lịch sử Mỹ được chọn tranh cử ghế Phó Tổng thống Mỹ. Trước bà là Thống đốc bang Alaska Sarah Palin (năm 2008) và dân biểu bang New York Geraldine Ferraro (năm 1984).
 Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris. Ảnh: Getty
Sinh ngày 20/10/1964 tại Oakland, California, khi đó là Trung tâm hoạt động dân quyền và chống chiến tranh, bà Harris được nuôi dưỡng trong một khu có nhiều người Mỹ gốc Phi ở Berkely. Mẹ bà - Shyamala Gopalan - là một nhà khoa học về ung thư vú di cư từ Tamil Nadu, Ấn Độ năm 1960 để theo học tiến sĩ ngành Nội tiết học tại Đại học California-Berkeley. Cha bà - Donald J. Harris - là một Giáo sư danh dự chuyên ngành Kinh tế của Đại học Stanford, nhập cư từ Jamaica năm 1961 để học kinh tế tại Đại học California-Berkeley.
Khi còn nhỏ, Kamala được cha mẹ bế đi dự các cuộc biểu tình của phong trào dân quyền và tham gia ca đoàn của một nhà thờ Baptist. Ngay từ năm 13 tuổi, cô gái nhỏ Kamala Harris đã cùng em gái Maya "lãnh đạo" thành công một cuộc biểu tình ngay trước tòa nhà chung cư đang sống để phản đối chính sách cấm trẻ em vui chơi trên cỏ. Theo trang Politico, bà Shyamala Gopalan đã chọn cái tên Kamala cho con gái đầu lòng như một niềm tự hào riêng về nguồn cội Ấn Độ. Bởi Kamala có nghĩa là "sen" và cũng là một tên khác của nữ thần Lakshmi trong Hindu giáo. Bà Shyamala Gopalan trong một lần trả lời phỏng vấn báo Los Angeles Times năm 2004 từng chia sẻ niềm tự hào đó: "Một nền văn hóa tôn thờ các nữ thần sẽ sản sinh ra những phụ nữ mạnh mẽ".
Làn gió mới cho chính trường Mỹ
Bằng tốt nghiệp từ Đại học Black Howard ở Washington, DC chính là bước khởi đầu cho sự thăng tiến ổn định đưa bà Harris từ một công tố viên đến hai nhiệm kỳ được bầu làm luật sư quận San Francisco và sau đó là Tổng Chưởng lý của bang California vào năm 2010, trở thành người Mỹ gốc Phi đầu tiên và cũng là người phụ nữ đầu tiên nắm chức vụ này. Trong cương vị này, bà thương thuyết thành công với 5 ngân hàng lớn nhất nước để các ngân hàng phải bồi thường về lối làm ăn thiếu chính đáng trong lĩnh vực cho vay tiền thế chấp mua nhà, buộc các ngân hàng chi ra 20 triệu USD, cao gấp 5 lần con số do tiểu bang California đề nghị.
Đây là chuyến công du thứ hai của bà Kamala Harris trên cương vị Phó Tổng thống Mỹ. Ảnh: Reuters. 
Bà Kamala Harris cũng gây bão về quyết định từ chối bảo vệ Dự luật 8, tu chính án được đề nghị để sửa đổi hiến pháp California nhằm thu hẹp định nghĩa của hôn nhân để chỉ công nhận sự kết hợp giữa hai người khác giới tính, gạt bỏ quyền kết hôn của những cặp đồng tính. Tổng Chưởng lý Kamala Harris là người chủ trì cuộc hôn nhân đồng giới đầu tiên tại California vào năm 2013.  Công việc của bà Harris là chìa khóa để tạo ra một nền tảng và hồ sơ mà từ đó bà đã khởi động một chiến dịch thành công tại Thượng viện vào năm 2016, trở thành nữ Thượng nghị sĩ da màu thứ hai trong lịch sử Mỹ. Tại Thượng viện, bà có chân trong nhiều tiểu ban quan trọng, trong đó có Ủy ban An ninh nội địa và các vấn đề Chính phủ, Ủy ban Đặc biệt về Tình báo, Ủy ban Tư pháp và Ủy ban Phân bổ Ngân sách.
Việc ông Biden lựa chọn bà Harris làm người đứng chung liên danh tranh cử được coi là một cột mốc quan trọng. Không chỉ do bà Harris là người phụ nữ da màu đầu tiên, người gốc Ấn đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ được chọn đứng chung liên danh tranh chức Tổng thống của một chính đảng lớn, việc chọn bà cũng làm nổi bật lên một sự thay đổi đáng chú ý ở Mỹ: Sự gia tăng của một làn sóng trẻ em nhập cư mới, hay những người Mỹ thế hệ thứ hai, như một lực lượng chính trị và văn hóa đang phát triển, khác với bất cứ lực lượng nào đã đến trước đây. Theo miêu tả, bà Harris có phong cách giao tiếp lôi cuốn nhưng cũng không hề kém cứng rắn.
Theo giới phân tích, với tư cách Phó Tổng thống, bà Harris thậm chí còn có cơ hội trở thành nhà lãnh đạo nước Mỹ trong tương lai. Trên thực tế, một số chuyên gia cho rằng Tổng thống Joe Biden, năm nay đã 78 tuổi, dự kiến ​​sẽ chỉ phục vụ một nhiệm kỳ duy nhất, bà Harris sẽ được ưu ái giành được đề cử của đảng Dân chủ vào năm 2024, giúp bà có thêm cơ hội trở thành nữ Tổng thống đầu tiên của Mỹ.
Thông điệp tới Đông Nam Á
Ngày 20/8 (giờ Washington), Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đã lên máy bay rời Washington, bắt đầu chuyến thăm Đông Nam Á. Đây là chuyến công du nước ngoài thứ hai của bà Harris trên cương vị Phó Tổng thống Mỹ. Điểm đến đầu tiên trong chuyến công du của bà Harris là Singapore vào ngày 22/8. Tại đây, bà Harris sẽ có cuộc hội đàm và họp báo chung cùng Thủ tướng Lý Hiển Long.
Phó Tổng thống Kamala Harris sẽ lên đường đến Việt Nam chiều 24/8 và kết thúc chuyến thăm vào ngày 26/8. Theo một cựu nghị sỹ Mỹ, chuyến thăm của Phó Tổng thống Harris thể hiện sự gia tăng ảnh hưởng của Washington ở Đông Nam Á, khẳng định sự chủ động của Mỹ với khu vực sau quyết định rút quân khỏi Afghanistan. Kể từ khi vào Nhà Trắng, chính quyền Tổng thống Joe Biden luôn ưu tiên tăng cường ảnh hưởng của Mỹ ở châu Á và xem Đông Nam Á là một phần quan trọng trong mục tiêu chiến lược của Washington. Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã tham gia cuộc họp trực tuyến với các nhà lãnh đạo ASEAN vào đầu tháng này trong khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cũng đã thực hiện một số chuyến công du tới các nước trong khu vực này vào tháng Bảy, bao gồm Singapore, Việt Nam và Philippines.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần