70 năm giải phóng Thủ đô

Đoạn tuyến trên cao đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội:

Chấp nhận khác biệt để mở đường đến đích

Hải Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 7/8 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trực tiếp thị sát Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị (ĐSĐT) Nhổn - Ga Hà Nội, và yêu cầu phải đưa đoạn tuyến trên cao vào vận hành chậm nhất là 31/12/2022.

Muốn đạt được mục tiêu đó, các bên liên quan phải chấp nhận sự khác biệt, áp dụng những biện pháp chưa có tiền lệ để mở đường cho dự án.

Áp dụng tiêu chuẩn nước ngoài

Dự án đầu tư xây dựng tuyến ĐSĐT thí điểm TP Hà Nội, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội được triển khai từ năm 2009. Sau nhiều lần điều chỉnh, dự án có tổng mức đầu tư 1,176 tỷ euro (32.910 tỷ đồng). Trong đó có 958 triệu euro vốn vay ODA của 4 nhà tài trợ gồm: Tổng Cục Kho bạc của Chính phủ Pháp; Ngân hàng Đầu tư châu Âu, Cơ quan Phát triển Pháp và Ngân hàng Phát triển châu Á. Vốn đối ứng do Ngân sách TP chi trả là 218 triệu euro. Dự kiến cuối năm 2022 sẽ đưa vào vận hành trước đoạn trên cao từ ga S1 - S8 (Nhổn - Cầu Giấy).

Các kỹ sư hối hả làm việc nhằm đảm bảo tiến độ dự án đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Các kỹ sư hối hả làm việc nhằm đảm bảo tiến độ dự án đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Dự án đang triển khai thực hiện 10/10 gói thầu chính; tiến độ tổng thể đạt khoảng 75%. Tiến độ đoạn trên cao đạt 96%, đoạn ngầm đạt 33%. Lãnh đạo ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội cho biết, đây là dự án đầu tư xây dựng có quy mô lớn, công nghệ kỹ thuật mới phức tạp, các hợp đồng của dự án đều sử dụng mẫu hợp đồng quốc tế FIDIC theo điều kiện nguồn vốn vay ODA của các nhà tài trợ. Dẫn đến một số bất cập nảy sinh trong quá trình triển khai thi công.

Những vấn đề lớn nhất hiện nay là sự khác biệt giữa quy định của Hợp đồng FIDIC và pháp luật Việt Nam hiện hành liên quan đến việc: Gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng và bổ sung chi phí; điều chỉnh giá hợp đồng; chỉ dẫn và quyết định của kỹ sư tư vấn; phê duyệt chi phí do thay đổi; qui định về thanh toán hợp đồng và các thay đổi…

Các nhà tài trợ, nhà thầu đều yêu cầu chủ đầu tư dự án phải thực hiện theo hợp đồng FIDIC khi điều chỉnh dự án. Trong khi đó nhiều chi tiết lại chưa có tiền lệ, chưa được quy định cụ thể trong pháp luật Việt Nam. Nói cách khác, mâu thuẫn giữa chuẩn quốc tế và chuẩn nội địa đang khiến dự án tuyến ĐSĐT Nhổn - Ga Hà Nội bế tắc, dẫn đến phát sinh tranh chấp khiếu nại. Một số nhà thầu nước ngoài đã tạm dừng một phần hoặc toàn bộ các hoạt động thi công, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ của dự án.

Để giải quyết vướng mắc lớn nhất này, sớm đưa nhà thầu trở lại thi công, lãnh đạo UBND TP Hà Nội đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng các điều khoản trong hợp đồng FIDIC đã ký. Trong trường hợp có sự khác biệt đối với quy định của Việt Nam thì cho phép áp dụng theo các tiêu chuẩn nước ngoài. Cho phép áp dụng lập, phê duyệt dự toán giá trị công trình, giá trị sửa đổi, bổ sung theo đánh giá hoặc quyết định của Tư vấn thực hiện dự án.

Thạc sĩ Quản lý đô thị Phan Trường Thành chia sẻ, tuyến ĐSĐT số 3 là dự án lớn, cực kỳ phức tạp, lại lần đầu được thí điểm thực hiện tại Hà Nội, sử dụng vốn vay ODA, đồng nghĩa với việc bị ràng buộc bởi các yêu cầu của bên cho vay. “Trong trường hợp những vấn đề phát sinh chưa có quy định của pháp luật nước ta để áp dụng thì việc cho áp dụng theo thông lệ chung quốc tế là hợp lý” - ông Phan Trường Thành nói.

Theo các chuyên gia nhận định, hợp đồng FIDIC là hình thức tiêu chuẩn được sử dụng phổ biến nhất của hợp đồng xây dựng quốc tế trên thế giới hiện nay. Không điều chỉnh theo hợp đồng FIDIC, đoạn tuyến trên cao cũng như toàn bộ dự án ĐSĐT Nhổn - Ga Hà Nội sẽ tiếp tục bế tắc, dẫn đến thiệt hại về kinh tế, giao thông, môi trường ngày càng nghiêm trọng hơn.

Nhà nước lo tiền, nhà thầu làm việc

Dự án tuyến ĐSĐT Nhổn - Ga Hà Nội còn đang phải đối diện với 3 vấn đề khác khó khăn không kém: Đội vốn; nhà thầu chậm trễ thi công; chậm giải ngân. Ngoài ra, công tác chuẩn bị vận hành đoạn tuyến trên cao còn cần sự phối hợp chặt chẽ của Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội.

Dự án đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Dự án đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Hiện dự án có nguy cơ tiếp tục đội vốn lên khoảng 34.000 tỷ đồng. Việc bố trí vốn hàng năm không đủ theo nhu cầu của dự án (giai đoạn từ 2017 - 2019). Thủ tục điều chỉnh dự án và điều chỉnh các hiệp định vay, nghị định thư tài chính giữa Chính phủ Việt Nam và các nhà tài trợ hết sức phức tạp, kéo dài.

Kết quả giải ngân vốn cho dự án năm 2022, tính đến ngày 31/7 vừa qua mới đạt 17,22% kế hoạch, tương ứng với 568,44 tỷ đồng. Hệ luỵ của việc chậm giải ngân và điều chỉnh vốn là các nhà thầu gây sức ép, ngừng thi công, khiến mục tiêu vận hành đoạn trên cao vào cuối năm nay có nguy cơ không đạt.

Liên quan đến vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có chỉ đạo cụ thể, sẽ không vay thêm vốn ODA do thủ tục phức tạp, liên quan tới nhiều loại ngoại tệ, nhiều nhà tài trợ từ nhiều nước, thay đổi tỷ giá… Thay vào đó sẽ sử dụng ngân sách Nhà nước để đầu tư cho dự án.

Lãnh đạo UBND TP Hà Nội cũng đề xuất với Chính phủ cho phép thanh toán cho đơn vị tư vấn khối lượng công việc đã hoàn thành của hợp đồng trọn gói. Có ý kiến đối với nhà tài trợ xem xét rút ngắn thời gian xử lý giải ngân cho dự án, để đáp ứng nguồn vốn cho mục tiêu vận hành trước đoạn trên cao vào cuối năm 2022.

Lãnh đạo Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội cho biết, đáng lo ngại nhất hiện nay là tiến độ hai gói thầu: CP05 - Công trình kiến trúc Depot; CP06 - Hệ thống đường sắt 1. Cả hai gói thầu đang bị chậm 6 tháng do nguyên nhân chính là gói thầu CP05 triển khai quá ì ạch. UBND TP Hà Nội đã cho phép chủ đầu tư gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng gói thầu CP06 đến 31/12/2022 và bổ sung chi phí do gia hạn thời gian.

Nhà thầu đã quay trở lại thi công từ ngày 27/6 và đang thực hiện chạy thử liên động, căn chỉnh hệ thống toàn bộ 10 đoàn tàu. Nhưng nếu nhà thầu đảm nhận gói CP05 không nỗ lực, toàn bộ kế hoạch vận hành đoạn trên cao sẽ đình trệ theo.

Bên cạnh đó, để vận hành tàu, nhóm công việc nghiệm thu bàn giao, chứng nhận an toàn hệ thống cũng rất quan trọng và phức tạp; tích hợp nhiều công tác nghiệm thu chuyên biệt, chuyên ngành.

Ví dụ như: PCCC, môi trường, chứng nhận an toàn hệ thống, đăng kiểm phương tiện.... Bởi vậy, rất cần có sự tham gia, hướng dẫn của Cục PCCC - Cứu hộ cứu nạn, Bộ Công an; Bộ GTVT, Bộ Xây dựng, Tổng Cục môi trường, Bộ TN&MT để đẩy sớm công tác nghiệm thu, bàn giao, chứng nhận an toàn hệ thống cho dự án.

Mặt khác, sau khi hoàn thành, đoạn tuyến trên cao của dự án sẽ do Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội đảm nhiệm. Để đảm bảo sẵn sàng công tác vận hành cũng như bảo trì, trước ngày 15/10/2022, đơn vị này cần hoàn thành công tác lựa chọn Tư vấn hỗ trợ vận hành, bảo trì trong giai đoạn từ 1 - 2 năm đầu.

“Nếu Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội không triển khai ngay việc lựa chọn tư vấn sẽ khó đảm bảo tiến độ vận hành đoạn tuyến trên cao” - lãnh đạo Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội nói.

 

"Các nhà thầu cần khắc phục khó khăn, nêu cao trách nhiệm với đất nước, Nhân dân, đẩy nhanh tiến độ xây dựng dự án. Các đơn vị phải xây dựng lại kế hoạch tiến độ; tổ chức thi công 3 ca, 4 kíp. Hàng tuần phải giao ban để kiểm tra tiến độ, rà soát công việc, tháo gỡ kịp thời các khó khăn vướng mắc. Phối hợp chặt chẽ giữa chủ đầu tư, nhà thầu với các đơn vị liên quan triển khai dự án đồng bộ, đảm bảo tiến độ, chất lượng." -  Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính