Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Châu Âu đang cố gắng bỏ máy bay để chuyển sang tàu hỏa

Thế Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kể từ khi phong trào "xấu hổ khi đi máy bay" - "flight shame" bắt đầu khuyến khích du khách tìm kiếm các giải pháp thay thế xanh hơn cho máy bay phản lực, nhiều người ở châu Âu đã tìm đến mạng lưới đường sắt rộng lớn của lục địa này.

Sự dịch chuyển chỉ mới bắt đầu

Châu Âu đang đầu tư rất nhiều vào đường sắt, dường như quá trình cắt giảm mạng lưới vận tải hàng không của lục địa này đang được tiến hành tốt. Trong tương lai, châu Âu gần như dựa hoàn toàn vào những con đường sắt để đi lại và bầu trời trở nên trong xanh hơn.

Deutsche Bahn và Lufthansa đều của Đức phối hợp cung cấp các hành trình liên kết qua đường sắt và đường hàng không. Ảnh: CNN
Deutsche Bahn và Lufthansa đều của Đức phối hợp cung cấp các hành trình liên kết qua đường sắt và đường hàng không. Ảnh: CNN

Đó là bối cảnh của một cuộc cách mạng đường sắt có thể thấy được ở châu Âu, với các tuyến tốc độ cao mới được đưa vào hoạt động, các đường hầm mới cắt giảm thời gian di chuyển...

Theo một cuộc khảo sát năm 2020, các quốc gia châu Âu đang xem xét hạn chế các chuyến bay thương mại chặng ngắn - một động thái có thể được hoan nghênh vì 62% công dân châu Âu sẽ ủng hộ lệnh cấm các chuyến bay chặng ngắn.

Tây Ban Nha đã vạch ra kế hoạch cắt giảm các chuyến bay mà hành trình tàu hỏa mất ít hơn 2,5 giờ vào năm 2050.

Mới đây, hãng hàng không Hà Lan KLM (KLM Royal Dutch Airlines) lập quan hệ đối tác với ngành đường sắt để phân bố lại hành khách trên một số tuyến đường nhất định.

Áo và gần đây là Pháp cũng đang tìm cách hạn chế các tuyến đường hàng không nội bộ nơi tàu hỏa có thể thay thế.

Ở Tây Ban Nha, Đức và Áo, các chương trình khuyến mại vé giá rẻ cũng đóng vai trò quan trọng.

Năm 2023, Pháp đã có luật để cấm các chuyến bay ngắn trên một số tuyến nội địa giúp nước này cắt giảm mức độ ô nhiễm đang làm nóng hành tinh.

Tuy nhiên, EU khẳng định, Pháp muốn áp dụng lệnh cấm, nước này phải có những những tuyến tàu cao tốc thay thế, để có thể di chuyển giữa hai TP trong vòng chưa đầy hai tiếng rưỡi.

Pháp cũng phải có đủ các chuyến tàu chạy sớm và chạy muộn để thuận lợi cho du khách có được thời gian ít nhất là 8 tiếng ở điểm đến.

Điều này có nghĩa là, ở Pháp chỉ có ba tuyến bay đủ điều kiện loại bỏ: Những tuyến đường nối sân bay Paris-Orly với các TP Bordeaux, Nantes và Lyon.

Phán quyết của Ủy ban châu Âu - EC đã làm giảm bớt các kế hoạch ban đầu của Pháp, theo đó sẽ có thêm 5 tuyến bay nữa kết thúc: từ Sân bay Charles de Gaulle của Paris đến Bordeaux, Nantes, Lyon và Rennes, cũng như tuyến từ Lyon đến Marseilles.

“Thủ phạm” vẫn còn đó

"Lệnh cấm các chuyến bay của Pháp là một động thái mang tính biểu tượng, nhưng sẽ có rất ít tác động đến việc giảm lượng khí thải", Jo Dardenne, Giám đốc hàng không của nhóm chiến dịch vận tải sạch hơn Giao thông vận tải & Môi trường (T&E) cho biết.

T&E đã ước tính rằng 3 tuyến bay bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm chỉ chiếm 0,3% lượng khí thải do các chuyến bay cất cánh từ lục địa Pháp tạo ra và 3% lượng khí thải của các chuyến bay nội địa của đất nước (chỉ tính lại các chuyến bay nội địa trong đất liền).

Mạng lưới xe lửa của châu Âu được kết nối bởi các nhà ga ngoạn mục, như Paris Gare de Lyonde-lyon. Ảnh CNN
Mạng lưới xe lửa của châu Âu được kết nối bởi các nhà ga ngoạn mục, như Paris Gare de Lyonde-lyon. Ảnh CNN

Nếu thêm 5 tuyến mà chính quyền Pháp muốn đưa vào, những con số đó sẽ lần lượt là 0,5% và 5%.

Theo EU, khí thải hàng không ở châu Âu đã tăng trung bình 5% so với cùng kỳ năm ngoái trong giai đoạn 2013 - 2019.

Không có gì ngạc nhiên khi những động thái này đã gióng lên hồi chuông cảnh báo trong ngành hàng không.

Theo một báo cáo năm 2022 do Hiệp hội các hãng hàng không khu vực châu Âu (ERA) công bố, nếu tất cả các chuyến bay của hãng hàng không trên các tuyến đường dưới 500km (310 dặm) chuyển sang một hình thức vận tải công cộng khác, lượng carbon giảm được tổng cộng lên đến 5% lượng khí thải trong EU.

"Đối với nhiều người ra quyết định, việc cấm các chuyến bay ngắn và thể hiện sự ủng hộ đối với ngành đường sắt là một chiến thắng dễ dàng để giành được sự ủng hộ của công chúng, đặc biệt là ở châu Âu", Montserrat Barriga, Tổng Giám đốc của ERA, nói với CNN.

Nhưng Montserrat Barriga và những người khác chỉ ra rằng, hạn chế các chuyến bay đường ngắn và loại bỏ dần các khoản trợ cấp carbon cho các chuyến bay ở châu Âu nhưng lại không thực hiện các bước quan trọng nào để hạn chế các tuyến bay kết nối bên ngoài khối là chưa đủ.

Các chuyến bay đường dài tạo ra nhiều khí thải nhất trên toàn cầu. Một bài báo gần đây trên Tạp chí Địa lý Giao thông cho thấy rằng trong khi các chuyến bay dưới 500 km (310 dặm) chiếm 27,9% số chuyến khởi hành ở EU, chúng chỉ chiếm 5,9% lượng nhiên liệu bị đốt cháy.

Ngược lại, các chuyến bay dài hơn 4.000km chỉ chiếm 6,2% số chuyến khởi hành từ EU, nhưng tiêu hao 47% nhiên liệu.

Jo Dardenne của T&E cho biết: “Các chính phủ làm đúng nhưng lại tiếp tục phớt lờ nguồn phát thải hàng không lớn nhất là ở các chuyến bay đường dài, vẫn không được định giá và không được kiểm soát”.

Jon Worth, người sáng lập nhóm vận động công cộng Trains for Europe, cho biết: “Những tuyến đường sắt cao tốc mới xuyên qua châu Âu gần đây góp phần vào sự sụp đổ của Hãng hàng không quốc gia Ý - Alitalia.

Giá cao và tần suất bay thấp vẫn là một trở ngại trong việc thu hút nhiều người chuyển từ đi máy bay, đặc biệt là trên các tuyến đường trục chính như Paris đến Amsterdam, Frankfurt và Barcelona”.

Đó là góc nhìn ở khía cạnh vận chuyển hành khách và kinh tế. Ở khía cạnh khác, để giảm phát thải carbon, châu Âu phải làm nhiều hơn việc loại bỏ nhưng tuyến bay ngắn có đường sắt thay thế.

Pháp trước mắt chỉ cắt 3 tuyến bay, tất cả đều từ sân bay Paris Orly. Ảnh CNN
Pháp trước mắt chỉ cắt 3 tuyến bay, tất cả đều từ sân bay Paris Orly. Ảnh CNN

Mới đây nhất, Hà Lan đang có kế hoạch cắt giảm các chuyến bay quốc tế từ sân bay Schiphol của Amsterdam, một trong những trung tâm hàng không bận rộn nhất châu Âu.

Các quan chức Hà Lan đã tuyên bố vào ngày 17/ 3 rằng họ sẽ áp đặt các hạn chế đối với tất cả các chuyến bay quốc tế rời Hà Lan để đạt được các mục tiêu về khí hậu.

Động thái đã gây lo ngại cho các hãng hàng không, dù rằng việc cắt giảm cũng chỉ áp dụng vào các tuyến bay thuộc Lục địa già mà thôi.

 

Hàng không chiếm khoảng 2 - 3% ô nhiễm làm hành tinh nóng lên của thế giới, nhưng tỷ lệ phát thải đó của một quốc gia có thể khá cao, đặc biệt là đối với các quốc gia nhỏ có nhiều chuyến bay. Châu Âu đang cắt giảm một số tuyến bay, thay thế bằng đường sắt cao tốc để giảm phát thải không khí, đáp ứng các cam kết về khí hậu của họ.