Chắp cánh khởi nghiệp xanh
Kinhtedothi– Mặc dù các DN khởi nghiệp xanh mang lại nhiều lợi ích cộng đồng, xã hội, nhưng vốn ít, non nghề… là những khó khăn khiến nhiều startup xanh đang loay hoay và mong được hỗ trợ, tháo gỡ.
Startup xanh còn nhiều rào cản
Xu hướng khởi nghiệp xanh tại Việt Nam thời gian qua đang phát triển mạnh mẽ. Báo cáo Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2024 cho thấy, Việt Nam xếp hạng 44/133 quốc gia, nền kinh tế, tăng 2 bậc so với năm trước. Nhiều doanh nhân trẻ đã nhận thấy tiềm năng to lớn của các dự án bền vững, từ sản xuất năng lượng tái tạo cho đến nông nghiệp hữu cơ.
Cả nước hiện có hơn 4.000 DN khởi nghiệp sáng tạo, trong đó có 2 kỳ lân, 11 DN được định giá trên 100 triệu USD, hơn 1.400 tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, 202 khu làm việc chung; 208 quỹ đầu tư; 35 tổ chức thúc đẩy kinh doanh.
Trong số này, ước tính có khoảng 200 - 300 DN tập trung vào lĩnh vực chuyển đổi xanh, bao gồm các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, công nghệ môi trường, nông nghiệp bền vững và kinh tế tuần hoàn. Con số này tương đương với khoảng 5-7% tổng số startup hiện nay.

Ảnh minh hoạ (Nguồn: Internet)
PGS.TS Trương Ngọc Kiểm – Giám đốc Trung tâm Chuyển giao Tri thức và Hỗ trợ Khởi nghiệp, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, mặc dù các DN khởi nghiệp xanh mang lại nhiều lợi ích cộng đồng xã hội, nhưng họ cũng đối mặt với nhiều khó khăn thách thức. Thách thức lớn nhất của khởi nghiệp xanh là việc tìm kiếm và huy động nguồn vốn đầu tư do các dự án xanh thường đòi hỏi vốn đầu tư ban đầu lớn và có chu kỳ hoàn vốn kéo dài. Việc tìm kiếm nguồn vốn đủ để phát triển và duy trì hoạt động của một DN xanh là một thách thức đáng kể. Mặt khác, do nhà đầu tư truyền thống chưa hiểu hoặc không quan tâm đến các mô hình “kinh tế xanh” nên việc tìm kiến tài trợ, vốn đầu tư, hỗ trợ tài chính cho các dự án khởi nghiệp xanh còn nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, các DN khởi nghiệp xanh đều cần mạng lưới đối tác tin cậy, hiểu biết về “tăng trưởng xanh”, có ý thức bảo vệ môi trường và cam kết đồng hành lâu dài cùng dự án. Thị trường cho các sản phẩm và dịch vụ xanh cũng không ổn định và chưa đủ lớn để hỗ trợ phát triển của các DN xanh, người tiêu dùng cũng mất nhiều thời gian để thay đổi nhận thức, thói quen để làm quen với việc sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường. Những điều này dẫn đến các DN khởi nghiệp xanh có thể có nhiều khó khăn trong việc duy trì sản xuất kinh doanh và tăng trưởng.
Cục trưởng Khởi nghiệp và Doanh nghiệp Công nghệ (Bộ KH&CN) Phạm Hồng Quất cũng chỉ ra những rào cản lớn mà startup đang đối mặt. Ngoài việc hạn chế về vốn, chính sách hỗ trợ cho startup xanh cũng chưa đồng bộ, nhân lực chất lượng cao khan hiếm và nhận thức thị trường còn thấp. Trong đó, “vốn xanh”, tức nguồn đầu tư dài hạn, chấp nhận rủi ro để đổi lấy mục tiêu phát triển bền vững, vẫn là một nút thắt.
Để khơi thông và thúc đẩy startup xanh, đại diện Bộ KH&CN cho biết đang đề xuất Chính phủ áp dụng ưu đãi thuế thu nhập cá nhân cho nhà đầu tư tham gia sàn giao dịch khởi nghiệp. Đồng thời, kỹ sư, chuyên gia công nghệ cố vấn cho startup cũng sẽ được miễn thuế để ghi nhận đóng góp của họ vào quá trình tăng trưởng xanh. Đây là hình thức Nhà nước đầu tư gián tiếp cho các dự án khởi nghiệp xanh.
Khơi thông về vốn, chính sách hỗ trợ
Để phát huy sức mạnh của các DN khởi nghiệp xanh trong xã hội hiện đại, việc ủng hộ và tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các DN này là rất quan trọng và cần thiết, để họ có thể thực sự phát triển và góp phần vào việc xây dựng một nền tảng kinh tế xã hội bền vững cho tương lai. Muốn vậy cần có sự chung tay của nhiều bộ phận trong xã hội như Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần có hệ thống cơ chế, chính sách đồng bộ để hỗ trợ cho các DN xanh, DN khởi nghiệp xanh.
PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Phó Viện trưởng Chiến lược, Chính sách nông nghiệp và môi trường, Bộ NN&MT khuyến nghị, Chính phủ cần hoàn thiện quy định về đấu thầu, mua sắm công xanh, xem đây như công cụ chiến lược để thúc đẩy khởi nghiệp bền vững. Việc thành lập Quỹ Đổi mới sáng tạo xanh Việt Nam, với sự tham gia của cả khu vực công và tư, sẽ giải bài toán vốn cho khởi nghiệp bền vững.
Theo ông Thomas Jacobs, Giám đốc Quốc gia IFC phụ trách các quốc gia Việt Nam, Campuchia và Lào, ước tính, nhu cầu tài chính của Việt Nam để thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2040 có thể lên tới 368 tỷ USD. Do vậy, phát triển quy mô thị trường vốn cho phát triển xanh là đòi hỏi cấp thiết cần được ưu tiên.
Ông Thomas Jacobs cho rằng, bên cạnh cải thiện khung pháp lý với những quy định rõ ràng, các ngân hàng của Việt Nam cần nâng cao năng lực trong cung cấp tài chính xanh. Bao gồm, nâng cao năng lực chuyên môn để đánh giá các dự án xanh, thiết kế các sản phẩm tín dụng sáng tạo, tích hợp các tiêu chuẩn về môi trường bền vững tiệm cận với các tiêu chuẩn quốc tế. Việt Nam cần giảm sự phụ thuộc vào hệ thống ngân hàng bằng cách củng cố thị trường vốn, tận dụng các công cụ tài chính sáng tạo như công cụ tài chính trái phiếu xanh, trái phiếu xanh lam.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Minh cho biết, Chính phủ tới đây sẽ ban hành chương trình, hỗ trợ thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam. Thủ tướng đã chính thức giao Bộ KH&CN xây dựng, hình thành quỹ đầu tư mạo hiểm cho đổi mới sáng tạo Việt Nam. Dự kiến, Quỹ sẽ có ở cấp Quốc gia, địa phương và hoạt động ngay trong 2025, ưu tiên dự án khởi nghiệp xanh, tuần hoàn.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang khẩn trương xây dựng, hình thành sàn giao dịch vốn cho khởi nghiệp, với mục tiêu giúp các startup có kênh huy động vốn chính thống, không chỉ trong nước mà còn từ nước ngoài.

Khởi nghiệp nail từ căn phòng trọ
Kinhtedothi - Khởi nghiệp làm nail (dịch vụ làm đẹp chuyên về các hoạt động liên quan đến móng tay, móng chân) tại phòng trọ không chỉ là giải pháp tiết kiệm chi phí, mà còn là cơ hội để các bạn trẻ tận dụng công nghệ và mạng xã hội để phát triển kinh doanh.

P4G 2025: Đa dạng sáng kiến xanh từ khởi nghiệp đến công nghệ cao
Kinhtedothi - Trong khuôn khổ Triển lãm Tăng trưởng xanh P4G Việt Nam 2025, các gian hàng đến từ nhiều lĩnh vực như xe điện, công nghệ đô thị, thời trang bền vững và thủ công cộng đồng đã mang đến cái nhìn toàn cảnh về chuyển đổi xanh trong thực tiễn.

Chung kết cuộc thi Business Challenges: lan tỏa tinh thần khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo
Kinhtedothi - Ngày 20/4, tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc đã diễn ra vòng chung kết cuộc thi Business Challenges - sân chơi học thuật uy tín dành cho sinh viên toàn quốc đam mê kinh doanh và khởi nghiệp - mùa 7. Sự kiện do Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) phối hợp với Ban Quản lý các Khu Công nghệ cao và Khu công nghiệp TP Hà Nội tổ chức.