Châu Âu cần động lực tăng trưởng mới

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Theo dự báo của IMF, ở các nước châu Âu phát triển đã kiềm chế được khủng hoảng nợ chủ quyền nhờ các hành động chính sách kịp thời vào đầu năm 2010.

KTĐT - Theo dự báo của IMF, ở các nước châu Âu phát triển đã kiềm chế được khủng hoảng nợ chủ quyền nhờ các hành động chính sách kịp thời vào đầu năm 2010.

Nghiên cứu "Triển vọng kinh tế khu vực" (REO) của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) công bố ngày 20/10 tiếp tục cảnh báo các nền kinh tế châu Âu về những thách thức phải vượt qua để thúc đẩy phục hồi kinh tế sau khủng hoảng.

Nghiên cứu của IMF nhấn mạnh nhờ xuất khẩu đặc biệt tăng mạnh ở các nước xuất khẩu vốn, các nền kinh tế châu Âu tiếp tục phục hồi sau khủng hoảng trầm trọng nhất kể từ sau chiến tranh thế giới thứ 2, với dự báo tăng trưởng Tổng sản phẩm nội địa (GDP) là 2,3% trong năm 2010 và 2,2% năm 2011, sau khi đã suy giảm 4,6% năm 2009.

Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới tiếp tục phục hồi nhanh hơn dự báo, quá trình phục hồi của châu Âu đã chậm lại với tốc độ tăng trưởng GDP thấp kỷ lục.

Sự tăng trưởng không đều của các nền kinh tế châu Âu không chỉ phản ánh những tác động dai dẳng của khủng hoảng và những điều chỉnh tài chính đang được đẩy nhanh mà còn phản ánh sự xơ cứng cơ cấu trong các thị trường lao động, sản phẩm và dịch vụ.

Theo dự báo của IMF, ở các nước châu Âu phát triển đã kiềm chế được khủng hoảng nợ chủ quyền nhờ các hành động chính sách kịp thời vào đầu năm 2010, tăng trưởng dự kiến cũng chỉ đạt 1,7% năm 2010 và 1,6% năm 2011, thấp hơn so với trước đây và so với các nền kinh tế phát triển ở các khu vực khác.

Nhờ tránh được khủng hoảng tiền tệ và ngân hàng do phản ứng chính sách trong nước nhanh cùng với hỗ trợ tài chính quy mô lớn của các thể chế tài chính quốc tế, các nền kinh tế châu Âu đang nổi lên có thể đạt tốc độ tăng trưởng 3,9% năm 2010 và 3,8% năm 2011 tuy vẫn còn phụ thuộc vào nhiều diễn biến ở các nền kinh tế phát triển ở châu lục này.

IMF cảnh báo các nguy cơ lớn vẫn đe dọa các nền kinh tế châu Âu, vì vậy, các nhà hoạch định chính sách cần thực hiện các chính sách phù hợp. Củng cố tài chính cần được thực hiện nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực đến tăng trưởng và việc làm. Các chính sách tiền tệ cần điều hành thận trọng để cân bằng giữa nhu cầu bình thường hóa chính sách với sự cần thiết làm giảm biến động thị trường nợ chủ quyền và nguồn vốn cho ngân hàng. Các ngân hàng cần nhanh chóng củng cố vị thế tài chính trong nước và quốc tế của họ.

Nghiên cứu của IMF nhấn mạnh dù thành công trong thời gian ngắn hạn sắp tới, các nền kinh tế châu Âu cần tìm kiếm các động lực tăng trưởng mới thông qua việc chuyển động lực thúc đẩy tăng trưởng từ mô hình tăng trưởng không bền vững trước đây được thúc đẩy bởi các dòng vốn, tăng trưởng tín dụng nhanh và bùng nổ nhu cầu trong nước sang mô hình tăng trưởng mới phụ thuộc lớn hơn vào các khu vực buôn bán quốc tế.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần