Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chăn nuôi năm 2022: Trong nguy có cơ

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2022, ngành chăn nuôi của Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung đang phải đối mặt với những khó khăn chưa từng có. Tuy nhiên, đi kèm với những thách thức luôn song hành cơ hội, đòi hỏi người chăn nuôi phải nhanh nhạy tận biến nguy thành cơ.

Nhận diện rõ thách thức

Cùng với những khó khăn trong nội tại ngành, bước sang năm 2022, ngành chăn nuôi tiếp tục đối diện với nhiều thách thức lớn từ tác động của dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng từ cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine khiến thị trường tiêu thụ bất ổn, chi phí sản xuất đầu vào tăng…

Chăn nuôi gà đồi Sóc Sơn (Ảnh: Bình Minh)
Chăn nuôi gà đồi Sóc Sơn (Ảnh: Bình Minh)

Trong đó, giá thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y tăng cao vẫn là gánh nặng lớn nhất với ngành chăn nuôi lúc này. Chỉ tính riêng năm 2021, giá thức ăn chăn nuôi đã tăng từ 30 - 40%. Bước sang năm 2022, giá các mặt hàng này vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Đặc biệt, căng thẳng giữa Nga và Ukraine càng khiến giá nguyên liệu nhập khẩu tăng cao. Ảnh hưởng từ cuộc xung đột này cũng khiến giá xăng dầu trong nước và thế giới tăng mạnh, trực tiếp ảnh hưởng đến việc lưu thông vận chuyển tất cả các mặt hàng liên quan đến chăn nuôi như thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, con giống, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật… Từ đó kéo theo chi phí đầu vào của ngành chăn nuôi tăng cao, nhiều cơ sở đối diện nguy cơ “treo chuồng”.

Trước những tác động trên, thị trường hiện cũng là một thách thức lớn của ngành chăn nuôi. Người chăn nuôi rất khó lường trong việc nhập đàn, tái đàn xây dựng kế hoạch, quy mô sản xuất trong năm.

Trong nội tại ngành chăn nuôi cũng đang đối mặt với các loại dịch bệnh truyền nhiễm như dịch tả lợn châu Phi, dịch lở mồm long móng, cúm gia cầm, viêm da nổi cục... Điều này tác động rất lớn đến chuỗi cung ứng trong nước cũng như toàn cầu, làm phát sinh những biến động lớn của thị trường. Bệnh mới, chủng mới xuất hiện ngày càng nhanh, nhiều  (năm 2021 Hà Nội đã xuất hiện chủng mới Cúm A/H5N8) công tác phòng chống dịch bệnh gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, khi chăn nuôi càng thâm canh, mật độ cao, nếu yếu tố an toàn sinh học không đảm bảo sẽ làm phát sinh các dịch bệnh, tình trạng kháng kháng sinh trên vật nuôi và cả con người sẽ gia tăng.

Ngoài ra, thách thức còn đến từ việc toàn cầu hóa thị trường xen lẫn các hình thức bảo hộ sản xuất và chiến tranh thương mại tác động lớn các chuỗi cung ứng. Sản phẩm chăn nuôi ngày càng diễn ra căng thẳng khi Việt Nam là thành viên, đối tác tham gia 17 Hiệp định thương mại tự do khu vực và thế giới như CPTPP; EVFTA... Yêu cầu sản phẩm chăn nuôi ngày càng phải nâng cao, đảm bảo an toàn thực phẩm, giá thành cạnh tranh.

 

Hà Nội hiện có 7.528 trang trại chăn nuôi quy mô lớn, vừa, nhỏ, bao gồm 110 trang trại lớn, 1.609 trang trại vừa, 5.809 trang trại nhỏ. Về số lượng và chất lượng đàn trâu 27.500 con, tăng 5,4% so với cùng kỳ; đàn bò 130.500 con, tăng 0,1%; đàn lợn 1,37 triệu con tăng 9%; đàn gia cầm là 39,9 triệu con, tăng 2,1% so với cùng kỳ.

Cách mạng khoa học công nghệ 4.0 tạo ra những đột phá trong quản lý, quản trị và sản xuất với xu hướng và yêu cầu cấp thiết về chuyển đổi số gắn với chăn nuôi công nghệ cao; các mô hình nông nghiệp thông minh, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp số; đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội. Nếu ngành Chăn nuôi Hà Nội không đổi mới, tăng khả năng thích ứng và bắt kịp xu hướng phát triển thì mất cơ hội cạnh tranh, rất khó khôi phục, hội nhập. Mặc dù chăn nuôi lớn song Hà Nội hiện còn có nhiều trang trại chăn nuôi phát triển theo hướng tự phát, trong sản xuất các chuỗi khép kín, chuỗi liên kết còn chưa nhiều, lượng sản xuất và quy mô còn nhỏ.

Chủ động nắm bắt thời cơ

Mặc dù đứng trước nhiều thách thức, song năm 2022, ngành chăn nuôi cũng có thể tìm được cơ hội nếu biết nắm bắt đúng thời cơ. Việc mở cửa du lịch hoàn toàn sẽ mở ra cơ hội lớn về nhu cầu thực phẩm có nguồn gốc động vật. Cơ hội bùng nổ nhu cầu thực phẩm còn đến từ tỷ lệ bao phủ vaccine phòng Covid-19 cao, cùng  chính sách mở cửa an toàn, sống chung với dịch của Chính phủ. Khi dịch đã được kiểm soát, chuỗi cung ứng thức ăn chăn nuôi và sản phẩm chăn nuôi sẽ dần trở lại như trước khi có dịch, giúp giá thức ăn chăn nuôi xuống thấp theo đúng giá trị, chi phí vận chuyển hàng hóa giảm...

Chủ động phòng bệnh cho đàn vật nuôi (Ảnh: Ngọc Sơn)
Chủ động phòng bệnh cho đàn vật nuôi (Ảnh: Ngọc Sơn)

Bên cạnh đó, ngành chăn nuôi Hà Nội còn được hậu thuẫn lớn từ chính sách. Hà Nội hiện đã và đang có nhiều chính sách phát triển chăn nuôi, có thể kể đến như chính sách về hỗ trợ giống, phòng chống dịch bệnh, liên kết tiêu thụ sản phẩm... TP cũng đang thực hiện tái cầu trúc ngành chăn nuôi, là cơ hội để các trang trại chăn nuôi đầu tư phát triển.

Chuyển đổi số nông nghiệp cũng chính là cơ hội rất lớn nếu ngành chăn nuôi biết tận dụng để nâng cao việc quản lý ngành, quản lý dữ liệu chăn nuôi, liên kết tiêu thụ sản phẩm. Đến nay Bộ NN&PTNT, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã và đang tập trung triển khai với các đơn vị chuyên ngành, sớm đưa chuyển đổi số vào ngành chăn nuôi để có bước chuyển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Để tận dụng được những thời cơ trên, nhiệm vụ của ngành chăn nuôi Hà Nội lúc này cần tập trung phát triển theo hướng sản xuất giống, tổ chức kiểm tra, đánh giá để tiếp tục nâng cao chất lượng giống. Mặt khác, cần tăng cường chỉ đạo phát triển chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, khuyến khích phát triển chăn nuôi tuần hoàn, theo chuỗi khép kín. Xây dựng mô hình xây dựng mã định danh Quốc gia cho cơ sở chăn nuôi, truy xuất nguồn gốc sản phẩm chăn nuôi gắn với chuyển đổi số. Triển khai các kênh theo dõi sát diễn biến về thị trường nguyên liệu, nguồn cung và giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước và trên thế giới.

Thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh thông qua việc giám sát dịch bệnh, nâng cao tỷ lệ tiêm phòng các bệnh truyền nhiềm nguy hiểm, tổ chức tốt việc tổng tẩy uế môi trường để ngăn chặn, hạn chế mầm bệnh nhất là đối với các bệnh mới, chủng mới.

Về thị trường và lưu thông sản phẩm, đa dạng hóa kênh phân phối sản phẩm chăn nuôi, phát triển mạnh các sàn thương mại điện tử nhằm giảm áp lực kênh phân phối là siêu thị, cửa hàng tiện lợi. Hỗ trợ vận chuyển lưu thông hàng hóa, không để phát sinh thủ tục kiểm tra không cần thiết làm ách tắc hàng hóa.