Damascus rung chuyển: Israel đánh thẳng vào trung tâm quyền lực Syria
Kinhtedothi - Căng thẳng Israel - Syria bùng phát trong bối cảnh bất ổn chính trị tại Trung Đông, làm dấy lên lo ngại về một chu kỳ xung đột mới trong khu vực.
Israel vừa tiến hành một loạt các cuộc không kích nhắm vào Thủ đô Damascus của Syria. Một phần cơ sở của Bộ Quốc phòng Syria đã bị phá hủy, trong khi các mục tiêu gần dinh Tổng thống cũng bị ảnh hưởng.
Giới chức Israel tuyên bố hành động quân sự lần này nhằm đáp trả việc các lực lượng chính phủ Syria tấn công cộng đồng người Druze ở miền Nam nước này, đồng thời kêu gọi lực lượng Syria rút khỏi khu vực.
Đây là bước leo thang đáng kể của Israel nhằm vào chính quyền lâm thời tại Syria, do Tổng thống Ahmed al-Sharaa lãnh đạo. Dù chính quyền ông Sharaa có mối quan hệ tốt với Mỹ và đang phát triển các kênh liên lạc an ninh với Israel, Tel Aviv vẫn cáo buộc lực lượng này mang bản chất cực đoan và che giấu mục tiêu kiểm soát miền Nam Syria.

Israel không kích trụ sở quân đội và Bộ Quốc phòng Syria ở Damascus ngày 16/7 Ảnh: Al Jazeera
Israel nhấn mạnh sẽ không cho phép các lực lượng chính phủ Syria tiếp cận gần biên giới phía Nam, nơi sinh sống của cộng đồng người Druze. Một số người Druze tại Israel đã kêu gọi hành động bảo vệ đồng tộc tại Syria. Người dân ở tỉnh Sweida, khu vực tập trung đông người Druze, cho biết đang phải ẩn náu vì giao tranh.
Mỹ kêu gọi nhanh chóng chấm dứt xung đột. Ngoại trưởng Marco Rubio thông báo các bên đã thống nhất một số bước cụ thể nhằm làm dịu tình hình. Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cũng dự kiến họp trong tuần để thảo luận tình hình.
Phía Syria yêu cầu tổ chức họp khẩn nhằm phản đối hành động quân sự của Israel. Trong khi đó, đại diện Israel tại Liên Hợp quốc kêu gọi cộng đồng quốc tế lên án bạo lực nhằm vào dân thường tại Syria.
Syria là quốc gia có cấu trúc dân tộc và tôn giáo đa dạng. Người Hồi giáo Sunni chiếm đa số. Bên cạnh đó là các nhóm thiểu số như người Alawite, Druze, Shiite, Ismaili và nhiều cộng đồng Kitô giáo với lịch sử lâu đời. Người Kurd cũng là nhóm dân tộc lớn, chủ yếu sống ở phía Bắc và Đông Bắc Syria.
Căng thẳng trong khu vực gia tăng vào thời điểm chính trường Israel cũng đang gặp nhiều bất ổn. Một số đảng cực đoan trong liên minh của Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã tuyên bố rút khỏi nội các vì tranh cãi liên quan đến nghĩa vụ quân sự. Tuy nhiên, họ vẫn duy trì sự ủng hộ đối với chính phủ tại quốc hội, giúp liên minh tạm thời tránh được nguy cơ sụp đổ.
Vấn đề nghĩa vụ quân sự, đặc biệt liên quan đến sinh viên tôn giáo cực đoan, đã trở thành tâm điểm tranh luận ở Israel. Tòa án Tối cao đã yêu cầu chấm dứt việc miễn nghĩa vụ đối với nhóm này, song chính phủ vẫn chưa thể đưa ra được luật mới có sự đồng thuận cao. Nhiều người Israel cho rằng sự miễn trừ này gây bất công đối với phần còn lại của xã hội.
Đọc thêm: Hiểm họa tài chính toàn cầu từ sự biến mất đất ngập nước
Cuộc xung đột tại Gaza tiếp tục là điểm nóng gây chia rẽ sâu sắc trong nội bộ Israel. Kéo dài từ tháng 10/2023, chiến sự đã khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng, đẩy xã hội Israel vào tình trạng kiệt quệ và bất mãn gia tăng. Trong khi một số bộ trưởng ủng hộ việc tiếp tục các chiến dịch quân sự, nhiều thành viên khác trong nội các lại kêu gọi đạt được một thỏa thuận ngừng bắn để chấm dứt vòng xoáy bạo lực hiện nay.
Chính phủ của ông Netanyahu, dự kiến tại vị đến năm 2026, đang đứng trước nhiều thử thách cả trong và ngoài nước. Với quốc hội sắp bước vào kỳ nghỉ ba tháng, các quyết định trong thời gian tới sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến tương lai chính trị và an ninh khu vực.

Xung đột Iran - Israel mở khóa "hộp Pandora" đáng lo ngại
Kinhtedothi - Trước những bất ổn mới ở khu vực Trung Đông, ngay cả các đồng minh của Mỹ, từ Hàn Quốc, Ả Rập Saudi đến Đức — đang tính đến giá trị của việc tăng cường vũ khí hạt nhân.

Podcast quốc tế: Tương lai nào cho chương trình hạt nhân của Iran sau xung đột với Israel?
Kinhtedothi - Xung đột với Israel và Mỹ đã đặt dấu hỏi lớn về tương lai chương trình hạt nhân của Iran, khi các cuộc không kích dù gây thiệt hại nặng nề nhưng chưa xóa sổ hoàn toàn tham vọng hạt nhân của quốc gia này.

Israel thiệt hại "chưa từng có" sau xung đột với Iran
Kinhtedothi - Cuộc xung đột kéo dài 12 ngày giữa Israel và Iran đã để lại những thiệt hại chưa từng thấy trong lịch sử Israel, với tổng chi phí khắc phục ước tính lên tới hàng chục tỷ USD.