Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Apple đầu tư 500 triệu USD vào sản xuất đất hiếm tại Mỹ

Kinhtedothi - Apple vừa công bố khoản đầu tư 500 triệu USD vào MP Materials, công ty sản xuất đất hiếm hàng đầu tại Mỹ, nhằm củng cố chuỗi cung ứng nội địa và thúc đẩy công nghệ tái chế.

Theo thỏa thuận được công bố ngày 15/7, Apple sẽ mua nam châm đất hiếm sản xuất tại cơ sở của MP Materials ở thành phố Fort Worth, bang Texas, đồng thời hợp tác xây dựng nhà máy tái chế đất hiếm tiên tiến tại khu mỏ Mountain Pass, bang California.

Dự án không chỉ giúp Apple đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho các sản phẩm chủ lực như điện thoại iPhone, máy tính bảng iPad ... mà còn góp phần tạo hàng chục việc làm mới trong lĩnh vực sản xuất tiên tiến cùng với nghiên cứu & phát triển (R&D).

Tim Cook, Giám đốc điều hành của Apple, khẳng định đây là minh chứng cho cam kết đầu tư vào nền kinh tế Mỹ. "Đất hiếm là yếu tố then chốt cho công nghệ hiện đại. Sự hợp tác này sẽ giúp đảm bảo nguồn cung bền vững ngay tại nước Mỹ," ông nhấn mạnh.

Apple công bố khoản đầu tư 500 triệu USD để mua nam châm đất hiếm do MP Materials sản xuất tại Mỹ. Ảnh của MP Materials

Thỏa thuận của Apple diễn ra trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang thúc đẩy các công ty công nghệ Mỹ đưa dây chuyền sản xuất về nước. Ông Trump từng công khai yêu cầu Apple sản xuất iPhone tại Mỹ thay vì phụ thuộc vào các nhà máy ở Trung Quốc hay các nước khác, đồng thời đe dọa áp thuế 25% nếu công ty không tuân thủ.

Dù việc chuyển toàn bộ dây chuyền sản xuất iPhone về Mỹ là điều khó khả thi do thiếu lực lượng lao động chuyên môn cao, khoản đầu tư vào MP Materials cho thấy Apple đang nỗ lực đáp ứng một phần yêu cầu này, đồng thời củng cố chuỗi cung ứng nội địa.

MP Materials, công ty điều hành mỏ đất hiếm duy nhất tại Mỹ, cũng vừa nhận gói tài trợ khoảng 400 triệu USD từ Bộ Quốc phòng Mỹ. Khoản tài trợ này giúp chính phủ Washington trở thành cổ đông lớn nhất của công ty, đồng thời đảm bảo giá sàn cho các nguyên tố đất hiếm quan trọng.

Các chuyên gia nhận định đây là nỗ lực dài hạn nhằm giảm sự thống trị của Trung Quốc, hiện chiếm tới 92% sản lượng chế biến đất hiếm trên toàn cầu. Sự thống trị này đã biến đất hiếm thành một quân bài chiến lược trong các cuộc đàm phán thương mại giữa Washington và Bắc Kinh.

ĐỌC NGAY: Mỹ hành động nhằm giảm phụ thuộc nguồn cung đất hiếm từ Trung Quốc  

Đất hiếm, bao gồm 17 nguyên tố hóa học như neodymium và praseodymium, đóng vai trò thiết yếu trong sản xuất các sản phẩm công nghệ cao như điện thoại thông minh, xe điện, turbine gió, và thậm chí cả máy bay chiến đấu hay máy quét MRI. Dù tên gọi "đất hiếm" dễ gây hiểu lầm do các nguyên tố này thực chất phổ biến trong tự nhiên, việc khai thác và chế biến tài nguyên này đòi hỏi công nghệ phức tạp và đầu tư lớn.

Thỏa thuận với MP Materials được xem là bước đi khôn ngoan của Apple, vừa đáp ứng yêu cầu từ chính phủ, vừa duy trì chuỗi cung ứng linh hoạt. Đây cũng là một phần trong kế hoạch đầu tư 500 tỷ USD vào nền kinh tế Mỹ mà công ty từng công bố.

Giới phân tích đánh giá cao vai trò của MP Materials trong việc cân bằng thị trường đất hiếm toàn cầu. Tuy nhiên, sản lượng từ mỏ Mountain Pass vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu nội địa, đòi hỏi Mỹ tiếp tục phát triển các nguồn cung khác. Trong khi đó, việc Trung Quốc gần đây nới lỏng hạn chế xuất khẩu đất hiếm được xem là tín hiệu tích cực, nhưng không giải quyết được tận gốc mối lo ngại về an ninh chuỗi cung ứng.

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Đằng sau "tối hậu thư" ông Trump đe Nga

Đằng sau "tối hậu thư" ông Trump đe Nga

16 Jul, 12:02 PM

Kinhtedothi - Việc đàm phán ngừng bắn giữa Nga và Ukraine diễn ra chậm chạp dường như khiến ông Trump, người từng nhiều lần hứa sẽ sớm kết thúc chiến tranh nếu tái đắc cử, tỏ ra sốt ruột.

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ