Reuters đưa tin, Cơ quan Cung cấp Hạt nhân châu Âu Euratom (ESA) cho biết, EU vẫn phải nhập khẩu lượng lớn nhiên liệu hạt nhân của Nga trong năm nay để cung cấp cho các nhà máy điện hạt nhân của khối.
Cơ quan này dự báo, lượng uranium và nhiên liệu hạt nhân của Nga xuất khẩu sang EU trong năm 2023 có thể cao hơn con số ghi nhận trong năm 2021, thời điểm trước khi bùng phát xung đột quân sự tại Ukraine.
“Việc xuất khẩu nguyên liệu hạt nhân của Nga sang một số nước EU trong năm 2022 đã tăng mạnh so với năm trước đó và được dự báo không thay đổi trong năm nay” - ông Stefano Ciccarello, quyền Giám đốc ESA cho hay.
EU hiện chưa áp lệnh cấm vận với ngành năng lượng hạt nhân của Nga, nhưng khối này đang nỗ lực hạn chế sự phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng từ Moscow.
Tuy nhiên, trong năm nay, 5 nước thành viên EU- gồm Bulgaria, Cộng hòa Czech, Phần Lan, Hungary và Slovakia, những quốc gia đang vận hành hàng chục lò phản ứng hạt nhân do Moscow thiết kế, vẫn phải nhập khẩu phần lớn nhiên liệu hạt nhân từ tập đoàn Rosatom của Nga.
Xu hướng này cho thấy EU đang đối mặt nhiều thách thức để thực hiện mục tiêu dài hạn nhằm đảm bảo nguồn cung nhiên liệu cho các nhà máy điện hạt nhân của khối.
Trong năm ngoái, 5 quốc gia châu Âu nói trên đã tăng 20% lượng nhập khẩu uranium được làm giàu từ Nga, theo báo cáo của ESA. [Uranium được làm giàu là
một thành phần quan trọng trong phát điện hạt nhân dân dụng và trong các vũ khí hạt nhân].
Năng lượng hạt nhân chiếm gần 10% nguồn cung năng lượng của các nước EU. Theo số liệu của ESA, Nga đang đáp ứng gần 20% nhu cầu uranium thô của EU. Bên cạnh đó, Moscow cũng cung cấp phần lớn thanh nhiên liệu cho các nhà máy điện hạt nhân ở châu Âu.
Không chỉ cung cấp nguyên liệu hạt nhân cho châu Âu, Nga cũng là nhà cung cấp uranium được làm giàu lớn thứ ba cho Mỹ, quốc gia có nhiều lò phản ứng hạt nhân nhất thế giới.
Ông Ciccarello cho rằng phương Tây sẽ cần bổ sung thêm 20-30% khả năng làm giàu uranium hiện có để bù đắp cho các nguồn cung có rủi ro cao, đặc biệt nếu muốn từ bỏ nhập khẩu nhiên liệu hạt nhân của Nga.
Nhưng theo quan chức EU, kế hoạch đầy tham vọng trên chỉ có thể bắt đầu triển khai vào cuối thập kỷ này và sẽ không thể đáp ứng được nhu cầu uranium được làm giàu của phương Tây.
EU hiện đang xem xét gói trừng phạt thứ 12 đối với Moscow nhằm đáp trả chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine. Tuy nhiên, nguồn tin ngoại giao của EU cho biết, các đề xuất trong gói trừng phạt mới nhất có thể không bao gồm những biện pháp trừng phạt đối với lĩnh vực năng lượng hạt nhân của Nga.
Ủy ban châu Âu (EC) cần phải nhận được sự chấp thuận của tất cả các quốc gia thành viên EU khi muốn đưa bất kỳ biện pháp bổ sung nào vào gói trừng phạt.
Trong khi đó, Hungary gần đây tuyên bố nước này sẽ không ủng hộ đợt trừng phạt tiếp theo của châu Âu đối với Nga nếu chúng nhắm vào ngành năng lượng của Moscow.
Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto cuối tháng 10 thông báo rằng nước này đã nhận được lô nhiên liệu hạt nhân thứ 3 từ Nga trong năm nay cho Nhà máy điện hạt nhân Paks. Tập đoàn năng lượng hạt nhân Rosatom của Nga đang xây dựng hai khối điện mới tại nhà máy, dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào năm 2032.
Hungary nhiều lần phản đối việc EU áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với doanh nghiệp năng lượng của Nga. Theo ông Szijjarto, việc vận hành một nhà máy điện hạt nhân cần bắt buộc phải sử dụng các pin nhiên liệu, do vậy, các tuyên bố chính trị nhằm ngăn cản điều này sẽ không được Hungary tuân thủ.