Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Châu Á đón Tết mùa lạm phát

Nam Trung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một số quốc gia châu Á như Trung Quốc, Singapore… cùng một bộ phận dân số tại Hàn Quốc, Nhật Bản… sẽ đón Tết Nguyên đán như Việt Nam, đánh dấu dịp chi tiêu mạnh tay nhất trong năm. Nhưng trong bối cảnh lạm phát cao hiện nay, nhu cầu tiêu dùng còn có thể bùng nổ?

Một khách hàng đeo khẩu trang mua đồ trang trí Tết trên vỉa hè ở Bắc Kinh, Trung Quốc, tháng 1/2023. Ảnh: AP
Một khách hàng đeo khẩu trang mua đồ trang trí Tết trên vỉa hè ở Bắc Kinh, Trung Quốc, tháng 1/2023. Ảnh: AP

Sự hỗ trợ tích cực từ các Chính phủ

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn còn nhiều khó khăn sau tác động Covid-19, lạm phát, chi phí sinh hoạt tăng cao ảnh hưởng đáng kể đến khả năng chi tiêu của người tiêu dùng nhiều nước châu Á. Từ Hàn Quốc, Singapore cho đến Indonesia, nhiều nước trong khu vực đã triển khai một số biện pháp hỗ trợ để người dân có thể an tâm chi tiêu, mua sắm Tết.

Để hỗ trợ người dân an tâm đón Tết, Chính phủ Hàn Quốc đã lên kế hoạch tăng nguồn cung 16 mặt hàng thực phẩm có nhu cầu cao trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Bộ Tài chính Hàn Quốc dự kiến sẽ chi 23,5 triệu USD và phối hợp với các nhà bán lẻ để bình ổn giá các loại thực phẩm chính. Ngoài ra, giới chức nước này dự kiến sẽ giảm giá điện, khí đốt để hỗ trợ các gia đình thu nhập thấp trang trải chi phí sưởi ấm. Phí cầu đường cao tốc và đậu xe nơi công cộng cũng sẽ được miễn trong thời gian nghỉ lễ.

Bên cạnh rất nhiều chương trình, khuyến mãi của DN, với mục tiêu kích cầu tiêu dùng, Chính phủ Indonesia đã tạo điều kiện mở thêm chợ và không gian mua sắm cho người dân trong dịp lễ. Còn tại Singapore, mỗi hộ gia đình đều có thể đăng ký nhận phiếu giảm giá mua hàng trị giá 300 SGD dịp Tết này, đánh dấu nỗ lực của Chính phủ nhằm hỗ trợ người dân trong thời kỳ “bão giá”.

Tại Trung Quốc, sau 3 năm hạn chế xuất nhập cảnh để chống dịch, nhiều địa phương đã chủ động thay đổi chính sách để thúc đẩy chi tiêu, tạo cơ hội cho người dân không chỉ đặt các tour du lịch, mà còn giải trí, mua sắm bù lại cho những năm trước. Đơn cử tại TP Hồi Hột, Nội Mông, chính quyền đã dành hơn 38 triệu USD để tặng phiếu mua hàng giảm giá cho người dân; TP Bảo Định, tỉnh Hà Bắc, đã dành hơn 100 triệu USD cho hoạt động tương tự.

Du lịch, đi lại tại Trung Quốc càng thuận lợi khi năm nay nhiều tuyến tàu hỏa cao tốc mới mở, các chuyến bay nội địa khôi phục như trước dịch. Đặc biệt, trong 7 ngày cao điểm Tết, từ 21 - 27/1, tất cả các tuyến đường bộ cao tốc đều “xả trạm” miễn phí. Theo số liệu từ Bộ Giao thông Trung Quốc, dịp “Xuân vận” năm nay kéo dài từ ngày 7/1 - 15/2 sẽ ghi nhận khoảng 2 tỷ chuyến đi lại tại nước này, nghĩa là gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái dù vẫn kém hơn một chút so với thời điểm trước dịch.

Các DN ngành dịch vụ trên khắp châu Á, từ Hàn Quốc, Nhật Bản đến Thái Lan, Campuchia đều đang “ăn mừng” với việc Trung Quốc chính thức mở lại biên giới ngay trước thềm Tết Nguyên đán. Trung Quốc là thị trường khách quốc tế lớn và chi tiêu nhiều nhất thế giới trước dịch, với hơn 154 triệu chuyến đi và gần 255 tỷ USD. Theo ghi nhận của Trip.com, dịch vụ đặt phòng của người từ Trung Quốc đi nước ngoài đã tăng 540% trong 7 ngày cao điểm Tết.

Sau khi nhiều nước phương Tây đưa ra nhiều biện pháp kiểm soát dịch bệnh với du khách đến từ Trung Quốc, hơn 50% số lượng tour đã đổi hành trình về châu Á, trong đó Thái Lan hưởng lợi nhiều nhất. Tại Thái Lan, 3 lãnh đạo hàng đầu của Bộ Y tế, Giao thông và Du lịch đã đích thân ra sân bay quốc tế ở Bangkok để tặng hoa cho đoàn khách Trung Quốc đầu tiên sau 3 năm dịch bệnh, trong chiến dịch chào đón phân khúc khách hàng quan trọng này mang tên “Trung Quốc trở lại”.

Trong bối cảnh lạm phát cao hiện nay, nhu cầu tiêu dùng còn có thể bùng nổ?
Trong bối cảnh lạm phát cao hiện nay, nhu cầu tiêu dùng còn có thể bùng nổ?

Khó khăn Tết mùa lạm phát

Bất chấp nỗ lực hỗ trợ từ các Chính phủ, áp lực lạm phát tăng cao thực sự khiến người tiêu dùng châu Á phải đối mặt với nhiều khó khăn trong dịp Tết Nguyên đán năm nay. Chẳng hạn, Theo Trung tâm Nghiên cứu giá cả Hàn Quốc, chi phí trung bình cho một mâm cơm thờ cúng tổ tiên ngày Tết của một hộ gia đình 4 người ở nước này sẽ rơi vào khoảng 203 USD (khoảng gần 5 triệu VND) - tăng 5,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo một cuộc khảo sát của Công ty Milieu Insight với hàng nghìn người tiêu dùng tại Singapore, Thái Lan, Việt Nam, Malaysia và Philippines về xu hướng chi tiêu cho dịp Tết Nguyên đán năm nay, 54% số người được hỏi cho biết tổng chi tiêu của họ có thể sẽ cao hơn so với năm ngoái, bất chấp áp lực lạm phát.

Các sản phẩm phổ biến nhất mà người tiêu dùng Đông Nam Á sẽ chi tiêu mua sắm dịp này là thực phẩm, các loại rau, trái cây và bánh kẹo. Đối với các hoạt động giải trí, phần lớn người được hỏi dự định sẽ đón Tết ở trong nước. Trong khi đó tại Singapore, khoảng 11% người cho biết sẽ đi du dịch nước ngoài trong dịp Tết năm nay.

Những ngày này, cảnh tượng hàng trăm người xếp thành những hàng dài tại các cây ATM, ngân hàng, đang trở nên phổ biến tại Singapore, với nhiều người phải xếp hàng hơn 2 tiếng đồng hồ mới tới lượt rút tiền. Một số ngân hàng tại Singapore thậm chí rơi vào tình trạng thiếu tiền mặt, đặc biệt là mệnh giá 2, 10 và 50 SGD, khi mà tục mừng tuổi, lì xì đầu năm cho người già và trẻ nhỏ cũng rất phổ biến ở nước này.

“Chúng tôi đã điều động rất nhiều nhân viên để hỗ trợ khách hàng, thậm chí phải gọi cả các nhân viên đã nghỉ hưu tới để giúp trong dịp Tết Nguyên đán. Chúng tôi cũng phải huy động hệ thống đặt chỗ xếp hàng qua tin nhắn” - ông Benny Chan, Quản lý chi nhánh Ngân hàng UOB, Singapore, cho biết.

Còn tại quốc gia tỷ dân Trung Quốc, tiêu dùng mua sắm dịp Tết dự báo sẽ khởi sắc, nhưng không quá bùng nổ như nhận định trước đó do làn sóng lây nhiễm mới, mặc dù các TP lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, Trùng Khánh… được tin đã qua đỉnh dịch lần một, với số ca nhiễm mới giảm dần.

“Chúng tôi hoan nghênh việc mở lại biên giới, nhưng không kỳ vọng doanh thu tăng quá nhanh. Sự bùng phát đại dịch ở đại lục vẫn còn mạnh mẽ và cần thời gian phục hồi, trong khi tiêu dùng nội địa vẫn còn yếu” - bà Annie Yau Tse, Chủ tịch Hiệp hội Quản lý Bán lẻ Hong Kong, đại diện cho hơn 9.000 cửa hàng chia sẻ.